Ngày 25/3/2016: Trước Tòa Tổng Đốc Phi-lát

968

Ma-thi-ơ 27:11-31

“Phi-lát thấy mình không thắng nổi chi hết, mà sự ồn ào càng thêm, thì lấy nước rửa tay trước mặt thiên hạ, mà nói rằng: Ta không có tội về huyết của người này; điều đó mặc kệ các ngươi” (câu 24).

 

Câu hỏi suy ngẫm: Tại sao Tòa Công Luận giải Chúa đến tòa Phi-lát? Trong quá trình xét xử, chúng ta thấy ông Phi-lát nhận định thế nào về những lời tố cáo Chúa Giê-xu? Ông đã tìm cách bảo vệ Chúa ra sao? Tại sao cuối cùng ông phải giao Chúa cho Tòa Công Luận đóng đinh Ngài? Làm thế nào tránh nếp sống nhu nhược để sống mạnh mẽ cho Chúa?

 

Do Tòa Công Luận không được quyền tuyên án tử hình nên sáng hôm sau họ đã giải Chúa qua quan Tổng đốc Phi-lát. Tại phiên tòa này, chúng ta thấy ông Phi-lát biết rõ Tòa Công Luận kiện Chúa chỉ vì lòng ganh ghét mà thôi (câu 18). Lúc họ tố cáo Chúa nhiều điều, ông Phi-lát nhắc Chúa phát biểu để biện hộ cho mình nhưng Chúa vẫn yên lặng đến độ ông vô cùng ngạc nhiên. Lúc áp dụng luật tha một người trong ngày Lễ Vượt Qua, chúng ta thấy ông Phi-lát phân vân muốn họ tha cho Chúa. Ngay cả vợ ông cũng cho người đến nhắc ông đừng đụng đến người công chính đó. Lúc ông hỏi rằng “Vậy, còn Giê-xu gọi là Christ, thì ta sẽ xử thế nào?” những người tố cáo trả lời “Đóng đinh nó trên cây thập tự!” thì ông Phi-lát còn lên tiếng: “Song người này đã làm việc dữ gì?”

 

Chúng ta thấy từ đầu đến cuối buổi xét xử, ông Phi-lát biết rõ Chúa vô tội, thế nhưng khi thấy ý kiến ông không thắng nổi những người tố cáo, lại lo sợ đám đông náo loạn ảnh hưởng tới chức vụ của mình nên ông đã nhu nhược “lấy nước rửa tay trước mặt thiên hạ, mà nói rằng: Ta không có tội về huyết của người này; điều đó mặc kệ các ngươi.” Rồi “Phi-lát bèn tha tên Ba-ra-ba cho chúng; và khiến đánh đòn Đức Chúa Giê-xu, đoạn giao Ngài ra để đóng đinh trên cây thập tự.”

 

Là con dân Chúa, nhưng nếu chúng ta run sợ trước áp lực của số đông, biết điều đúng mà không dám làm, biết điều sai nhưng lại cứ nhắm mắt thực hiện, cố bảo vệ chức vụ, quyền lợi của mình mà để mặc người khác làm điều sai trật rồi phủi tay rũ bỏ trách nhiệm là biểu hiện của người nhu nhược, không dám sống cho Chúa. Người không dám sống cho Chúa thì chắc chắn cũng không dám chết cho Chúa. Sứ đồ Phao-lô dạy: “vì nếu chúng ta sống, là sống cho Chúa, và nếu chúng ta chết, là chết cho Chúa. Vậy nên chúng ta hoặc sống hoặc chết, đều thuộc về Chúa cả” (Rô-ma 14:8). Bạn có sẵn sàng hy sinh quyền lợi cá nhân để dám sống cho Chúa và chết cho Chúa không?

 

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con nhờ sức Chúa để sống nhu mì chứ không nhu nhược trong cuộc sống theo Ngài. Xin Chúa thêm sức cho con sẵn sàng sống và chết cho Ngài.

 

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: I Các Vua 22.

 

Bài trướcThư Phân Ưu Cùng Tang Quyến Của Bà NGUYỄN THẾ HIỂN
Bài tiếp theoNgày 26/3/2016: Chúa Bị Đóng Đinh