Ngày 4/6/2017: Tìm Sự Trả Lời của Chúa

733

Gióp 7:11-16    

11 Sức lực tôi nào đủ đợi cho nỗi,
Cuối cùng tôi sẽ ra sao, mà tôi lại nhẫn nhịn được?
12 Sức tôi há là sức đá sao?
Thịt tôi há dễ là đồng?
13 Trong mình tôi chẳng có sự tiếp cứu, sự khôn ngoan bị cất khỏi tôi,
Ấy há chẳng phải như vậy sao?
14 Kẻ gần xui té, đáng được bạn bầu thương xót đến,
E kẻo người bỏ sự kính sợ Đấng Toàn năng.
15 anh em tôi dối gạt tôi như dòng khe cạn nước,
như lòng khe chảy khô.
16 Nó bị đục vì cớ nước đá,
Có giá tuyết ẩn ở trong.
 

Câu gốc: “Hãy hết lòng tin cậy Đức Giê-hô-va, chớ nương cậy nơi sự thông sáng của con; Phàm trong các việc làm của con, khá nhận biết Ngài, thì Ngài sẽ chỉ dẫn các nẻo của con” (Châm Ngôn 3:5-6).

 

Câu hỏi suy ngẫm: Ông Gióp than phiền Chúa về điều gì? Ông có lý giải được vì sao ông bị hoạn nạn không? Tại sao? Bạn suy nghĩ và hành động như thế nào khi gặp thử thách?

 

Sau khi than thân trách phận (câu 1-6) và xin Chúa nhớ đến, ông Gióp tiếp tục phàn nàn về các hoạn nạn của ông. Ông xác định rõ lý do, “bởi cớ ấy” (câu 11), là bởi cớ ông phải chịu sự hoạn nạn quá lớn, con trai con gái bị chết, của cải mất hết cùng một ngày, cơ thể ung nhọt, người đời khinh chê. Thân thể ông tiều tụy, linh hồn ông cay đắng (câu 11). Ông không hiểu lý do vì sao mình phải chịu khổ như vậy. Ông thưa với Chúa vì sao Chúa “cầm giữ tôi bốn bên”, trong lúc ông không phải là biển cả hay thủy quái dị hình. Ông cũng không hiểu vì sao Chúa tra tay nặng quá trên ông. Ông chỉ mong “giường, nệm”, nghĩa là có được giấc ngủ để nhẹ đi nỗi đau thương đang phải chịu, ông không thể nào ngủ yên. Ông than phiền với Chúa rằng khi ông ngủ, giấc chiêm bao hành hạ ông, dị tượng làm ông sợ hãi (câu 14). Ông thưa với Chúa là ông “chán sự sống”, ông hết muốn sống rồi, “xin Chúa để tôi một mình” (câu 16), ông không thể chịu đựng nổi nữa.

 

Trong sự phàn nàn này, ông Gióp cố gắng dùng kinh nghiệm, sự hiểu biết của ông để tìm biết ý Chúa. Khi ông Gióp đương đầu với thực tế đau thương, những hiểu biết của ông về Chúa không thể lý giải hết những điều xảy ra cho ông. Cùng lúc ấy, trong sự tìm hiểu, lý giải về Chúa đã dẫn ông suy nghĩ về định mệnh, số phận hẩm hiu của ông. Điều này làm hạn chế đức tin của ông nơi sự nhân từ, thương xót của Chúa. Vì chỉ bởi đức tin mới giúp chúng ta nhận được sự trả lời từ Chúa chứ không phải bởi lý trí.

 

Ngày nay, khi học sách Gióp, chúng ta đã biết lời đối đáp của Chúa và Sa-tan, cùng với lý do vì sao ông Gióp bị thử thách như vậy (Gióp 1-2), nhưng ông Gióp thì không hề biết. Chúng ta đã biết Chúa luôn bảo vệ ông Gióp (Gióp 1:10), sẽ giải cứu và ban phước cho ông về sau, nhưng trong hoàn cảnh bấy giờ, ông Gióp hoàn toàn không biết điều đó. Trong cuộc đời theo Chúa cũng vậy, chúng ta không thể giải thích hết những hoạn nạn xảy ra trong xã hội, Hội Thánh, gia đình và bản thân chúng ta, nhưng chúng ta phải tin vào sự tể trị, thương xót của Chúa. Chúng ta phải: “Hãy hết lòng tin cậy Đức Giê-hô-va”, không dựa vào lý trí, kiến thức để giải quyết nan đề, nhưng cầu nguyện xin ý Chúa được nên trong mọi sự.

 

Bạn có đặt trọn niềm tin nơi Chúa trong mọi hoàn cảnh không?

 

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con tin Chúa là Đấng yêu thương và hằng chăm sóc con. Xin cho con luôn giữ lòng tin trọn vẹn nơi Chúa và hết lòng cầu nguyện tìm biết ý Chúa trong mọi nan đề của đời sống con.

 

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Giô-na 1-2.

Bài trướcNgày 3/6/2017: Hướng Về Điều Vĩnh Cửu
Bài tiếp theoThư Phân Ưu Cùng Tang Quyến Của Cụ MsTs Trương Văn Châu