Ngày 8/12/2016: Tự Do và Luật Yêu Thương

831

Rô-ma 14:1-6, 13-23

1 Hãy bằng lòng tiếp lấy kẻ kém đức tin, chớ cãi lẫy về sự nghi ngờ. 2 Người nầy tin có thể ăn được cả mọi thứ; người kia là kẻ yếu đuối, chỉ ăn rau mà thôi. 3 Người ăn chớ khinh dể kẻ không ăn; và người không ăn chớ xét đoán kẻ ăn, vì Đức Chúa Trời đã tiếp lấy người. 4 Ngươi là ai mà dám xét đoán tôi tớ của kẻ khác? Nó đứng hay ngã, ấy là việc chủ nó; – song nó sẽ đứng, vì Chúa có quyền cho nó đứng vững vàng. – 5 Người nầy tưởng ngày nầy hơn ngày khác, kẻ kia tưởng mọi ngày đều bằng nhau; ai nấy hãy tin chắc ở trí mình. 6 Kẻ giữ ngày là giữ vì Chúa; kẻ ăn là ăn vì Chúa, vì họ tạ ơn Đức Chúa Trời; kẻ chẳng ăn cũng chẳng ăn vì Chúa, họ cũng tạ ơn Đức Chúa Trời.

 

13 Vậy chúng ta chớ xét đoán nhau; nhưng thà nhứt định đừng để hòn đá vấp chân trước mặt anh em mình, và đừng làm dịp cho người sa ngã. 14 Tôi biết và tin chắc trong Đức Chúa Jêsus rằng, chẳng có vật gì vốn là dơ dáy; chỉn có ai tưởng vật nào là dơ dáy, thì nó là dơ dáy cho người ấy mà thôi. 15 Vả, nếu vì một thức ăn, ngươi làm cho anh em mình lo buồn, thì ngươi chẳng còn cư xử theo đức yêu thương nữa. Chớ nhân thức ăn làm hư mất người mà Đấng Christ đã chịu chết cho. 16 Vậy chớ để sự lành mình trở nên cớ gièm chê. 17 Vì nước Đức Chúa Trời chẳng tại sự ăn uống, nhưng tại sự công bình, bình an, vui vẻ bởi Đức Thánh Linh vậy. 18 Ai dùng cách ấy mà hầu việc Đấng Christ, thì đẹp lòng Đức Chúa Trời và được người ta khen. 19 Vậy chúng ta hãy tìm cách làm nên hòa thuận và làm gương sáng cho nhau.
20 Chớ vì một thức ăn mà hủy hoại việc Đức Chúa Trời. Thật mọi vật là thanh sạch; nhưng ăn lấy mà làm dịp cho kẻ khác vấp phạm, thì là ác. 21 Điều thiện ấy là đừng ăn thịt, đừng uống rượu, và kiêng cữ mọi sự chi làm dịp vấp phạm cho anh em mình. 22 Ngươi có đức tin chừng nào, hãy vì chính mình ngươi mà giữ lấy trước mặt Đức Chúa Trời. Phước thay cho kẻ không định tội cho mình trong sự mình đã ưng! 23 Nhưng ai có lòng nghi ngại về thức ăn nào, thì bị định tội rồi, vì chẳng bởi đức tin mà làm; vả, phàm làm điều chi không bởi đức tin thì điều đó là tội lỗi.
 

 

Câu gốc:  “Vả, nếu vì một thức ăn, ngươi làm cho anh em mình lo buồn, thì ngươi chẳng còn cư xử theo đức yêu thương nữa. Chớ nhân thức ăn làm hư mất người mà Đấng Christ đã chịu chết cho” (Rô-ma 14:15).

 

Câu hỏi suy ngẫm: Ông Phao-lô đang bàn về vấn đề gì? Ông đề cập đến hai hạng người nào? Ông khuyên đừng làm gì cho anh em (câu 13)? Và nên làm điều gì đối với bản thân (câu 21)? Câu 23 có nghĩa gì? Bài học nào cho chúng ta khi có sự khác biệt ý kiến trong sinh hoạt Hội Thánh?

 

Mục đích chính của Kinh Thánh là bày tỏ sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời qua Chúa Cứu Thế Giê-xu. Còn rất nhiều điều Chúa không mặc khải cho chúng ta. Có một số vấn đề gây tranh cãi trong Hội Thánh thuộc lãnh vực bên ngoài, thứ yếu, Kinh Thánh không đề cập đến hoặc không dạy rõ như vấn đề thực phẩm (câu 2), vấn đề những ngày lễ (câu 5).

