Ngày 4/6/2016: Tinh Thần Chia Sẻ của Người Phục Vụ

693

Rô-ma 1:9-11

“Thật vậy, tôi rất mong mỏi đến thăm anh em, đặng thông đồng sự ban cho thiêng liêng cùng anh em, hầu cho anh em được vững vàng” (câu 11).

 

 

Câu hỏi suy ngẫm: Sứ đồ Phao-lô cho biết vì sao ông muốn đến thăm Hội Thánh La Mã? Lý do này cho chúng ta biết phẩm chất nào của Sứ đồ Phao-lô? Phẩm chất này đang được thể hiện trong đời sống bạn ra sao?

 

Sứ đồ Phao-lô cho biết ông muốn thăm Hội Thánh La Mã để “thông đồng [chia sẻ, truyền đạt, phổ biến] sự ban cho thiêng liêng cùng anh em.” Ông không đến La Mã để tìm kiếm một địa vị, hay sự tôn trọng, nhưng để có thể chia sẻ cho anh em cùng đức tin những gì Chúa ban cho ông. Là một người phục vụ Chúa phải có tinh thần sẵn sàng ban cho, chia sẻ những điều Chúa ban cho mình.

 

Sứ đồ Phao-lô muốn chia sẻ cho Hội Thánh La Mã “sự ban cho thiêng liêng.” Có thể thấy, vì Sứ đồ Phao-lô không thể đến La Mã được nên ông mới viết lá thư này để gửi cho Hội Thánh La Mã. Nói cách khác, những gì ông muốn chia sẻ trực tiếp với Hội Thánh La Mã nhưng không được nên ông chia sẻ qua lá thư này. Như vậy có thể thấy “sự ban cho thiêng liêng” mà ông đề cập đến ở đây chính là ơn giảng dạy, chia sẻ Lời Chúa.

 

Sứ đồ Phao-lô muốn chia sẻ “sự ban cho thiêng liêng” với các tín hữu La Mã “hầu cho anh em được vững vàng.” Việc người La Mã đặt đức tin nơi Chúa Giê-xu và tin nhận Chúa bất chấp những nguy hiểm là điều tốt, nhưng đó chỉ là sự khởi đầu, họ cần tiếp tục được dạy dỗ để lớn lên trong đức tin. Đức tin không có điểm dừng, do đó việc gây dựng đức tin là một tiến trình liên tục. Hội Thánh không chỉ tập trung vào công tác truyền giảng cứu người, nhưng cũng cần đặt ưu tiên gây dựng đời sống đức tin vững mạnh nơi người tín hữu.

 

Tại đây chúng ta cũng nhận ra mối liên hệ giữa việc dạy dỗ, học hỏi Lời Chúa và sự trưởng thành thuộc linh của Hội Thánh. Sự giảng dạy và học hỏi Lời Chúa đem đến sự vững vàng thuộc linh. Hội Thánh phải trung tín trong chức vụ giảng dạy Lời Đức Chúa Trời. Mỗi cá nhân phải nhận thức rằng việc thiếu hiểu biết Lời Chúa và sự lười nhác học hỏi sẽ đem đến sự suy thoái thuộc linh (II Phi-e-rơ 3:15-16).

 

Tuy nhiên, nhiều người nghĩ rằng trách nhiệm dạy dỗ Lời Chúa thuộc về những người giống như Sứ đồ Phao-lô, Sứ đồ Phi-e-rơ, hay các mục sư, là những người nhận được “sự ban cho thiêng liêng” từ Chúa hay nói cách khác là những người có ân tứ đặc biệt trong sự giảng dạy. Đúng là không phải ai cũng có thể làm được như Sứ đồ Phao-lô, là người giảng dạy cho các hội chúng đông người và là người được Chúa dùng để viết nên hầu như toàn bộ giáo lý của Cơ Đốc giáo. Nhưng mọi người đều được Chúa kêu gọi, và ủy thác để làm người đi môn đệ hóa người khác cho Chúa qua việc chứng đạo cá nhân, gây dựng, chăm sóc, dạy đạo, chia sẻ Lời Chúa cho những người Chúa đặt quanh mình (Ma-thi-ơ 28:18-20). Và Chúa cũng hứa ở cùng mỗi người chúng ta khi chúng ta thi hành mệnh lệnh của Ngài.

 

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con là một học trò chăm chỉ trong việc học Lời Chúa và là một đầy tớ trung thành trong việc chia sẻ Lời Chúa cho người khác.

 

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Ê-sai 33.

Bài trướcNgày 3/6/2016: Sự Thuận Phục Của Người Phục Vụ
Bài tiếp theoLễ Cảm Tạ Chúa 50 Năm Thành Lập Hội Thánh Tin Lành Bu Đắk, Đắk Nông.