Tác giả: Rhonda Stoppe
“Con cái sẽ vui hơn nếu bố mẹ hạnh phúc – vì thế ly hôn có thể là giải pháp tốt hơn”. Điều này đã từng được người ta tin và nghĩ như thế suốt những năm tháng qua. Nhưng ngày nay, với nhiều nghiên cứu về hậu quả của ly hôn trên con cái cho thấy ý niệm đó đã lỗi thời rồi.
Nhiều người đồng tình rằng ly hôn có những ảnh hưởng trước mắt lẫn lâu dài trên con cái. Thế nhưng, ở giữa những mâu thuẫn trong hôn nhân, các cặp vợ chồng thường thấy khó nghĩ đến hay khó lượng giá những đau đớn mà con cái mình phải gánh chịu sau khi bố mẹ ly hôn.
Tôi không phải là chuyên gia về chủ đề ảnh hưởng của ly hôn trên con cái. Thế nhưng, với 36 năm chức vụ là vợ mục sư và 18 năm trong mục vụ thiếu niên, tôi đã quan sát và nhận thấy ảnh hưởng của ly hôn trên con trẻ rất giống với nghiên cứu mà tôi đã thực hiện khi chuẩn bị bài viết này.
Sau khi đọc vô số nghiên cứu của các chuyên gia và số liệu thống kê về những ảnh hưởng trước mắt và lâu dài của ly hôn trên con cái, mục tiêu của tôi trong bài viết này là giúp bạn có cái nhìn tổng quát về nghiên cứu đó.
Mục tiêu của tôi không phải chỉ đơn giản liệt kê những ảnh hưởng tiêu cực hay tích cực của việc ly hôn trên con cái. Nhưng tôi ước ao được ngồi xuống với bạn, như một cố vấn viên trưởng thành, để cùng bạn chuyện trò về đề tài này và mang đến cho bạn sự hỗ trợ lẫn hy vọng.
Ai Có Thể Đặt Câu Hỏi Này?
Khi nghĩ đến lượng độc giả đọc bài viết này, tôi đã đưa ra danh sách những người có thể dành thời gian đọc bài viết này. Nếu bạn đọc bài viết này, thì bạn có thể là người:
- Đã ly hôn và lo sợ ly hôn sẽ ảnh hưởng đến con cái của mình
- Đang nghĩ đến việc ly hôn nhưng lại lo lắng về ảnh hưởng của ly hôn trên thể chất, tình cảm lẫn sự phát triển về mặt xã hội của con cái.
- Đang tìm hy vọng sau ly hôn và đang tìm cách để giúp con cái không trở thành người tiêu cực thứ hai.
- Đang chuyên trách mục vụ thiếu niên và muốn được trang bị tốt hơn để giúp các bậc cha mẹ đã ly hôn hướng con cái đến hy vọng về Phúc âm và đời sống mới trong Chúa – đó là điều có tác động mạnh mẽ hơn bất kỳ ảnh hưởng tiêu cực nào khác đến từ việc ly hôn của cha mẹ.
- Tìm lời tranh biện. Tôi lưỡng lự khi thêm điểm này, nhưng sự thật đó là khi đăng bài viết này, tôi thường nhận thấy có rất nhiều nhận xét từ những người cảm thấy bị xúc phạm khi nghe hành động của họ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến người khác.
Vì thế, nếu đó là bạn thì xin hãy biết rằng mục đích của bài viết này không phải để tranh luận, làm cho bạn bị xúc phạm, xấu hổ, hay khiến bạn cảm thấy có lỗi.
Mục tiêu của tôi trong bài viết này là kết nối các phụ huynh đã ly hôn với các chuyên gia để được hướng dẫn cách dìu dắt con cái vượt qua những hậu quả tiêu cực mà ly hôn có thể gây ra.
Và cũng để khích lệ các cặp vợ chồng đã kết hôn trong việc tìm mọi cách để rịt lành những rạn nứt trong hôn nhân của mình, để khiến mái ấm của họ trở nên chốn bình yên, vui tươi và gặt hái bông trái tích cực dài lâu.
Hãy xem một câu nói trong một tường trình của Linarce Quarterly “Gần ba thập kỷ nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của cơ cấu gia đình trên sự phát triển toàn diện của trẻ cho thấy những trẻ sống với bố mẹ ruột thường có đời sống tinh thần, tình cảm, tư duy, học tập phát triển tốt hơn.”
Ly Hôn Có Ảnh Hưởng Trước Mắt Thế Nào Trên Con Cái?
Có nhiều ảnh hưởng trước mắt của ly hôn trên con cái trong những gia đình tan vỡ. Trong phần này, chúng ta sẽ nói về những việc mà những bố mẹ đã ly hôn có thể làm để bù đắp lại những ảnh hưởng tiêu cực trên con cái của mình.
