Lời Nói và Việc Làm – 17/6/2019

3000

 

Giăng 18:38-40

38 Phi-lát hỏi rằng: Lẽ thật là cái gì?
Khi người đã nói vậy,rồi lại đi ra đến cùng dân Giu-đa, mà rằng: Ta chẳng thấy người có tội lỗi gì cả. 
39 Nhưng các ngươi có lệ thường, hễ đến ngày lễ Vượt qua, thì ta tha cho các ngươi một tên tù, vậy các ngươi có muốn ta tha Vua dân Giu-đa cho chăng? 40 Chúng bèn kêu lên nữa rằng: Đừng tha nó, nhưng tha Ba-ra-ba! Vả, Ba-ra-ba là một kẻ trộm cướp. 

     

Câu gốc: “Chúng bèn kêu lên nữa rằng: Đừng tha nó, nhưng tha Ba-ra-ba! Vả, Ba-ra-ba là một kẻ trộm cướp” (câu 40).

Câu hỏi suy ngẫm: Sau khi tuyên bố Chúa Giê-xu vô tội, ông Phi-lát đã làm gì? Tại sao ông không dám tha Chúa? Đoàn người xin tha tù nhân Ba-ra-ba và đòi giết Chúa cho thấy tâm địa họ thế nào? Bài học này nhắc nhở chúng ta điều gì?

Dù Tổng đốc Phi-lát cứng lòng với lẽ thật, nhưng theo luật La Mã, ông không tìm thấy lý do nào để kết tội Chúa Giê-xu. Ông trở ra nói với dân Giu-đa rằng: “Ta chẳng thấy người có tội lỗi gì cả.” Rồi ông hỏi họ rằng: “Nhưng các ngươi có lệ thường, hễ đến ngày lễ Vượt qua, thì ta tha cho các ngươi một tên tù, vậy các ngươi có muốn ta tha Vua dân Giu-đa cho chăng?” Đây là tục lệ hằng năm nhằm lấy lòng dân Do Thái. Trong tù đang có một người Do Thái phạm tội trộm cướp, giết người và nổi loạn là Ba-ra-ba (Lu-ca 23:19). Ông Phi-lát gợi ý tha Chúa Giê-xu mà ông nói là Vua dân Giu-đa, nhưng đoàn người tố cáo Chúa la lớn lên “Đừng tha nó, nhưng tha Ba-ra-ba!”

Tổng đốc Phi-lát là một người nhu nhược và ích kỷ. Làm quan tòa tuyên bố Chúa vô tội, thế nhưng ông không sử dụng quyền của mình để tha Chúa ngay lập tức, mà lại hỏi ý kiến của những người Do Thái. Có lẽ ông sợ làm mất lòng đoàn người đang giận dữ đó có thể khiến chiếc ghế quyền lực của ông bị lung lay, nên ông không dám tha Chúa Giê-xu mà phải ra hỏi ý kiến họ. Chỉ vì chăm về quyền lợi của mình mà không quan tâm đến lẽ thật, lẽ công bằng và luật pháp nên ông đã mất cơ hội thuộc về lẽ thật và nghe tiếng Chúa (câu 37). Đoàn người tố cáo Chúa gồm dân chúng và các lãnh đạo tôn giáo, họ đã đứng trước một sự chọn lựa vô cùng tương phản, giữa Chúa Giê-xu mà ông Phi-lát gọi là “Vua dân Giu-đa” với kẻ cướp của giết người Ba-ra-ba; giữa Con Đức Chúa Trời vô tội với tay trộm cướp giết người đang thụ án. Thế nhưng với đoàn người đằng đằng sát khí đang đứng chờ ngoài cửa, thì đó là một cơ hội tuyệt vời với họ để thực hiện âm mưu giết Chúa của mình. Họ xách động dân chúng la lớn nhiều lần xin quan tổng đốc tha tù nhân Ba-ra-ba và đóng đinh Chúa Giê-xu trên cây thập tự (Ma-thi-ơ 27:20-22).

Các thầy tế lễ và thầy thông giáo là những người giả hình. Họ sợ ô uế không được dự lễ Vượt qua nên không dám vào trong dinh tổng đốc, nhưng trong lòng họ đầy những ô uế, hận thù, chỉ muốn giết người. Họ dạy đạo đức nhưng lại xử sự vô đạo đức, quyết chọn tha cho kẻ giết người mà giết cho kỳ được người vô tội. Họ chỉ nói mà không làm, dạy người khác nhưng chính họ thì chẳng bao giờ thực hành. Đây cũng là điều nhắc nhở mỗi chúng ta trong cuộc sống theo Chúa, lời nói và việc làm cần phải đi đôi với nhau.

Lời nói và việc làm của bạn có luôn đi đôi với nhau không?

Lạy Chúa, nói nhưng không làm là điều con thường mắc phải. Xin Chúa tha thứ cho con. Qua bài học này, xin cho con luôn sống theo lời Chúa dạy, để lời nói việc làm con luôn đi đôi với nhau.

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Ê-sai 47.

Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.

Mọi ý kiến đóng góp xây dựng, xin quí vị vui lòng gởi về địa chỉ: radio@httlvn.org

Bài trướcĐức Chúa Trời Toàn Tri – 16/6/2019
Bài tiếp theoĐiểm Nhóm Tin Lành (H’mông) Ea Bar – Đắk Lắk Có Nơi Sinh Hoạt Mới