Lời Nói Không Được Kiểm Soát – 6/10/2021

5325

 

Châm Ngôn 6:12-15

“Bởi cớ ấy, tai họa sẽ xảy đến nó thình lình; Bỗng chúc nó bị bại hoại, không phương thế chữa được” (câu 15).

Câu hỏi suy ngẫm: Kẻ vô loại là người như thế nào? Đặc tính của kẻ vô loại là gì? Kết quả cuộc đời kẻ vô loại ra sao? Bạn làm gì để thể hiện phẩm chất tự chủ, tiết độ trong lời nói?

“Kẻ vô loại” hay “người gian ác” trong tiếng Hê-bơ-rơ có nghĩa là “không ích lợi, không sử dụng”, và cũng được dịch là “người gây rối”, loại người rất xấu xa luôn kích động chống lại mọi điều tốt. Đặc tính nổi bật của “kẻ vô loại” liên quan đến lời nói. Trước hết, đây là người có môi miệng giả dối, đi đây đó buông lời dối trá (câu 12). Không chỉ sử dụng lời nói, “kẻ vô loại” còn sử dụng ngôn ngữ cơ thể để làm điều ác (câu 13). Thoạt nhìn, những điều “kẻ vô loại” làm dường như rất nhỏ nhặt nhưng lại có tác hại vô cùng to lớn.

Hơn thế nữa, “kẻ vô loại” còn dùng lời nói để “gieo sự tranh cạnh” (câu 14). “Gieo” là từ ngữ để nói đến việc Sam-sôn đốt lửa vào đuôi chó rừng và thả vào đồng lúa mì của dân Phi-li-tin (Các Quan Xét 15:4-5). Thay vì đem đến sự hòa giải, hòa bình thì lời nói của “kẻ vô loại” như ngọn lửa lan tràn để phá hủy sự hiệp một và làm hư hoại linh hồn của những thành viên trong cộng đồng.

Câu 14 cho thấy tiến trình phạm tội của “kẻ vô loại”: bắt đầu từ tấm lòng “có sự gian tà”, dẫn đến tâm trí “toan mưu ác”, rồi dùng lời nói để “gieo sự tranh cạnh”. Nói cách khác, điều ác không bao giờ dừng ở chính “kẻ vô loại”, nhưng hắn luôn luôn muốn tạo ảnh hưởng, lan truyền sự chống đối, nổi loạn của hắn cho người khác. Nhưng nên nhớ rằng kẻ ác bao giờ cũng phải đón nhận hậu quả do những điều ác hắn gây ra. “Tai họa sẽ xảy đến nó thình lình”, vào lúc hắn không ngờ và những tai họa này “không phương thế chữa được” (câu 15), nghĩa là không thể tránh cũng không thể cứu, và khi đó “kẻ vô loại” sẽ bị “bại hoại”. Đây là hình ảnh của chiếc tàu bị vỡ ra từng mảnh hay một người bị gãy cổ. Tất cả những gì “kẻ vô loại” mong muốn là “phá hủy” sự công chính, trật tự, thẩm quyền của cộng đồng, tạo nên sự chia rẽ, bất đồng, thì chính hắn lại “bị phá hủy”. Đúng là ai gieo giống chi lại gặt giống ấy.

Nếu ai nói bạn là “kẻ vô loại” hoặc “người gian ác” chắc sẽ khiến bạn tức giận! Nhưng nếu hỏi bạn: lời nói của bạn có “giả dối”“gieo sự tranh cạnh” không? Nếu có, thì bạn chính là “kẻ vô loại” hay “người gian ác”! Xin Chúa thương xót và cứu chúng ta khỏi mọi lời dữ hoặc giả dối, cũng xin Ngài cứu chúng ta để không phải là người gieo tranh cạnh trong Hội Thánh. Hãy thể hiện phẩm chất tự chủ, tiết độ trong lời nói được Đức Thánh Linh kiểm soát để lời nói có ân hậu, đem đến sự gây dựng và an ủi người khác.

Bạn có để Đức Thánh Linh kiểm soát lời nói của mình trước khi nói không?

Lạy Chúa, xin Lời Ngài mỗi ngày biến đổi con và kiểm soát môi miệng con để con dùng môi miệng rao truyền Phúc Âm và sự tốt lành của Ngài cho nhiều người.

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: I Sa-mu-ên 26:1-27:4

Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.

Mọi ý kiến đóng góp xây dựng, xin quí vị vui lòng gởi về địa chỉ: radio@httlvn.org

Kênh Youtube BHKTHN:

https://www.youtube.com/c/bhkthn

Bài trướcKlei Blŭ Amâo Ksiêm Răng – 6/10/2021
Bài tiếp theoKiên Giang: Hiệp Nguyện Giáo Phẩm Tháng 10/2021