Nếu bạn đang nghĩ đến việc ly hôn, hãy dành thời gian suy nghĩ về những ảnh hưởng mà con cái mình sẽ phải đối diện:
- Cảm giác không an toàn
Một chuyên gia giải thích rằng trẻ con “thường nghĩ ba mẹ cần có khả năng xử lý mọi vấn đề. Trong mắt của con cái, bố mẹ là người có khả năng siêu nhiên nên có thể đáp ứng mọi nhu cầu cho chúng. Không việc gì là quá khó cho bố mẹ. Đối với con, ly hôn phá tan nhu cầu cơ bản về an toàn và niềm tin đối với khả năng của bố mẹ trong việc chăm sóc con cái cũng như trong việc đưa ra những quyết định có ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của con cái.”
- Cảm giác bị chối bỏ
Trẻ con thường có cảm giác bị chối bỏ khi bố/mẹ rời bỏ gia đình. Và nếu bố/mẹ tạo một mái ấm mới với ai đó thì cảm giác bị chối bỏ lại càng gia tăng.
Trong trải nghiệm của riêng tôi, dầu việc ly hôn của bố mẹ tôi xảy ra sau khi tôi đã trưởng thành, nhưng tôi vẫn nhớ như in việc chiến đấu trong tâm trí với cảm giác bị phản bội và chối bỏ khi cả bố và mẹ đều bắt đầu tạo mái ấm riêng với người phối ngẫu mới của mình.
Nếu trải nghiệm đó quá khó khăn và đau đớn dường nào đối với tôi khi đã trưởng thành, thì tôi có thể hình dung được cảm giác của các bạn thiếu nhi lẫn thiếu niên khi xem mái ấm mới của bố/mẹ như một sự đe dọa với mối quan hệ riêng tư của bản thân với bố/mẹ.
Khi con đang trong tiến trình xử lý cảm giác bị chối bỏ, bạn cần để con cái nói với mình về cảm xúc của chúng. Việc con né tránh hay đả kích kịch liệt còn tùy thuộc vào tâm tính của từng đứa trẻ.
Dù thế nào cũng hãy khiến việc nói chuyện với con trở nên cơ hội cho con giãi bày cảm xúc và hiểu được lý do đối với phản ứng của chúng. Đôi khi, do thấy cần bảo vệ bạn, con sẽ không nói ra điều đang ở trong lòng chúng. Điểm trọng tâm trong bài viết của tạp chí Gia đình có tiêu đề “Ly Hôn và Ảnh Hưởng của Nó trên Con Cái” đã đưa ra lời khuyên thế này:
“Trẻ con cần được khích lệ và hỗ trợ để tìm cố vấn viên trưởng thành nhằm khiến trẻ có thể sống thực với cảm xúc của mình và nói ra những thách thức mà chúng đang phải đối diện. Cũng hãy báo với giáo viên, tư vấn viên ở trường, người lo mục vụ thiếu niên hay mục sư. Hãy tìm xem ai là người sẵn lòng đứng vào vị trí này trong cuộc sống của con.
Tạo cơ hội để con cái có phần trong mối quan hệ gắn bó như trong một gia đình nơi Hội thánh và điều này rất quan trọng trong việc hình thành cảm giác thuộc về của con cái. Hội thánh không chỉ là nơi an ninh và bình an, nhưng cũng là nơi tỏ bày những gương mẫu hôn nhân lành mạnh để tôn cao Danh Chúa và cho con hy vọng về việc vui hưởng trong hôn nhân hạnh phúc của mình trong tương lai.
Những nghiên cứu gần đây cho thấy con không có cha trở nên như một dịch bệnh khi 40% trẻ con Mỹ được nuôi nấng trong những gia đình không có bố. Nên khích lệ những trẻ không có cha phát triển mối quan hệ tốt với một người nam tin kính mẫu mực trong Hội thánh.
- Cảm giác oán giận
Trẻ con được nuôi trong những gia đình ly hôn thường có cảm giác oán hận đối với cả bố lẫn mẹ. Hãy cẩn thận, đừng khiến cho tình cảm của con thêm khốn đốn khi nói ra những oán giận với chồng/vợ cũ của mình. Sự oán giận của bạn chỉ làm cho nỗi đau và cảm giác không an toàn của con trở nên tệ hơn. Nuôi dưỡng oán giận chỉ làm cho vấn đề trở nên rắc rối hơn.
“Khá coi chừng kẻo có kẻ trật phần ân điển của Đức Chúa Trời, kẻo rễ đắng châm ra, có thể ngăn trở và làm ô uế phần nhiều trong anh em chăng.” (Hê-bơ-rơ 12:15)
Khi bạn và con cùng bước qua dòng nước cuộn sóng này, đừng xem con như nơi trú ẩn hay an ủi cho cảm xúc của bạn. Cụ thể là đừng bắt con phải nghe những than thở của mình. Hẳn nhiên, cần lắng nghe những tổn thương của con về chồng/vợ cũ – nhưng đừng lạm dụng thời gian đó để trút những tổn thương của bản thân.
