Giăng 4:1-26
“Hỡi anh em, tôi nhân danh Đức Chúa Giê-xu Christ chúng ta, khuyên anh em thảy đều phải đồng một tiếng nói với nhau, chớ phân rẽ nhau ra, nhưng phải hiệp một ý một lòng cùng nhau” (I Cô-rinh-tô 1:10).
Câu hỏi suy ngẫm: Tại sao Chúa lìa xứ Giu-đê trở về xứ Ga-li-lê? Chúa đi ngang qua Sa-ma-ri và nói chuyện với người phụ nữ Sa-ma-ri nhằm mục đích gì? Tinh thần chia rẽ đem đến những tác hại nào? Làm thế nào để xóa bỏ chia rẽ?
Khi Chúa Giê-xu nghe những người Pha-ri-si phao tin rằng Chúa làm phép báp-têm cho nhiều môn đệ hơn ông Giăng Báp-tít thì Ngài biết rõ tâm địa của họ là cố tình gây chia rẽ nội bộ, nên Ngài lìa xứ Giu-đê trở về xứ Ga-li-lê để tránh sự xung đột (câu 1, 2). Con đường từ Giu-đê (phía Nam) đến Ga-li-lê (phía Bắc) đi ngang qua xứ Sa-ma-ri (ở giữa). Người Do Thái rất khinh bỉ và không giao thiệp với người Sa-ma-ri vì họ cho rằng dân này là dân lai tạp giữa người Do Thái với Dân Ngoại. Trước đó, nước Israel (10 chi phái phía Bắc) bị lưu đày sang A-si-ri, một số lượng lớn Dân Ngoại được đưa vào sinh sống tại đó. Trải qua nhiều thế hệ, người Sa-ma-ri trở nên một dân lai với Dân Ngoại từ dòng giống đến cách thờ phượng. Vì vậy, những người Do Thái sùng kính khi đi từ Bắc xuống Nam, hoặc ngược lại, thường đi vòng để tránh Sa-ma-ri. Thế nhưng, Chúa Giê-xu đã chọn con đường đi qua Sa-ma-ri cùng với môn đệ. Chẳng những vậy, Ngài còn trò chuyện với một phụ nữ Sa-ma-ri bên giếng Gia-cốp nữa.
Chúa Giê-xu biết mọi sự nhưng quyết định của Ngài có mục đích rõ ràng. Việc Ngài trở về Ga-li-lê và đi ngang qua Sa-ma-ri nhằm mục đích xóa bỏ định kiến đã ăn sâu trong vòng người Do Thái và khoảng cách giữa người Do Thái và người Sa-ma-ri. Đặc biệt, việc Chúa tiếp xúc với một phụ nữ Sa-ma-ri, cho thấy Chúa muốn xóa bỏ sự phân biệt đối xử của người Do Thái và đem sự cứu rỗi cho người ngoại bang.
Chia rẽ đối nghịch với tinh thần hiệp một mà Chúa dạy. Nhưng thật đáng buồn vì đây là tình trạng thường xảy ra ngay trong Hội Thánh đầu tiên, và cũng không thiếu trong Hội Thánh ngày nay, gây nên bao điều đáng tiếc trong lịch sử Hội Thánh. Khi mỗi người chỉ nghĩ đến mình, chăm vào lợi ích của mình, đặt cái tôi của mình làm trọng tâm… thì chắc chắn sẽ có chia rẽ. Chỉ khi ai nấy cùng nhìn lên Chúa và hướng về những linh hồn đang hư mất thì sự chia rẽ mới nhường chỗ cho tinh thần hiệp nhất, vì Chúa, vì người để cùng nhau phục vụ.
Hội Thánh bạn đang có sự chia rẽ nào không? Bạn làm gì để góp phần xóa bỏ chia rẽ đó?
Cầu nguyện: Cảm tạ Chúa đã đến thế gian đem sự cứu rỗi cho nhân loại và xóa bỏ sự chia rẽ. Xin cho con không sống với tinh thần chăm vào lợi ích của mình, nhưng biết sống vì Chúa và người khác để tinh thần chia rẽ không tồn tại trong con.
Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Giăng 14.