Ngày 2/6/2017: Làm Mới Tâm Linh

997

Thi Thiên 51:1-10

1 Đức Chúa Trời ôi! Xin hãy thương xót tôi tùy lòng nhân từ của Chúa;
Xin hãy xóa các sự vi phạm tôi theo sự từ bi rất lớn của Chúa.
2 Xin hãy rửa tôi cho sạch hết mọi gian ác,
Và làm tôi được thanh khiết về tội lỗi tôi.
3 Vì tôi nhận biết các sự vi phạm tôi,
Tội lỗi tôi hằng ở trước mặt tôi.
4 Tôi đã phạm tội cùng Chúa, chỉ cùng một mình Chúa thôi,
Và làm điều ác trước mặt Chúa;
Hầu cho Chúa được xưng công bình khi Chúa phán,
Và được thanh sạch khi Chúa xét đoán.
5 Kìa, tôi sanh ra trong sự gian ác,
Mẹ tôi đã hoài thai tôi trong tội lỗi.
6 Nầy, Chúa muốn sự chân thật nơi bề trong;
Chúa sẽ làm cho tôi được biết sự khôn ngoan trong nơi bí mật của lòng tôi.
7 Xin hãy lấy chùm kinh giới tẩy sạch tội lỗi tôi, thì tôi sẽ được tinh sạch;
Cầu Chúa hãy rửa tôi, thì tôi sẽ nên trắng hơn tuyết.
8 Hãy cho tôi nghe sự vui vẻ mừng rỡ,
Để các xương cốt mà Chúa đã bẻ gãy được khoái lạc.
9 Xin Chúa ngảnh mặt khỏi các tội lỗi tôi,
Và xóa hết thảy sự gian ác tôi,
10 Đức Chúa Trời ôi! Hãy dựng nên trong tôi một lòng trong sạch,
Và làm cho mới lại trong tôi một thần linh ngay thẳng.
 

 

Câu gốc: “Đức Chúa Trời ôi! xin hãy dựng nên trong tôi một lòng trong sạch, và làm cho mới lại trong tôi một thần linh ngay thẳng” (câu 10).

 

Câu hỏi suy ngẫm: Vua Đa-vít đang ở trong tình trạng thế nào? Ông cầu xin Chúa điều gì? Tại sao cần phải làm mới lại tâm linh? Đời sống tâm linh của bạn hiện đang thế nào? Bạn cần làm gì để tâm linh được Chúa làm mới thường xuyên?

 

Vua Đa-vít là một người kính sợ và tin cậy Chúa từ khi còn rất nhỏ và ông được Chúa đại dụng trong nhiều công việc từ thuở niên thiếu cho đến khi làm vua dân Y-sơ-ra-ên. Tuy nhiên, Vua Đa-vít cũng có những lúc làm theo ý riêng và phạm tội cùng Đức Chúa Trời nên ông cũng đã bị Chúa xử phạt. Thi Thiên 51 được gọi là “Thi Thiên sám hối”. Vua Đa-vít đã viết Thi Thiên này lúc Tiên tri Na-than đến cùng vua và vạch trần tội lỗi của vua, khoảng một năm sau khi Vua Đa-vít đã phạm tội ngoại tình và giết người (II Sa-mu-ên 11-12). Ông đã hết lòng ăn năn tội lỗi của mình và kêu cầu sự thương xót, tha thứ của Chúa (câu 1).

 

Khi Vua Đa-vít ý thức được tội lỗi của mình và nhận biết rằng ông đã phạm đến Đức Chúa Trời (câu 3-4), ông đã hết lòng hạ mình ăn năn, xưng tội mình ra trước mặt Chúa để được Ngài tha thứ. Lời hứa của Chúa trong I Giăng 1:9 là “Còn nếu chúng ta xưng tội mình, thì Ngài là thành tín công bình để tha tội cho chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác.” Vua Đa-vít đã thật lòng ăn năn, sám hối và kêu xin Chúa thanh tẩy ông, xóa hết sự gian ác và quên đi tội lỗi của ông (câu 7-9). Rồi ông cũng xin Chúa làm mới lại tâm linh ông bằng cách “dựng nên trong ông một lòng trong sạch, và làm cho mới lại trong ông một thần linh ngay thẳng” (câu 10). Chính tội lỗi làm cho tâm linh yếu đuối và tấm lòng hoen ố. Vì thế, Vua Đa-vít xin Chúa “dựng” hay tái tạo tấm lòng ông cho trong sạch, không ô uế trước mặt Chúa, và “làm mới” hay khôi phục lại tâm linh ngay thẳng trong ông. Ông cũng xin Chúa Thánh Linh đừng ra khỏi ông (câu 11). Sau khi chịu sự sửa phạt, Đức Chúa Trời đã thanh tẩy tấm lòng Vua Đa-vít, làm cho thần linh ông chính trực và tạo nên những điều mới mẻ trong ông. Ông đã hưởng được sự tha thứ diệu kỳ từ Chúa.

 

Chúng ta học theo gương Vua Đa-vít để hết lòng ăn năn, xưng tội mình ra và cầu xin Chúa tẩy sạch chúng ta từ bên trong (câu 7). Chúng ta thường xuyên phạm tội cùng Chúa nên tâm linh cần được làm mới thường xuyên. Xin Chúa thanh tẩy tấm lòng, tư tưởng hoen ố của chúng ta. Hãy cầu xin Chúa tạo nên trong chúng ta một tấm lòng và một tâm linh thánh khiết để có nếp sống trong sạch đẹp lòng Chúa.

 

Bạn thường làm gì mỗi khi nhận biết, hoặc được người khác cho biết mình phạm tội cùng Chúa?

 

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin tạo nên trong con một tâm linh thật trắng trong và xin Thánh Linh không xa khỏi con. Xin Chúa nhân từ làm mới lại đời sống tâm linh con.

 

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Thi Thiên 100-101.

Bài trướcV/v Chương Trình Hỗ Trợ Chăm Sóc Răng Cho Đầy Tớ Chúa
Bài tiếp theoNgày 3/6/2017: Hướng Về Điều Vĩnh Cửu