Ngày 23/7/2017: Ước Mơ Đấng Trung Gian

1073

Gióp 9:25-35

25 Các ngày của tôi mau hơn kẻ trạm;
Nó trốn không thấy điều phước hạnh.
26 Nó xớt qua mau như thuyền nan,
Như chim ưng xông vào mồi.
27 Nếu tôi nói: Tôi sẽ quên sự than phiền tôi,
Bỏ bộ mặt buồn thảm tôi và lấy làm vui mừng,
28 Thì tôi sợ hãi các điều đau đớn tôi,
Biết rằng Ngài không cầm tôi là vô tội.
29 Phải, tôi sẽ bị định tội;
Nên cớ sao tôi làm cho mình mệt nhọc luống công?
30 Nếu tôi tắm trong nước tuyết,
Rửa tay tôi với nước tro,
31 Thì Ngài lại nhận tôi trong hầm,
Đến đỗi quần áo tôi sẽ gớm ghê tôi.
32 Vì Đức Chúa Trời chẳng phải loài người như tôi, mà tôi dám đối với Ngài,
Để chúng ta cùng đi chịu phán xét.
33 Chẳng có người nào phân xử giữa chúng ta,
Đặt tay mình trên hai chúng ta.
34 Ước gì Chúa rút roi Ngài khỏi tôi,
Khiến sự kinh khiếp của Ngài chớ làm rối loạn tôi nữa;
35 Bấy giờ, tôi sẽ nói, chẳng sợ Ngài;
Nhưng tôi chẳng được như vậy.

Câu gốc: “Vì chỉ có một Đức Chúa Trời, và chỉ có một Đấng Trung bảo ở giữa Đức Chúa Trời và loài người, tức là Đức Chúa Giê-xu Christ, là người; Ngài đã phó chính mình Ngài làm giá chuộc mọi người” (I Ti-mô-thê 2:5-6).

Câu hỏi suy ngẫm: Ông Gióp nói về sự giới hạn của con người như thế nào? Vấn đề nan giải của con người khi muốn chứng minh mình vô tội là gì? Ông Gióp ước mơ có một “người phân xử” để làm gì? Con người cần làm gì để được xưng công chính trước mặt Chúa?

Ông Gióp nói với ông Binh-đát và các bạn về một nan đề của con người là không ai có khả năng chứng minh mình vô tội trước mặt Chúa. Đối với ông Gióp, khả năng con người rất giới hạn. Đời người qua nhanh như “kẻ người đưa tin khẩn, như thuyền nan, hay như chim ưng xông vào mồi” (câu 25). Cuộc đời qua nhanh đến nỗi chưa kịp hưởng được phước thì đã hết rồi. Ông nói với các bạn mình rằng dù ông có thái độ tích cực hơn như thôi đi than phiền, bày tỏ sự vui mừng, hay ngay cả khi ông tắm trong tuyết hay rửa tay trong thuốc tẩy đi nữa thì đối với Chúa ông vẫn là một người có tội. Con người dù có thái độ lạc quan tới đâu, có tự mình tìm con đường giải thoát đi nữa, thì vị Quan Tòa tối cao cũng kết án là “người có tội”. Ông nêu lên một vấn đề nan giải của con người là “Đức Chúa Trời chẳng phải là loài người như tôi, mà tôi dám đối với Ngài” (câu 32). Vì vậy, ông mơ ước giá như có một “người phân xử” làm trọng tài biện hộ cho mình. Ông khao khát có được một Đấng trung gian giữa Đức Chúa Trời và con người, Đấng trung gian đó có thể giúp “rút roi khỏi tôi”, lấy đi sự hoạn nạn ông đang chịu đựng. Nhưng “Chẳng có người nào phân xử giữa chúng ta, Đặt tay mình trên hai chúng ta” (câu 33). Bởi vì không một tạo vật nào có đủ năng lực để làm “người phân xử” nên ông Gióp kết luận rằng “Tôi chẳng được như vậy” (câu 35).

Ngày nay, Chúa Cứu Thế Giê-xu là Đấng Trung bảo giữa Đức Chúa Trời và con người. Là Đấng đã hy sinh chính Ngài làm giá chuộc tội cho con người. Sứ đồ Phao-lô viết: “Vì chỉ có một Đức Chúa Trời, và chỉ có một Đấng Trung bảo ở giữa Đức Chúa Trời và loài người, tức là Đức Chúa Giê-xu Christ, là người; Ngài đã phó chính mình Ngài làm giá chuộc mọi người” (I Ti-mô-thê 2:5-6). Nhờ ân sủng của Đức Chúa Trời, bởi đức tin nơi sự hy sinh của Chúa Giê-xu, con người được cứu chứ hoàn toàn không bởi việc làm (Ê-phê-sô 2:8). Con người ngày nay đã có Đấng Trung bảo mà ông Gióp và loài người ước mơ suốt nhiều thế kỷ, để liên kết con người với Đức Chúa Trời, và con người do ân sủng đó mà được xưng là công chính.

Bạn đã tin vào Chúa Giê-xu để được xưng là công bình chưa?

Cầu nguyện: : Lạy Chúa, con cảm ơn Chúa vì Ngài đã chết trên cây thập tự đền tội cho con, cho con trở nên công bình trước Chúa. Xin Chúa cho con luôn tin cậy và phó thác đời con trong sự hướng dẫn của Ngài.

 Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Mác 4.

Bài trướcThư Phân Ưu Cùng Tang Quyến Của Bà MSTS NGUYỄN ĐÌNH HIỆU
Bài tiếp theoNgày 24/7/2017: Ở Trong Đức Chúa Giê-xu Christ