Ngày 27/5/2017: Phép Báp-têm hay Truyền Giảng Phúc Âm?

819

I Cô-rinh-tô 1:10-17

10 Hỡi anh em, tôi nhân danh Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, khuyên anh em thảy đều phải đồng một tiếng nói với nhau, chớ phân rẽ nhau ra, nhưng phải hiệp một ý một lòng cùng nhau. 11 Vì, hỡi anh em, bởi người nhà Cơ-lô-ê, tôi có được tin rằng trong anh em có sự tranh cạnh. 12 Tôi có ý nói rằng trong anh em mỗi người nói như vầy: Ta là môn đồ của Phao-lô; – ta là của A-bô-lô; – ta là của Sê-pha, – ta là của Đấng Christ. 13 Đấng Christ bị phân rẽ ra sao? Có phải Phao-lô đã chịu đóng đinh trên cây thập tự thế cho anh em, hay là anh em đã nhân danh Phao-lô mà chịu phép báp-têm sao? 14 Tôi tạ ơn Đức Chúa Trời, vì ngoài Cơ-rít-bu và Gai-út, tôi chưa từng làm phép báp-têm cho ai trong anh em, 15 hầu cho chẳng ai nói rằng anh em đã nhân danh tôi mà chịu phép báp-têm. 16 Tôi cũng đã làm phép báp-têm cho người nhà Sê-pha-na; ngoài nhà đó, tôi chẳng biết mình đã làm phép báp-têm cho ai nữa.
17 Thật vậy, Đấng Christ đã sai tôi, chẳng phải để làm phép báp-têm đâu, nhưng để rao giảng Tin lành, và chẳng dùng sự khôn khéo mà giảng, kẻo thập tự giá của Đấng Christ ra vô ích.

 

Câu gốc: “Thật vậy, Đấng Christ đã sai tôi, chẳng phải để làm phép Báp-têm đâu, nhưng để rao giảng Tin Lành” (câu 17a).

 

Câu hỏi suy ngẫm: Vì sao đang nói đến vấn đề chia rẽ trong Hội Thánh Cô-rinh-tô, Sứ đồ Phao-lô lại nhắc đến thập tự giá và phép Báp-têm (câu 13)? Điều này có liên hệ gì với chủ đề mà ông đang đề cập? Sứ đồ Phao-lô muốn nói với các tín hữu Cô-rinh-tô điều gì qua câu 17?

 

Sứ đồ Phao-lô muốn khẳng định với các tín hữu tại Cô-rinh-tô hai điều quan trọng trong câu 13b rằng: không phải chính ông hay bất kỳ một vị lãnh đạo thuộc linh nào đã chịu chết trên thập tự giá vì tội lỗi của họ và đem đến cho họ sự cứu rỗi. Chỉ duy Đấng Christ mới đem đến cho họ sự tha thứ tội thông qua sự chết của Ngài trên thập tự giá. Điều tiếp theo Sứ đồ Phao-lô nhắc đến là thánh lễ Báp-têm. Ông muốn họ nhớ rằng tất cả mọi người khi chịu phép Báp-têm là thực hiện thánh lễ nhân Danh Ba ngôi Đức Chúa Trời để tuyên xưng niềm tin của mình nơi Đấng Christ và công khai xưng nhận mình là môn đồ của Ngài. Thế nhưng, bây giờ thay vì một lòng trung thành với Đấng Christ, thì họ lại tự hào lấy danh của loài người để làm người đứng đầu cho phe của mình.

 

Sứ đồ Phao-lô đã nói trong câu 17 rằng: “Đấng Christ đã sai tôi, chẳng phải để làm phép Báp-têm đâu, nhưng để rao giảng Tin Lành.” Ông không có ý so sánh hơn thua giữa hai công việc hoặc cho rằng phép Báp-têm là không cần thiết, nhưng ông muốn nói với những tín hữu đang muốn lấy danh ông để chia bè phái chống đối nhau rằng, ông chỉ được Chúa dùng làm phép Báp-têm cho một số ít người thôi, còn nhiệm vụ chính Chúa giao cho ông là truyền giảng Phúc Âm cho họ. Những ai xưng mình là môn đồ của ông cần biết rằng việc ai làm phép Báp-têm cho họ không quan trọng, vì tất cả chỉ là công cụ của Đức Chúa Trời, và chính phép Báp-têm ấy không đem đến cho họ sự cứu rỗi. Dù là người thực hiện nghi thức Báp-têm hoặc là người truyền giảng Phúc Âm cho họ thì tất cả cũng chỉ là đầy tớ Chúa chọn lựa và sai phái, chứ chẳng phải để tạo ảnh hưởng với những đối tượng mình đã làm Báp-têm hay dắt về Chúa. Sứ đồ Phao-lô viết những lời này nhằm nhắn nhủ những ai đang liên kết để tạo bè phái trong Hội Thánh của Chúa, xưa cũng như nay, cần phải thận trọng xem xét lại công việc của chính mình. Khi được Chúa dùng vào công việc nào thì hãy hết lòng mà làm như làm cho Chúa chứ chẳng phải làm cho người ta (Cô-lô-se 3:23). Làm cho Chúa thì gây dựng lẫn nhau, nhưng làm cho người ta thì dễ gây chia rẽ.

 

Bạn đang được Chúa dùng vào công việc nào? Bạn có vì ai hay có ai đang vì bạn mà tạo nên những nhóm riêng trong Hội Thánh Chúa không?

 

Cầu nguyện: Kính lạy Đức Chúa Trời! Tạ ơn Chúa vì Ngài đã chịu chết trên thập tự giá để ban cho con sự cứu rỗi trong Danh Ngài. Xin giúp con không va vấp trong việc tự tạo ảnh hưởng cho chính mình hay chịu ảnh hưởng từ ai khác để khỏi sai lạc trong cách sống và phục vụ Ngài.

 

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Khải Huyền 18.

Bài trướcNgày 26/5/2017: Đấng Christ Có Bị Phân Rẽ?
Bài tiếp theoThơ: Kỷ Niệm Mừng Chúa Thăng Thiên