Ngày 25/10/2015: Sự Thờ Phượng Chúa

796

Thi Thiên 122:1-8

“Các chi phái của Đức Giê-hô-va lên nơi ấy, Tùy theo thường lệ truyền cho Y-sơ-ra-ên” (câu 4 BTT).

“Các bộ tộc của Đức Giê-hô-va lên nơi ấy theo mệnh lệnh được ban cho dân Y-sơ-ra-ên, để cảm tạ danh của Đức Giê-hô-va” (câu 4BTTHĐ).

 


Câu hỏi suy ngẫm: Tác giả mô tả tinh thần của người đi thờ phượng ra sao? Trọng tâm của sự thờ phượng là gì? Qua toàn bộ Thi Thiên 122, bạn được nhắc nhở điều gì về sự cầu thay cho nhau? Bạn đã đáp ứng sự nhắc nhở đó như thế nào?

 

Thi Thiên 122 bày tỏ niềm vui của người lữ hành đã đến thành của Chúa sau khi trải qua đoạn đường dài đầy gian khổ.Tác giả bày tỏ sự vui mừng khi họ đã đến cửa thành và kêu gọi nhau đi đến Nhà Đức Giê-hô-va (câu 1, 2) Người lữ khách không đến thờ phượng Chúa một mình, nhưng đi cùng đoàn với anh chị em. Con cái Chúa phải có tinh thần quan tâm nhau và hiệp nhất trong sự thờ phượng Chúa, phải khích lệ nhau cùng đến nhà thờ, điểm nhóm trong ngày của Chúa để cùng nhau thờ phượng Đức Chúa Trời. Hãy cùng nhau thờ phượng Chúa trong sự vui mừng.

 

Trọng tâm của sự thờ phượng của chúng ta phải là Chúa. Cơ Đốc nhân không đến nhà thờ để chỉ xem lễ hay dự lễ rồi về, nhưng phải đặt trọng tâm của việc đi nhà thờ là “Thờ phượng Chúa, tôn ngợi Ngài.” Hình thức không đủ, nhưng phải biết rõ mục đích của việc đi đến nhà thờ. Sự thờ phượng trong Đền Thờ Chúa không phải chỉ mình với Chúa, nhưng còn là mình với nhau nữa. Tác giả viết: “Các chi phái của Đức Giê-hô-va lên nơi ấy, tùy theo thường lệ truyền cho Y-sơ-ra-ên,” bày tỏ sự hiệp nhất của nhiều người, nhiều tập thể, nhiều chi phái khác nhau, chịu ảnh hưởng của cùng một bộ luật thánh, và có cùng một mục đích là thờ phượng Chúa. Ngày nay, chúng ta phải hiệp một trong sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh mỗi khi thờ phượng Chúa. Hãy cùng nhau ca tụng Chúa và cảm tạ Ngài.

 

Tác giả cũng cho thấy dân chúng thờ phượng Chúa trong sự cầu nguyện. Mọi người kêu gọi cùng nhau cầu nguyện cho sự hòa bình cho Giê-ru-sa-lem. Danh hiệu “Giê-ru-sa-lem” mang ý nghĩa là “nền tảng hòa bình,” nhưng thành này lại là một trung tâm xung đột trải qua nhiều thế kỷ. Giê-ru-sa-lem chỉ có hòa bình khi Chúa Bình An trị vì trên ngôi Đa-vít (Ê-sai 9:6-7; Lu-ca 1:26-33). Vì thế, khi cầu nguyện cho hòa bình của Giê-ru-sa-lem, chúng ta cầu nguyện cho “Nước Cha được đến” (Ma-thi-ơ 6:10). Bên cạnh đó, chúng ta cần phải cầu nguyện cho nhau và cầu nguyện cho Hội Thánh Chúa chung (câu 7). Chúng ta thuộc về nhau, nên cần nhau và phải giúp đỡ lẫn nhau. Cũng hãy cầu nguyện cho nhu cầu của anh chị em và bạn hữu của chúng ta (câu 8). Khi biết rằng “Nước Cha gần đến” chúng ta phải cầu nguyện cho người bị hư mất.

 

Bạn có đến thờ phượng Chúa với lòng vui mừng, ca ngợi chúc tôn Chúa và cầu nguyện cho nhau chưa?

 

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin tha thứ cho sự yếu đuối của con. Xin cho con thờ phượng Chúa với lòng vui mừng, ca ngợi Chúa. Xin cho con biết cầu nguyện cho anh em trong Chúa của con và cũng cầu nguyện cho người đang bị hư mất.

 

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Các Quan Xét 5.

Bài trướcTập Huấn Giáo Viên Trường Chúa Nhật – Tỉnh Long An.
Bài tiếp theoLễ Cảm Tạ Của Hội Thánh Núi Sập – Tỉnh An Giang