II Cô-rinh-tô 12:5-10
5 Về người đó, tôi sẽ khoe mình; nhưng về chính mình tôi, tôi không khoe, chỉ khoe về sự yếu đuối của tôi mà thôi. 6 Dầu tôi muốn khoe mình, thì cũng không phải là một người dại dột, vì tôi sẽ nói thật; nhưng tôi giữ, không nói, hầu cho chẳng ai nghĩ tôi Vượt Quá sự họ thấy ở nơi tôi và nghe tôi nói. 7 Vậy nên, e rằng tôi lên mình kiêu ngạo bởi sự cao trọng cả thể của những sự tỏ ra ấy chăng, thì đã cho một cái giằm xóc vào thịt tôi, tức là quỉ sứ của Sa-tan, để vả tôi, và làm cho tôi đừng kiêu ngạo. 8 Đã ba lần tôi cầu nguyện Chúa cho nó lìa xa tôi. 9 Nhưng Chúa phán rằng: Ân điển ta đủ cho ngươi rồi, vì sức mạnh của ta nên trọn vẹn trong sự yếu đuối. Vậy tôi sẽ rất vui lòng khoe mình về sự yếu đuối tôi, hầu cho sức mạnh của Đấng Christ ở trong tôi. 10 Cho nên tôi vì Đấng Christ mà đành chịu trong sự yếu đuối, nhuốc nhơ, túng ngặt, bắt bớ, khốn khó; vì khi tôi yếu đuối, ấy là lúc tôi mạnh mẽ.
Cầu nguyện: “Nhưng Chúa phán rằng: Ân điển ta đủ cho ngươi rồi, vì sức mạnh của ta nên trọn vẹn trong sự yếu đuối. Vậy tôi sẽ rất vui lòng khoe mình về sự yếu đuối tôi, hầu cho sức mạnh của Đấng Christ ở trong tôi” (câu 9).
Câu hỏi suy ngẫm: Sứ đồ Phao-lô đang phải gánh chịu hoạn nạn gì và Chúa trả lời sự cầu xin của ông ra sao? Ông đã kinh nghiệm sức mạnh của Chúa ban cho như thế nào? Chúng ta cần làm gì để nhận sức mạnh trong ân điển của Chúa?
Sứ đồ Phao-lô đang gánh chịu một nỗi đau xác thịt, đó là cái giằm xóc đang đâm vào cơ thể ông (câu 7). Ông đã ba lần cầu xin Chúa lấy nó ra khỏi ông nhưng Ngài trả lời: “Ân điển ta đủ cho ngươi rồi, vì sức mạnh của ta nên trọn vẹn trong sự yếu đuối” (câu 9a). Dù Chúa không cất cơn đau thuộc thể ra khỏi Sứ đồ Phao-lô nhưng Ngài hứa bày tỏ quyền năng của Ngài trong sự yếu đuối của ông. Nhờ đó, Sứ đồ Phao-lô đã có một nhận thức sâu xa hơn về ân điển Chúa dành cho ông. Ông biết rằng ngay cả khi ông phải chịu những đau đớn thể xác thì cũng là bởi ân điển Chúa, vì điều đó sẽ giúp ông không kiêu ngạo hay khoe mình.
Khi Sứ đồ Phao-lô sẵn sàng chấp nhận hoạn nạn Chúa cho phép xảy đến, đó là lúc ân điển Chúa khởi sự hành động và bày tỏ trong đời sống ông. Khi ông thấy mình yếu đuối qua những cơn đau đớn, ông càng nhờ cậy Chúa và kinh nghiệm được sức mạnh Chúa ban cho càng hơn. Chính dân Y-sơ-ra-ên cũng nhận biết rằng mình được Chúa ban cho quyền năng phép lạ tại Biển Đỏ khi họ cảm thấy bế tắc trước sự truy đuổi của quân Ai Cập (Xuất Ê-díp-tô Ký 14:21-31). Rồi Sứ đồ Phao-lô và ông Si-la cũng kinh nghiệm năng quyền của Chúa ngay cả khi đang ở trong ngục tù (Công Vụ 16:25-34). Nhiều nhân vật khác trong Kinh Thánh cũng kinh nghiệm được sức mạnh của Chúa trong những hoàn cảnh khốn khó, yếu đuối nhất như Tiên tri Ê-li (I Các Vua 19), ông Gióp (Gióp 13:15), Vua Đa-vít (II Sa-mu-ên 12:13-23),…
Sau khi Sứ đồ Phao-lô nhận thức rõ ý muốn và ân sủng Chúa dành cho mình, ông đã vui chịu mọi khó nhọc, yếu đuối, túng ngặt,… vì ông biết rằng “khi ông yếu đuối, đó là lúc ông mạnh mẽ” nhờ sức mạnh của Đấng Christ ban cho (câu 10). Ngày nay, mỗi chúng ta cũng cần nhận ra những yếu đuối của mình để cầu xin sự thêm sức của Chúa, và cần kinh nghiệm sức mạnh của Chúa ban cho mình trong những hoàn cảnh khó khăn nhất. Chính trong sự yếu đuối của chúng ta là cơ hội để kinh nghiệm quyền năng và sức mạnh của Chúa ban cho. Chúng ta cảm tạ Chúa bởi lời hứa trong ân điển của Ngài mà chúng ta nhận được sức mạnh thuộc linh và tiếp tục nương cậy Chúa trong mọi hoàn cảnh.
Bạn có kinh nghiệm được quyền năng hay sức lực Chúa ban cho mình không, và trong những hoàn cảnh nào?
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con nhận biết rằng sức mạnh thuộc linh của Ngài sẽ nên trọn vẹn trong sự yếu đuối của con để con tiếp tục sống trong ân điển Chúa.
Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Đa-ni-ên 11.