Giê-rê-mi 2:4-8
4 Hỡi nhà Gia-cốp, cùng các họ hàng nhà Y-sơ-ra-ên, hãy nghe lời Đức Giê-hô-va! 5 Đức Giê-hô-va phán như vầy: Tổ phụ các ngươi có thấy điều không công bình gì trong ta, mà đã xa ta, bước theo sự hư không, và trở nên người vô ích? 6 Họ không nói: Chớ nào Đức Giê-hô-va ở đâu? Ấy là Đấng đã đem chúng ta lên khỏi đất Ê-díp-tô, đã dắt chúng ta qua đồng vắng, trong đất sa mạc đầy hầm hố, trong đất khô khan và có bóng sự chết, là đất chẳng một người nào đi qua, và không ai ở. 7 Ta đã đem các ngươi vào trong một đất có nhiều hoa quả, để ăn trái và hưởng lợi nó. Nhưng, vừa vào đó, các ngươi đã làm ô uế đất ta, đã làm cho sản nghiệp ta thành ra gớm ghiếc.
8 Các thầy tế lễ không còn nói: Nào Đức Giê-hô-va ở đâu? Những người giảng luật pháp chẳng biết ta nữa. Những kẻ chăn giữ đã bội nghịch cùng ta. Các tiên tri đã nhân danh Ba-anh mà nói tiên tri, đi theo những sự không ích gì cả.
Câu gốc: “Đức Giê-hô-va phán như vầy: Tổ phụ các ngươi có thấy điều không công bình gì trong Ta, mà đã xa Ta, bước theo sự hư không, và trở nên người vô ích?” (câu 5).
Câu hỏi suy ngẫm: Câu hỏi được chép trong câu 5 có ý nghĩa gì? Người Israel đã đáp lại ơn lớn lao Chúa dành cho họ như thế nào? Có khi nào chúng ta giống tình trạng đáng trách như người Israel không?
Trong câu 5, vừa nghe qua dường như đây Lời Đức Chúa Trời tự chất vấn. Nhưng thực chất đây là một lời buộc tội hết sức mạnh mẽ đối với người Israel. Ngài hỏi họ rằng: Phải chăng họ đã tìm thấy thiếu sót nào từ nơi Ngài, mà quyết định từ bỏ. Thực tế không phải vì họ đã “thấy điều không công bình” trong Ngài, nhưng vì tấm lòng bội bạc nơi con dân của Chúa đã dẫn bước họ làm những điều Đức Giê-hô-va buồn lòng. Đáp lại ơn lớn lao mà Ngài dành cho họ “…Đấng đã đem chúng ta lên khỏi đất Ê-díp-tô, đã dắt chúng ta qua đồng vắng, trong đất sa mạc đầy hầm hố, trong đất khô khan và có bóng sự chết, là đất chẳng một người nào đi qua, và không ai ở… đã đem các ngươi vào trong một đất có nhiều hoa quả, để ăn trái và hưởng lợi nó…” (câu 6, 7), họ đã “làm ô uế đất Ta, đã làm cho sản nghiệp Ta thành ra gớm ghiếc” (câu 7b). Thật vinh dự lớn cho dân tộc Israel khi được Chúa gọi là dân thuộc riêng về Ngài, nhưng họ đã không trân quý và gìn giữ điều này. Chính tội thờ hình tượng đã xui khiến lòng họ rời bỏ Đức Chúa Trời. Một điều khác càng khiến Đức Giê-hô-va đau lòng hơn đó là ngay cả những người lãnh đạo đất nước, lãnh đạo tôn giáo cũng từ bỏ Ngài: những thầy lễ lễ đã từ chối trách nhiệm trước mặt Đức Chúa Trời, những thầy dạy luật pháp của Chúa cũng không còn quan tâm đến trọng trách phải răn dạy dân chúng gìn giữ những điều Ngài truyền dạy, những lãnh đạo quay gót nghịch cùng Ngài, những tiên tri toàn tâm phục vụ cho thần tượng. Tất cả đã đồng lòng thờ phượng thần ngoại bang là thần hư không, vô ích. Những cụm từ “chẳng biết Ta nữa,” “bội nghịch cùng Ta” là lời đau xót của Đấng Yêu Thương đã thốt lên cho thấy tình trạng bội nghịch của dân chúng đến mức thật trầm trọng.
Thiết nghĩ thật khó để người Israel có thể quên được những điều tốt lành mà Đức Chúa Trời đã làm cho họ. Nhưng qua việc họ chọn thờ thần tượng cho thấy họ đã hoàn toàn quên đi ơn của Ngài. Có lẽ chúng ta nghĩ rằng người Israel thật đáng trách, nhưng chính mỗi chúng ta cũng đã từng nhận hưởng biết bao ơn lành Chúa ban cho, nếu không cẩn thận chúng ta cũng sẽ thể hiện đời sống vô ơn qua cách suy nghĩ, nói năng, hành động theo tinh thần thế gian. Trong thời gian qua chúng ta đã thể hiện đời sống biết ơn Chúa như thế nào?
Cầu nguyện: Lạy Đức Chúa Trời kính yêu! Xin giúp con luôn ghi nhớ ơn Ngài để quyết tâm sống vui lòng Ngài, tránh xa thần tượng hư không của thế gian.
Đọc Kinh Thánh trong ba năm: II Sử Ký 28.