- Cảm thấy có trách nhiệm
Nhiều trẻ thường có suy nghĩ sai khi tin rằng hành vi của chúng là lý do khiến bố/mẹ ly dị. Suy nghĩ sai lệch này góp phần khiến nỗi đau buồn của trẻ bộc phát theo những chiều hướng tiêu cực. Hãy nói với con rằng việc bố mẹ ly hôn nhau hoàn toàn không phải do lỗi của con.
- Cảm giác gánh nặng về sự nghèo khó
Do tài chính của bố/mẹ nhận quyền nuôi con bị xuống dốc nghiêm trọng, trẻ trong gia đình ly hôn sẽ cảm thấy ray rứt về khó khăn tài chính của bố/mẹ và điều này khiến cho cảm giác lo lắng, e sợ và bối rối của con tăng thêm.
Số liệu thống kê cho thấy hầu như 50% phụ huynh đã ly hôn và hiện đang một mình nuôi con rơi vào tình trạng nghèo túng. Nếu bạn có ý định ly hôn, hãy xét các khía cạnh trên phương diện thể chất, tình cảm và tài chính khi chia tay với chồng/vợ của mình. Nhiều người nhận ra rằng họ chẳng vui hơn chút nào sau khi ly hôn.
Hơn nữa, hãy nhớ rằng Đức Chúa Trời thấy, nghe và Ngài hứa bảo vệ người mồ côi và Ngài có thể khiến điều xấu trở nên điều tốt lành (Thi Thiên 82:3; Sáng Thế Ký 53:20).
Ly Hôn Có Ảnh Hưởng Lâu Dài Như Thế Nào Trên Con Cái?
Có nhiều ảnh hưởng tiêu cực trên những trẻ lớn lên trong gia đình có bố mẹ ly hôn. Có vài điều cần suy nghĩ:
Những vấn đề về hành vi thường xảy ra phổ biến ở những trẻ sống trong các gia đình tan vỡ. Những bé trai thường có xu hướng hung hăng với người khác. Những bé gái cũng có những hành vi tiêu cực khi bố mẹ ly hôn.
Chấn động, tổn thương tâm lý thể hiện trong chứng trầm cảm, hay thậm chí có suy nghĩ, ý định tự sát.
– Dễ bị lạm dụng
– Thường hay bệnh nhưng lại khó phục hồi nhanh
– Dễ quan hệ tình dục bừa bãi hay sớm trở thành bố/mẹ trước tuổi vị thành niên
– Có xu hướng sử dụng chất kích thích
– Gặp khó khăn trong việc học ở trường
Chấn thương tình cảm kéo dài thường biểu hiện qua sự hoảng loạn, lo sợ hay không có khả năng gắn kết với ai đó trong mối quan hệ tương lai lâu dài.
Hầu hết các chuyên gia đều đồng ý rằng bố mẹ có thể nhanh chóng phục hồi sau khi ly hôn, nhưng trẻ con thì gần như không thể hồi phục hoàn toàn. Hãy lắng nghe Steven Earll – một nhà tư vấn và tâm lý điều trị chuyên nghiệp nói:
“Hồi phục hoàn toàn là việc hầu như không thể đối với trẻ con vì bản chất đặc biệt của đời sống gia đình. Khi bạn và chồng cũ chia tay mà không bị ảnh hưởng nhiều về điều đó, thì con cái của bạn lại liên tục suy nghĩ về sự mất mát của chúng. Và 25 năm sau biến cố đó, các con chắc chắn cũng bị điều này ảnh hưởng. Cuộc sống sẽ cứ khiến các con nhớ hoài về sự mất mát ngay cả trong những giây phút hạnh phúc nhất.
Earll nói tiếp: “Trẻ con chẳng bao giờ vượt qua được biến cố ly hôn của bố mẹ. Nó sẽ cứ là sự mất mát lớn trong cuộc đời chúng. Đó là nỗi đau không bao giờ kết thúc. Tất cả những sự kiện đặc biệt như lễ hội, thể thao, tốt nghiệp, kết hôn, sinh con… đều gợi lên sự mất mát tạo nên bởi việc bố mẹ ly hôn cũng như những mâu thuẫn trong mối quan hệ gia đình xảy ra khi đại gia đình cùng chung tổ chức một sự kiện nào đó.”
Một bài viết của Tiến sĩ Judith Wallerstein có nêu lên rằng: “…Trải nghiệm làm tăng thêm sự lo lắng khi hình thành mối quan hệ gắn bó lâu dài ở những giai đoạn phát triển về sau ngay cả trong giai đoạn tuổi vị thành niên.”
