Xuất Ê-díp-tô Ký 21:18-22
“Hãy ở với nhau cách nhân từ, đầy dẫy lòng thương xót, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Đấng Christ vậy” (Ê-phê-sô 4:32).
Câu hỏi suy ngẫm: Luật bồi thường cho những tội bạo hành cụ thể như thế nào? Luật lệ này có ý nghĩa gì với tuyển dân? Bài học hôm nay nhắc nhở bạn về điều gì trong cuộc sống với nhau?
Sự bất đồng ý kiến, tranh cãi là điều thường xảy ra giữa vòng dân chúng, và với bản tính tội lỗi của con người, đang lúc nóng giận mất khôn, dễ lắm dẫn tới ẩu đả làm tổn thương nhau. Luật bồi thường cho các nạn nhân trong những vụ xung đột có bạo hành được quy định giữa vòng dân Chúa hầu cho mọi người phải cân nhắc, suy xét, nếu không muốn gánh hậu quả thì phải kiềm chế cơn nóng giận của mình.
Trường hợp thứ nhất: Khi hai người cãi nhau, một người ném đá hay dùng tay đấm người kia không đến chết nhưng phải nằm liệt giường một thời gian thì người đánh phải nuôi cơm, thuốc men cho đến khi người kia lành mạnh, và bồi thường thiệt hại trong những ngày không thể đi làm (câu 18-19). Luật không đề cập lý do người này đánh người kia nhưng hễ khi gây tổn thương cho người khác thì phải bồi thường thỏa đáng.
Trường hợp thứ hai: Chủ lấy gậy đánh đầy tớ trai hay gái của mình chết tại chỗ thì chắc phải bị phạt (câu 20). Luật không ghi rõ ở đây hình phạt cụ thể là gì nhưng chiếu theo luật giết người có chủ ý thì người chủ sẽ bị nghiêm phạt theo quyết định của các quan án. Nếu người đầy tớ còn sống một hai ngày thì người chủ khỏi tội, vì nó là tài sản của chủ (câu 21). Có lẽ việc người đầy tớ còn sống được một vài ngày minh chứng cho việc chủ không cố ý đánh chết người. Lỡ tay đánh chết người không cố ý, phải đến thành ẩn náu nhưng ở đây người chủ được bênh vực không bị phạt vì đã bỏ tiền mua đầy tớ. Vậy nếu người chủ không kỷ luật đầy tớ đúng cách, ông có thể phải bị nghiêm phạt hoặc nhẹ hơn thì cũng bị mất tài sản là người đầy tớ của mình.
Trường hợp thứ ba: Nếu người ta đánh nhau mà vô tình đụng nhằm một người đàn bà có thai làm cho sẩy thai nhưng không gây thương tổn nào khác, thì kẻ đánh nhằm đó phải bồi thường theo yêu cầu của người chồng sẽ định, và trả tiền trước mặt quan án (câu 22). Dù vô ý nhưng nếu đánh nhau mà làm tổn hại sinh mạng của con trong bụng người mẹ thì sự bồi thường không hề nhẹ vì nó được định đoạt bởi chồng nàng.
Ba trường hợp trên có một điểm chung là việc đáng tiếc có thể gây thiệt hại nặng nề khi người ta không kiềm chế được cơn nóng giận. Khi cuộc tranh cãi có bạo hành thì mọi người liên quan đều phải chịu tổn hại. Kinh Thánh dạy chúng ta, “Người chậm nóng giận thắng hơn người dõng sĩ; Và ai cai trị lòng mình thắng hơn kẻ chiếm lấy thành” (Châm Ngôn 16:32).
Làm thế nào để bạn có thể kiềm chế cơn nóng giận?
Lạy Chúa, xin Ngài giúp con mặc lấy sự nhân từ, thương xót của Chúa, cho con biết mau nghe, chậm nói, chậm giận để con có thể sống hòa thuận và bình an với mọi người.
Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Truyền Đạo 5
Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.
Mọi ý kiến đóng góp xây dựng, xin quí vị vui lòng gởi về địa chỉ: radio@httlvn.org