 

Sứ đồ Phao-lô đề cập đến hai nhóm người có ý kiến khác biệt. Những người yếu đức tin (câu 1) là những người mới, sự hiểu biết và kinh nghiệm theo Chúa còn đơn sơ. Họ còn tuân giữ các luật về nghi lễ trong Cựu Ước như luật về thực phẩm thanh sạch và không thanh sạch (Lê-vi Ký 11), luật về tuân giữ các thánh lễ của người Do Thái (Lê-vi Ký 23). Họ cũng kiêng ăn thịt, chỉ ăn rau, vì thời đó thịt đã được cúng cho tà thần trước khi đem ra chợ.

 

Những người mạnh (Rô-ma 15:1) là những người nhiều kinh nghiệm và hiểu biết trong Chúa. Theo Lời Kinh Thánh dạy, họ biết và tin rằng không có thực phẩm nào tự nó là ô uế (Mác 7:19; I Ti-mô-thê 4:4); và các thánh lễ trong Cựu Ước là “bóng” chỉ về biểu tượng, còn “hình” thì đã hoàn tất qua Chúa Giê-xu (Cô-lô-se 2:16-17), nên Cơ Đốc nhân không cần tuân giữ những thánh lễ đó nữa. Những người này vẫn ăn thịt bán ngoài chợ đã cúng cho tà thần, vì họ biết rằng ngoài Đức Chúa Trời, thật sự không có thần nào khác (I Cô-rinh-tô 8:4).

 

Sứ đồ Phao-lô khuyên hai nhóm người này tiếp nhận nhau, vì Chúa tiếp nhận cả hai nhóm. Chớ đoán xét nhau; người mạnh chớ khinh chê người yếu là kém hiểu biết, theo chủ nghĩa duy luật; người yếu chớ chỉ trích người mạnh là phóng túng; vì cả hai nhóm đều muốn vâng phục theo ý Chúa, và vì chỉ có Chúa là Đấng có thẩm quyền đoán xét chứ không phải chúng ta (II Cô-rinh-tô 5:10).

 

Sứ đồ Phao-lô khuyên người mạnh rằng, trong nơi riêng tư giữa họ với Chúa, họ hãy hành động theo niềm xác tín của mình (Rô-ma 14:22), nhưng giữa nơi công cộng, vì tình yêu thương đối với người yếu đức tin, có những trường hợp họ nên tự nguyện hy sinh sự tự do của mình để tránh gây cớ vấp phạm cho họ (Rô-ma 14:20-21; I Cô-rinh-tô 8:1).

 

Cuối cùng ông khuyên các tín hữu nói chung hãy hành động theo niềm xác tín của riêng mình (đức tin ở câu 23 không phải là đức tin cứu rỗi mà là niềm tin về một lẽ đạo nào đó). Điều mà lương tâm mình cho là sai mà mình vẫn làm thì là phạm tội.

 

Ngày nay, trong Hội Thánh cũng có những ý kiến khác nhau về một số vấn đề thứ yếu thuộc lãnh vực hình thức bên ngoài mà Kinh Thánh không đề cập đến hoặc không dạy rõ như loại âm nhạc, cung cách tôn vinh Chúa, cách cầu nguyện, cách dâng hiến, hình thức Tiệc thánh, ăn thông công trong Hội Thánh… Mỗi cộng đồng đức tin hãy làm theo niềm xác tín mà mình cho là đúng, là làm vinh quang Danh Chúa, đồng thời hãy tôn trọng quan điểm khác biệt của những nhóm tín hữu khác, họ cũng cho rằng họ làm theo ý Chúa.

 

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin soi sáng cho con để con biết đồng lòng với các tín hữu khác trong những vấn đề cốt lõi, biết khoan dung trong những vấn đề thứ yếu, và trên hết biết đối xử với anh chị em con bằng tình yêu thương.

 

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Ca Thương 4.

Bài trướcNgày 7/12/2016: Chúa Dạy Cách Giúp Người Nghèo Khó
Bài tiếp theoTin Lành Thành Phố Đà Nẵng Cứu Trợ Người Dân Vùng Lũ Quảng Bình Đợt 2