Ngày 25/8/2015: Trước Sự Chống Đối

964

Công Vụ 4:1-12

“Chẳng có sự cứu rỗi trong đấng nào khác, vì ở dưới trời chẳng có danh nào khác ban cho loài người, để chúng ta nhờ đó mà được cứu” (câu 12).

 

 

Câu hỏi suy ngẫm: Điều gì xảy ra khi hai Sứ đồ Phi-e-rơ và Giăng làm chứng về Chúa Giê-xu cho đám đông? Trước sự chống đối của giới chức lãnh đạo tôn giáo, hai sứ đồ đã có thái độ và hành xử ra sao? Sự kiện này xảy ra có ý nghĩa gì đối với hai sứ đồ của Chúa Giê-xu? Đối với bạn hôm nay?

 

Trong khi phần lớn trong đám đông đáp ứng tốt với lời chứng của hai sứ đồ (câu 4) thì những giới chức tôn giáo gồm các thầy tế lễ, viên cai quản Đền Thờ, và những người Sa-đu-sê đứng ra chống nghịch lại sứ điệp và hai sứ đồ. Họ đã nổi giận khi Sứ đồ Phi-e-rơ và Giăng đã làm chứng về sự phục sinh của Chúa Giê-xu, điều này nghịch lại niềm tin của họ, vì người Sa-đu-sê vốn không tin về sự sống lại.Xem chú thích ở Mat 3:7

 

 Họ đã dùng thẩm quyền tôn giáo bắt nhốt hai sứ đồ vào tù để ngày hôm sau đưa ra tòa án tôn giáo xét xử. Hai vị sứ đồ nhận ra ngay rằng lời tiên tri của Chúa Giê-xu đã thành hiện thực “Hãy nhớ lời Ta đã nói với các con: ‘Đầy tớ không hơn chủ’. Nếu họ bắt bớ Ta, thì cũng sẽ bắt bớ các con” (Giăng 15:20 BTTHĐ).

 

Trước tòa, khi đối diện với lời tra hỏi “bởi quyền phép nào hay là nhân danh ai mà các ngươi làm điều này?” (câu 7), Sứ đồ Phi-e-rơ đã đầy dẫy Chúa Thánh Linh, khéo léo trách họ làm khó cho người làm việc tốt, rồi ông khẳng định mạnh mẽ rằng ông đã nhân danh Chúa Giê-xu ở Na-xa-rét mà chữa lành cho người bại. Đồng thời, ông cũng nắm lấy cơ hội này làm chứng cho những lãnh đạo Do Thái. Nội dung lời chứng của ông không hề suy giảm trước uy quyền hay vì sự khác biệt niềm tin của họ. Sứ đồ Phi-e-rơ chỉ ra chính họ là những người đã đóng đinh Chúa Giê-xu trên thập tự giá nhưng Ngài đã thật sự sống lại, đem hy vọng sống cho người tin Ngài.

 

Ông khẳng khái công bố: “chẳng có sự cứu rỗi trong đấng nào khác; vì ở dưới trời, chẳng có danh nào khác ban cho loài người, để chúng ta phải nhờ đó mà được cứu” (câu 12). Những người chứng kiến đã nhìn thấy một Phi-e-rơ điềm tĩnh, trả lời những câu hỏi một cách khẳng khái và khôn ngoan khác hẳn với Phi-e-rơ trong đêm Chúa Giê-xu bị nộp, run sợ trước người đầy tớ gái. Cơ Đốc nhân cần trang bị Lời Chúa để chuẩn bị tinh thần đối diện với sự chống đối, bức hại, khi ấy chúng ta sẽ nhờ cậy vào sự khôn ngoan và năng quyền của Đức Thánh Linh để làm chứng về chân lý trong bất cứ hoàn cảnh nào. Chân lý về Chúa Giê-xu Phục Sinh là nền tảng của niềm tin Cơ Đốc và vì thế không được thỏa hiệp dưới một thế lực hay uy quyền nào.

 

Bạn học được gì cho mình trong phân đoạn Kinh Thánh hôm nay?

 

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con có sự khôn ngoan và dạn dĩ để rao truyền về Chúa Cứu Thế Phục Sinh và hồng ân cứu rỗi của Ngài cho những người chưa tin Chúa ở xung quanh con. Xin Chúa bảo vệ con và sứ điệp của Ngài mỗi khi con làm chứng cho họ.

 

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Phục Truyền 28.

Bài trướcHội Đồng Bồi Linh Thành Phố Đà Nẵng 2015
Bài tiếp theoV/v: Chương Trình Huấn Luyện Giáo Viên Dạy Kinh Thánh Cho Thiếu Nhi