Gióp 4:1-6
1 Bấy giờ, Ê-li-pha, người Thê-man đáp lời mà rằng:
2 Nếu người ta thử nói với ông, ông sẽ mất lòng chăng?
Nhưng ai cầm giữ mình không nói sao được?
3 Kìa, ông đã dạy dỗ nhiều người,
Và làm cho tay yếu đuối ra mạnh mẽ;
4 Các lời nói ông đã đỡ kẻ xiêu tó lên,
Và đầu gối lung lay, ông đã làm cho vững bền.
5 Nhưng bây giờ tai nạn xảy đến ông, ông lại giận;
Nó lâm vào ông, thì ông bị rối lòng.
6 Ông kính sợ Đức Chúa Trời, ấy há chẳng phải nơi nương nhờ của ông?
Tánh hạnh hoàn toàn của ông, há chẳng phải sự trông cậy của ông sao?
Câu gốc: “Vậy thì, ai tưởng mình đứng, hãy giữ kẻo ngã” (I Cô-rinh-tô 10:12).
Câu hỏi suy ngẫm: Ông Gióp được Đức Chúa Trời xác nhận là người thế nào? Ông Ê-li-pha cũng xác nhận ông Gióp ra sao? Tại sao ông có những lời hết sức bi quan? Bài học nhắc nhở chúng ta điều gì trong cuộc sống?
Hôm nay, chúng ta học qua những phản ứng đầu tiên của ông Gióp sau khi gặp phải hai tai ương mà ông không thể ngờ. Có thể nói không ai trong chúng ta vững vàng hơn ông Gióp. Ông là người được Đức Chúa Trời xác nhận rằng “nơi thế gian chẳng có người nào giống như nó; vốn trọn vẹn và ngay thẳng, kính sợ Chúa, và lánh khỏi điều ác” (1:8). Ông Ê-li-pha, người bạn tốt của ông, cũng xác nhận rằng “ông kính sợ Đức Chúa Trời” và có “tánh hạnh hoàn toàn” (4:6). Hơn thế nữa ông là người gây dựng những người khác. Ông “dạy dỗ nhiều người”. “đỡ kẻ xiêu tó”, “làm cho vững bền” người yếu đuối (câu 3-4). Ông Gióp vững vàng như vậy, thì có ai trong chúng ta có thể nói mình vững vàng hơn ông Gióp chăng? Thế nhưng ông đã mất tinh thần và hoang mang!
Trước những thử thách quá lớn đến với ông Gióp: của cải mất sạch, con trai, con gái cùng chết trong một ngày, thân thể bị bệnh ung nhọt từ đầu đến chân đến nỗi phải dùng mảnh sành mà gãi, do đó ông Gióp đã có những phản ứng và lời nói hết sức bi quan. “Ông giận”, “ông bị rối lòng” (câu 5), ông rủa sả ngày sinh của mình, rồi khao khát được chết. Lòng “nương nhờ” nơi Chúa giảm dần, “sự trông cậy nơi Chúa” lạnh đi, vì ông không hiểu được tại sao hoạn nạn lại đến với ông nặng nề như vậy. Ông Gióp, một người rất vững vàng, trọn vẹn nhưng cũng có lúc đã lung lay trước những bão tố quá lớn của cuộc đời; ông Gióp đã sống tốt, nói và dạy người khác rất tốt trong thuận cảnh, nhưng cuối cùng ông đã ngã lòng sau thử thách thứ hai. Chúng ta lưu ý, ông mất tinh thần và hoang mang trước hoạn nạn quá lớn, nhưng đức tin của ông nơi Chúa vẫn trọn vẹn (1:21; 2:10).
Bài học nhắc nhở chúng ta rằng, chúng ta cũng có thể lung lay như ông Gióp trước những thử thách của cuộc sống. Điều quan trọng là dù chúng ta có thể ngã, nhưng phải giữ vững đức tin nơi sự cứu giúp của Chúa để có thể đứng dậy và không ảnh hưởng xấu đến cộng đồng cũng như những người chưa tin Chúa quanh ta. Sứ đồ Phao-lô nhắc con dân Chúa ở thành Cô-rinh-tô ngày xưa, cũng như con dân Chúa ngày nay “ai tưởng mình đứng, hãy giữ kẻo ngã… Đức Chúa Trời là thành tín… Nhưng trong sự thử thách, Ngài sẽ mở đường cho ra khỏi, để anh em có thể chịu được” (I Cô-rinh-tô 10:12-13 BTTHĐ). Như vậy, con dân Chúa phải trông cậy nơi Chúa là Đấng sẽ mở đường giúp chúng ta vững vàng và ra khỏi mọi thử thách của cuộc đời để có thể đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã.
Bạn có nhờ cậy Chúa để giữ cho mình vững vàng chưa?
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con tạ ơn Ngài vì Chúa là Đấng thành tín với con. Xin cho con luôn biết trông cậy Chúa. Xin giúp con vững vàng trong mọi sự thử thách.
Đọc Kinh Thánh trong ba năm: I Cô-rinh-tô 14.