Ca Thương 3:25-28
25 Đức Giê-hô-va ban sự nhân từ cho những kẻ trông đợi Ngài, cho linh hồn tìm cầu Ngài.
26 Thật tốt cho người trông mong và yên lặng đợi chờ sự cứu rỗi của Đức Giê-hô-va.
27 Thật tốt cho người mang ách lúc trẻ thơ.
28 Phải, nó phải ngồi một mình và làm thinh, vì Ngài đã gán ách trên mình.
Câu gốc: “Thật tốt cho người trông mong và yên lặng đợi chờ sự cứu rỗi của Đức Giê-hô-va” (câu 26).
Câu hỏi suy ngẫm: Tiên tri Giê-rê-mi đang ở trong hoàn cảnh như thế nào? Ông yên lặng trong khi chờ đợi sự giải cứu của Ngài như thế nào? Qua đó, ông đã nhận biết gì về Chúa? Câu 27-28 dạy chúng ta điều gì? Bạn áp dụng bài học này cho mình như thế nào?
Tiên tri Giê-rê-mi được xem là tiên tri của sự than khóc. Ông chứng kiến cảnh đất nước tang thương, lưu đày khi thành Giê-ru-sa-lem sụp đổ. Chính trong những lúc đau buồn vì dân tộc, ông dành nhiều thời gian yên lặng, một mình ở với Chúa. Trong sự than vãn qua những vần thơ Ca Thương, Tiên tri Giê-rê-mi đã trải nghiệm được sự ngọt ngào và phước hạnh khi trông mong và yên lặng chờ đợi sự giải cứu của Chúa (câu 26). Ông nhận ra sự nhân từ và thành tín của Chúa dành cho những ai trông cậy Ngài (câu 23-25).
Yên lặng đợi chờ là một kỷ luật thuộc linh cần thiết trong mối liên hệ của mỗi con cái Chúa với chính Ngài. Đó là thời gian yên lặng ở một mình với Chúa để cầu nguyện, để suy ngẫm Lời Ngài, để kinh nghiệm sự hiện diện của Chúa và để hiểu được ý muốn của Ngài. Tách mình ra khỏi những sự ồn ào, bận rộn của cuộc sống để ở một mình đắm chìm trong mối tương giao với Chúa sẽ giúp chúng ta nhận biết Ngài cách rõ ràng hơn như Thi Thiên 46:10 kêu gọi: “Hãy yên lặng và biết rằng ta là Đức Chúa Trời”.
Ở đây, Tiên tri Giê-rê-mi khẳng định: “Thật tốt cho người trông mong và yên lặng đợi chờ sự cứu rỗi của Đức Giê-hô-va” (câu 26). Thật vậy, đó là thời gian vô cùng giá trị mà chính ông đã trải nghiệm. Kinh Thánh cũng cho chúng ta thấy nhiều gương của những người đã yên lặng ở một mình với Chúa như ông Môi-se (Xuất Ê-díp-tô Ký 33:7, 11), Tiên tri Ê-li (I Các Vua 19), ông Gia-cốp (Sáng Thế Ký 32:24-32), và chính Chúa Giê-xu đã rất nhiều lần tìm nơi vắng vẻ để tương giao với Đức Chúa Cha (Mác 1:35, Lu-ca 5:16, Ma-thi-ơ 14:13,…).
Từ “mang ách” trong câu 27 có nghĩa là tự nguyện khép mình vào kỷ luật của Đức Chúa Trời để học hỏi những điều Ngài dạy. Người nào biết giữ kỷ luật thuộc linh từ lúc còn trẻ trong mối liên hệ với Chúa qua những thì giờ “ngồi một mình và làm thinh” (câu 28) thì thật phước hạnh biết bao! Qua những thì giờ như vậy sẽ giúp chúng ta được sâu nhiệm hơn về chính Chúa, được Ngài thêm sức và làm tươi mới tâm linh trong mối tương giao với Ngài. Chính tại thì giờ tĩnh lặng với Chúa cũng sẽ giúp chúng ta nhận ra điều nào là quan trọng và ưu tiên cho đời sống để tập trung sống đẹp ý Chúa và ích lợi cho nhiều người.
Bạn có thường dành thì giờ yên lặng ở một mình với Chúa không?
Cầu nguyện: Lạy Chúa, giữa những bộn bề của cuộc sống, xin Ngài giúp con biết tách mình khỏi những âm thanh ồn ào xung quanh con, để thì giờ riêng tư một mình với Chúa, được chiêm ngưỡng sự hiện diện của Ngài, được nghe tiếng Chúa phán với con và được sống trong mối liên hệ mật thiết với Chúa.
Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Ê-xê-chi-ên 37.