Ngày 26/5/2017: Đấng Christ Có Bị Phân Rẽ?

865

I Cô-rinh-tô 1:10-13

10 Hỡi anh em, tôi nhân danh Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, khuyên anh em thảy đều phải đồng một tiếng nói với nhau, chớ phân rẽ nhau ra, nhưng phải hiệp một ý một lòng cùng nhau. 11 Vì, hỡi anh em, bởi người nhà Cơ-lô-ê, tôi có được tin rằng trong anh em có sự tranh cạnh. 12 Tôi có ý nói rằng trong anh em mỗi người nói như vầy: Ta là môn đồ của Phao-lô; – ta là của A-bô-lô; – ta là của Sê-pha, – ta là của Đấng Christ. 13 Đấng Christ bị phân rẽ ra sao? Có phải Phao-lô đã chịu đóng đinh trên cây thập tự thế cho anh em, hay là anh em đã nhân danh Phao-lô mà chịu phép báp-têm sao?

 

Câu gốc: “Vả, như thân là một, mà có nhiều chi thể, và như các chi thể của thân dầu có nhiều, cũng chỉ hiệp thành một thân mà thôi, Đấng Christ khác nào như vậy” (I Cô-rinh-tô 12:12).

 

Câu hỏi suy ngẫm: Sứ đồ Phao-lô hỏi các tín hữu Cô-rinh-tô trong câu 13a với mục đích gì? Ông nhắc nhở cho họ biết điều gì trong câu 13b? Chúng ta áp dụng bài học này trong sự phục vụ Chúa như thế nào?

 

Sau khi chỉ cho các tín hữu tại Cô-rinh-tô thấy tình trạng chia rẽ, bè phái trong họ, thì Sứ đồ Phao-lô nêu một câu hỏi: “Đấng Christ bị phân rẽ ra sao?” (câu 13a). Đây là dạng câu hỏi không cần câu trả lời, vì hiển nhiên là Đấng Christ không hề và không thể bị phân rẽ được. Ngài đang ngự trong lòng những ai tôn Ngài làm Chúa của đời sống. Vậy thì tại sao giữa vòng họ lại có sự phân rẽ nhau chỉ vì theo phe lãnh đạo này hay lãnh đạo khác. Khi đứng về phe người này thì họ muốn loại trừ phe người khác, và như vậy Đấng Christ bị họ phân rẽ ra sao? Nhưng vì Đấng Christ không thể bị phân rẽ nên họ đã sống sai, và điều họ cần phải làm là xem xét lại thái độ và hành động của chính mình. Sứ đồ Phao-lô muốn nhắc cho họ nhớ lại rằng không phải chính ông hay bất cứ ai khác đã chịu chết trên thập tự giá vì tội lỗi của họ (câu 13b). Đấng duy nhất họ cần nhìn xem và tuyên xưng niềm tin, duy nhất chỉ là Đấng Christ mà thôi. Vì chỉ có Ngài đã chịu đóng đinh trên thập tự giá thay cho họ và là Đấng mong muốn giữa vòng họ phải có sự hiệp nhất. Câu hỏi được đặt ra để mỗi người nhìn lại và nhận biết mình đã hành động sai khi đem tinh thần chia rẽ, bè phái vào trong thân thể của Đấng Christ.

 

Khi cùng nhau phục vụ Chúa trong Hội Thánh, nếu quá cực đoan trong tư tưởng và hành động thì sẽ dẫn đến sự chia rẽ sâu sắc giữa cộng đồng dân Chúa. Có những trường hợp vì quá thần tượng một lãnh đạo thuộc linh nào đó, hoặc tôn sùng một con người nào đó vì hợp tính ý nhau nên khước từ hoặc chống đối tất cả những người nào không giống mình. Những nhóm người này cho rằng không ai có thể tốt hơn đối tượng mình đang ủng hộ nên những ai không ủng hộ giống mình đều là sai. Tất cả những trường hợp trên đều là những tiêu cực cần phải loại bỏ trong gia đình của Đức Chúa Trời – nơi mà Đấng Christ đã chịu chết trên thập tự giá để gọi mọi người đến thông công với chính Ngài (I Cô-rinh-tô 1:9), và Ngài đã phá đổ tất cả các bức tường ngăn cách, đem đến sự hòa hiệp giữa mọi người với nhau, và giữa mọi người với Đức Chúa Trời (Ê-phê-sô 2:14-16).

 

Bạn có đang tạo nên “đường rách” trong thân thể của Đấng Christ bằng tư tưởng chia rẽ của mình không?

 

Cầu nguyện: Kính lạy Đức Chúa Trời! Xin cho con luôn ý thức gìn giữ sự hiệp một trong Danh Ngài, quyết không làm bất cứ điều gì tổn hại đến thân thể của Đấng Christ và chia rẽ với các chi thể khác trong thân Ngài.

 

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Khải Huyền 17.

 

Bài trướcHuấn Luyện Cho Giáo Viên Dạy Trường Chúa Nhật Tại TP. HCM
Bài tiếp theoNgày 27/5/2017: Phép Báp-têm hay Truyền Giảng Phúc Âm?