I Cô-rinh-tô 1:10-11
10 Hỡi anh em, tôi nhân danh Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, khuyên anh em thảy đều phải đồng một tiếng nói với nhau, chớ phân rẽ nhau ra, nhưng phải hiệp một ý một lòng cùng nhau. 11 Vì, hỡi anh em, bởi người nhà Cơ-lô-ê, tôi có được tin rằng trong anh em có sự tranh cạnh.
Câu gốc: “Rốt lại, hỡi anh em, hãy mừng rỡ; khá theo đến sự trọn lành; hãy yên ủi mình, hiệp một tâm tình, ở cho hòa thuận, thì Đức Chúa Trời sự yêu thương và sự bình an sẽ ở cùng anh em” (II Cô-rinh-tô 13:11).
Câu hỏi suy ngẫm: Nguyên nhân nào dẫn đến sự phân rẽ trong vòng tín hữu? Việc có “đồng một tiếng nói” có ý nghĩa thế nào trong sự hiệp nhất? Vì sao Sứ đồ Phao-lô đã khuyên không được phân rẽ, lại còn nhắc thêm phải “hiệp một ý một lòng”?
Tiếp theo lời khuyên các tín hữu tại Hội Thánh Cô-rinh-tô phải có “đồng một tiếng nói,” là lời khuyên họ “chớ nên phân rẽ nhau ra.” Thực tế tại Hội Thánh Cô-rinh-tô nói riêng cũng như hội thánh khắp nơi nói chung, khi một người hay một nhóm người thấy những người khác có quan điểm không giống với mình thì thường nghĩ rằng người này không thuộc về tôi, hay không thuộc về nhóm chúng ta. Đó chính là khởi đầu của việc tạo lập phe phái trong một tập thể. Mỗi chi thể trong thân Chúa cần ý thức rằng việc chủ động tách mình ra khỏi thân thể Chúa để lập nên một nhóm có quan điểm giống mình, chính là việc làm tội lỗi, vì đó là khởi đầu của sự chia rẽ sâu sắc trong Hội Thánh. Thế thì, như Sứ đồ Phao-lô đã khuyên, mỗi người phải có sự đồng tâm nhất trí với nhau, cho dù có những lúc mình khác nhau về quan điểm nhưng không vì đó mà tách mình khỏi Hội Thánh, chủ động chia rẽ ra khỏi anh em. Một hình ảnh rất ấn tượng minh họa sâu sắc cho sự “phân rẽ” chính là “đường rách”. Khi chúng ta chủ động tạo nên sự phân rẽ chính là lúc chúng ta tạo nên một ranh giới riêng, tạo một đường rách trong thân thể của Chúa.
Một vấn đề khác, đó là “phải hiệp một ý một lòng cùng nhau.” Ngoài tác dụng nhấn mạnh đến lời khuyên không nên phân rẽ nhau, thì lời khuyên này còn có ý rằng không chỉ nhất trí về ý nhưng cần phải có sự hiệp nhất trong tấm lòng. Rất dễ tồn tại trong tập thể những trường hợp vì không muốn mang tiếng mình là đối tượng gây chia rẽ, nên sống theo cách “bằng mặt mà không bằng lòng”. Nếu như thế, thì sớm hay muộn tập thể ấy cũng sẽ phân rẽ nhau. Chính những sự “không bằng lòng” ấy sẽ dễ dàng lôi kéo những đối tượng có “cùng quan điểm” xích lại gần nhau và ngày càng xa rời tập thể. Phương cách để tránh những “đường rách” trong Hội Thánh chính là phải “hiệp một ý một lòng cùng nhau,” hay nói cách khác là “hiệp một tâm tình với nhau” (II Cô-rinh-tô 13:11). Khi đã ý thức mình đang tách rời khỏi thân thể Chúa, thì đừng chần chờ song hãy nỗ lực kết hiệp lại với anh em, quyết vì Danh Chúa mà “hiệp một ý một lòng cùng nhau”.
Hội Thánh của bạn đang sinh hoạt hiện ở trong tình trạng nào? Bạn đã, đang làm gì để góp phần cho Hội Thánh có sự hiệp nhất? Bạn có tham dự chút nào trong việc gây nên đường rách trong thân thể Chúa không?
Cầu nguyện: Kính lạy Đức Chúa Trời! Xin giúp con nhận biết rằng con đang làm Ngài buồn lòng khi có tư tưởng phân rẽ với anh em. Xin giúp con nhờ ơn Chúa sống hòa hợp với anh em trong Hội Thánh.
Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Đa-ni-ên 3.