Ly Hôn Ảnh Hưởng Trên Con Cái Thế Nào Về Phương Diện Thuộc Linh?
Theo quan điểm của tôi, hậu quả cuối cùng cần phải nghĩ đến đó là ảnh hưởng của ly hôn trên con cái về phương diện thuộc linh. Khi trẻ con không được nuôi dạy bởi những cha mẹ Cơ Đốc, chúng sẽ sẵn sàng lắng nghe và đáp ứng tích cực với Phúc âm sau khi bố mẹ ly hôn, trong khi đó, trẻ sống trong gia đình Cơ Đốc có lẽ sẽ chối bỏ niềm tin của bố mẹ.
Sự giả hình và mất niềm tin mà trẻ con đã trải nghiệm có thể ảnh hưởng tiêu cực trên niềm tin nơi Chúa của chúng, và có thể khiến chúng nghi ngờ sự hiện hữu của Đấng Cứu chuộc vì đã không cứu vãn hôn nhân của bố mẹ.
Khi nhìn thấy sự bất lực của bố mẹ trong việc giải quyết mâu thuẫn hay không tha thứ cho nhau có thể khiến trẻ đánh dấu hỏi về sự thành thật trong niềm tin tôn giáo của bố mẹ và thường khi lớn lên, trẻ sẽ chối bỏ các giá trị niềm tin Cơ Đốc đó.
Nhiều trẻ không thoát ra được cảm giác bị phản bội và không tha thứ đối với bố mẹ cũng như đối với Chúa vì đã khiến sự ly hôn xảy ra. Điều này có thể sẽ khiến chúng chống đối Chúa và các giá trị Cơ Đốc mà đáng lý ra chúng phải nắm giữ.
Rõ ràng Đức Chúa Trời phán rằng Ngài ghét sự ly dị, không phải vì Ngài muốn níu kéo sự tốt lành bị vụt khỏi chúng ta, nhưng vì Chúa đã thiết lập hôn nhân giao ước để tạo nên những gia đình bền vững nhằm phản chiếu tình yêu của Ngài dành cho Hội thánh. Khi hình ảnh đó bị bóp méo qua việc ly hôn thì hậu quả của nó lại ảnh hưởng đến nhiều thế hệ.
Nếu bạn vẫn còn trong hôn nhân, hãy làm bất cứ điều gì có thể để rịt lành hôn nhân rạn nứt của mình vì con cái bạn vẫn lệ thuộc bạn. Hãy biết rằng ma quỷ đang tìm mọi cách để hủy phá bạn và con cái của bạn. Nhưng Đấng ở trong bạn vẫn lớn hơn thế lực trong thế gian này (I Giăng 4:4). Hãy tìm đến những tư vấn viên tin kính để được giúp đỡ và mang đến hy vọng cho bạn.
Ma-la-chi 2:15 nhắc nhở con dân Chúa kính trọng giao ước trong hôn nhân để sản sinh ra những hạt giống tin kính. Trải qua hơn 3 thập kỷ trong chức vụ là mục sư, cả chồng tôi và tôi đều chứng kiến những sự nổi loạn và tác động mạnh mẽ của ly hôn trong những gia đình tin Chúa. Nhưng điều mà ma quỷ muốn dùng để phá hoại thì Đức Chúa Trời có thể khiến trở nên tốt lành (xem Sáng Thế Ký 50:20).
Vì thế đừng nản lòng, bởi chúng tôi cũng nhìn thấy nhiều đứa con tin kính tốt được nuôi dưỡng bởi những bố mẹ hết lòng tin yêu Chúa dẫu cho hôn nhân có nhiều thất bại.
Tôi tin chắc rằng bất kỳ khó khăn nào mà bạn đang đối diện với đôi mắt luôn nhìn xem Chúa thì đó có thể là tia sáng mà Chúa dùng để kéo con cái Ngài đến với sự giải cứu thật và tin cậy nơi chính Ngài là nguồn duy nhất cho sự an ninh và niềm vui.
Đừng nản lòng nếu bạn đã ly hôn. Hãy nhớ rằng không việc gì là quá khó cho Ngài. Và cho dẫu sự ly hôn của bạn xảy đến với bất kỳ lý do nào thì Chúa vẫn thương yêu con cái của bạn.
Chúa biết sự ly hôn mang biết bao đau thương đến cho những trái tim bé nhỏ và Ngài là Đấng có thể khiến khổ đau trở nên vui mừng. Vì Chúa hứa sẽ khiến mọi sự trở nên có ích lợi cho những ai yêu mến Ngài – tức là những người được gọi theo ý muốn Ngài đã định (Rô-ma 8:28).
Thảo Anh dịch
Nguồn: Crosswalk