Ngày 7/11/2015: Hội Thánh và Phép Tắc Trần Gian

807

Rô-ma 13:1-7

“Vì cớ Chúa, hãy phục theo mọi phép tắc loài người lập lên, hoặc vua, như đấng rất cao, hoặc các quan, như người vua sai ra để phạt kẻ làm dữ và khen người làm lành. Vì anh em làm điều lành để ngăn miệng những kẻ ngu muội dại dột, ấy là ý muốn của Đức Chúa Trời…. Hãy kính mọi người; yêu anh em; kính sợ Đức Chúa Trời; tôn trọng vua” (I Phi-e-rơ 2:13-15, 17).

 


Câu hỏi suy ngẫm: Chúa dạy Hội Thánh phải có thái độ ra sao đối với các cấp chính quyền? Vì sao? Việc vâng phục nhà cầm quyền bày tỏ thế nào? Đâu là giới hạn của việc vâng phục? Xin cho thí dụ.

 

Hội Thánh của Chúa là tập thể của những công dân Thiên Quốc, những đại sứ của Nước Trời, những hoàng tử hay công chúa của Vua trên muôn vua, Chúa trên muôn Chúa. Hội Thánh cần có thái độ thế nào với các cấp chính quyền của các nước trần gian này? Lời Chúa dạy chúng ta không được coi thường, nhưng phải phục tùng, tôn trọng các vua hay các quan là những người Chúa sai đến.

 

Vua là vị nguyên thủ quốc gia ngày xưa. Ngày nay, chúng ta có tổng thống, thủ tướng hay chủ tịch nước. Các quan là những nhân viên chính quyền các cấp ngày xưa. Ngày nay, chúng ta có các công chức và quân nhân các cấp.

 

Con cái Chúa phải tuân thủ những luật lệ, mệnh lệnh mà các bậc cầm quyền đã lập ra, bao gồm tất cả luật lệ hành chính, giao thông, chế độ thuế má; các luật của chính quyền trung ương và địa phương. Chúng ta phải xem những người cầm quyền có giá trị và đối xử với họ một cách tôn trọng, dù là trực tiếp hay qua các phương tiện truyền thông.

 

Lý do chúng ta phải tôn trọng các nhà cầm quyền là vì chính Chúa là Đấng thiết lập ra chính quyền. Chúa biết con người chúng ta đầy tội lỗi, gian ác nên không thể sống yên ổn trong thế gian mà không có ai cai trị. Chúng ta cần có chính quyền để duy trì an ninh, trật tự. Chúng ta cũng cần chính quyền để lãnh đạo công chúng thực hiện những chương trình chung hầu đem đến lợi ích cho mọi người trong xã hội. Chính quyền đặt ra các luật lệ, và thưởng phạt người dân theo các luật lệ ấy. Chúa thiết lập chính quyền, cho nên, khi con cái Chúa chống lại chính quyền là chống lại mệnh lệnh Đức Chúa Trời đã lập. Vâng phục nhà cầm quyền cũng là cách chúng ta góp phần vào sự an sinh của mọi người và chính bản thân mình. Hơn nữa, qua việc vâng phục nhà cầm quyền, Hội Thánh làm chứng tốt cho Danh Chúa. Người ngoài nhìn thấy chúng ta là những công dân gương mẫu, họ sẽ nể trọng Hội Thánh và tôn trọng Chúa là Đấng chúng ta tôn thờ.

 

Tuy nhiên, việc vâng phục có giới hạn. Khi nhà cầm quyền có những luật lệ hay mệnh lệnh trái nghịch với Lời Chúa, thì Hội Thánh cần phải theo gương các sứ đồ: Chúng ta thà vâng lời Đức Chúa Trời hơn là vâng lời người ta (Công Vụ 5:29). Điều này đã xảy ra trong lịch sử giáo hội nhiều nơi trên thế giới. Từng hồi từng lúc, có những nhà cầm quyền ngăn cấm người dân tin Chúa, thờ phượng Chúa, rao truyền Danh Chúa. Trong những trường hợp ấy Hội Thánh không thể nào vâng phục các nhà cầm quyền được. Cũng có trường hợp các cấp chính quyền đối xử bất công, trái luật pháp, con dân Chúa có quyền khiếu nại thay vì cam chịu. Đây là cách Sứ đồ Phao-lô đã làm khi ông bị người Do Thái mưu hại. Ông đã khiếu nại tình cảnh mình lên hoàng đế La Mã (Công Vụ 25:11).

 

Như vậy việc vâng phục có giới hạn, nhưng việc tôn trọng thì không giới hạn. Dù chính quyền có sai hay đúng, chúng ta có vâng phục hay không, chúng ta vẫn cần phải đối xử với những người cầm quyền một cách tôn trọng. Chúng ta có thể bất đồng ý kiến với người cầm quyền, nhưng không bất kính, bất nhã. Đây là cách các sứ đồ đã làm khi họ bị bức hại, hạch hỏi.

 

Lạy Chúa, xin cho con biết vâng phục và tôn trọng những người cầm quyền theo ý Chúa để làm sáng Danh Ngài.

 

 

 Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Các Quan Xét 19.

 

Bài trướcNgày 6/11/2015: Hội Thánh Sống Giữa Người Trần Gian
Bài tiếp theoNgày 8/11/2015: Cảm Tạ Chúa Vì Được Ngài Giải Cứu