Ngày 28/3/2016: Tiếp Cận Thân Hữu Cách Khôn Ngoan

902

Công Vụ 8:26-40

“Đức Thánh Linh phán cùng Phi-líp rằng: Hãy lại gần và theo kịp xe đó. Phi-líp chạy đến, nghe người Ê-thi-ô-bi đọc sách tiên tri Ê-sai, thì nói rằng: Ông hiểu lời mình đọc đó chăng?” (câu 29,30).

 

 

Câu hỏi suy ngẫm: Nhờ đâu mà ông Phi-líp biết để tìm gặp viên hoạn quan người Ê-thi-ô-bi? Để làm chứng cho vị hoạn quan, ông Phi-líp đã chủ động gặp và đặt câu hỏi như thế nào? Chúng ta học được điều gì về cách tiếp cận và đặt câu hỏi với thân hữu?

 

Để làm chứng nhân hiệu quả hơn cho Chúa, chúng ta cũng cần học hỏi cách tiếp cận với thân hữu và đặt câu hỏi cách khôn ngoan. Qua cách tiếp cận của ông Phi-líp với hoạn quan người Ê-thi-ô-bi chúng ta có thể rút ra một số bài học về nguyên tắc chứng đạo cá nhân.

 

Trước tiên, ông Phi-líp hoàn toàn vâng phục Chúa, đi đến nơi Chúa sai ông đi (câu 26); và làm đúng điều Chúa Thánh Linh dạy bảo (câu 29). Đời sống chứng nhân muốn có hiệu quả cho Chúa thì trước hết phải là người luôn giữ mối tương giao mật thiết với Chúa. Khi gắn bó với Chúa thì chúng ta mới có thể nghe tiếng Chúa rõ ràng cho đời sống mình và vâng phục làm theo không do dự.

 

Tiếp theo, sau khi nghe được sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh, ông Phi-líp đã chủ động chạy đến với hoạn quan người Ê-thi-ô-bi (câu 30). Ông không phân biệt chủng tộc, cũng không sợ sệt hay mặc cảm vì đối tượng là quan lớn. Khi gặp viên hoạn quan, ông Phi-líp tập trung quan sát và nghe hoạn quan đang đọc Kinh Thánh Cựu Ước ở sách tiên tri Ê-sai, nên ông bắt đầu cuộc trò chuyện bằng cách hỏi vị quan này “Ông hiểu điều mình đang đọc đó chăng?” Chúng ta thấy ông Phi-líp chủ động nói trước nhưng câu hỏi của ông dựa trên mối quan tâm của hoạn quan, đồng thời mở cho vị quan này cơ hội đáp lời và mời ông Phi-líp cùng lên xe với mình để tiếp tục câu chuyện của họ. Ông Phi-líp biết cách đặt câu hỏi liên quan đến chủ đề ông sẽ hướng về nội dung của Phúc Âm. Nhiều người trong vòng chúng ta muốn nói về Chúa cho người thân và bạn hữu của mình nhưng chúng ta còn thụ động chưa chạy đến chỗ của họ, vì thế, chúng ta hiếm có cơ hội để đối thoại với họ. Khi chúng ta đến với họ rồi thì cũng thiếu sự quan sát để biết mối quan tâm của họ là gì. Vì vậy, những câu hỏi chúng ta đặt ra không mấy thu hút thân hữu nên cuộc đối thoại tẻ nhạt và kết thúc nhanh chóng.

 

Bạn học được điều gì trong việc tiếp cận và giới thiệu Phúc Âm của ông Phi-líp? Hãy cầu nguyện để bạn có thể làm chứng về Chúa cho một người mà Chúa nhắc nhở bạn trong tuần này, áp dụng theo phương cách tiếp cận của ông Phi-líp.

 

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con luôn gắn bó với Chúa để lắng nghe rõ ràng tiếng Chúa phán với con. Xin cho con vâng phục Chúa và chủ động đến với thân hữu, tiếp cận cách khôn ngoan để làm chứng về Chúa cho những người chung quanh con.

 

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Thi Thiên 45.

Bài trướcThư Phân Ưu Cùng Tang Quyến Của Ông PHẠM VĂN RẮT
Bài tiếp theoChương Trình Truyền Giảng Phục Sinh Tại HTTL Tân An – Tỉnh Long An