Cuộc sống ở trần gian luôn đầy dẫy những người có tấm lòng đổ vỡ, tâm hồn đổ vỡ, hay có mối quan hệ đổ vỡ. Sự đau khổ do mối quan hệ đổ vỡ bao hàm cả một cảm giác đau buồn thật sự về một sự mất mát riêng tư, không khác gì với nỗi đau mất người thân. Đôi khi, sự tổn thương quá lớn đến nỗi nó cản trở con người thực hiện chức năng của mình một cách đúng đắn, và có những trường hợp nghiêm trọng hơn, nó có thể gây nên một sự suy sụp tinh thần và thậm chí dẫn đến ý định tự tử. Người ta thường đưa ra nhiều phương cách khác nhau nhằm xoa dịu sự đau khổ, chẳng hạn như: uống thuốc chống trầm cảm, viết những bức thư bày tỏ sự giận dữ rồi quăng xé nó đi, thay đổi lại diện mạo, và vân vân. Một số khác thì chủ trương hướng về nội lực của lối sống suy nghĩ tích cực. “Sự chữa lành” được biết đến nhiều nhất đó là Thời gian. Trong khi thế gian cho rằng nỗi đau xé lòng đó có thể được xoa dịu theo thời gian, thì chỉ có con cái Chúa mới có thể kinh nghiệm được một sự phục hồi hoàn toàn; bởi vì chỉ có Cơ Đốc nhân mới rờ chạm được năng quyền của Đức Thánh Linh, Đấng “chữa lành người có lòng đau thương và bó vít của họ.” (Thi thiên 147:3).
Chúa Giê-xu là Đấng thấu hiểu được nỗi đau bị khước từ. “Ngài đến trong xứ mình, song dân mình chẳng hề nhận lấy.” (Giăng 1:11). Ngài cũng từng bị phản bội bởi một trong những đồ đệ thân cận nhất của mình (Giăng 6:71, Thi thiên 41:9). Khi chúng ta đối diện với nỗi đau do một mối quan hệ đổ vỡ, hãy trao gánh nặng ấy lên Chúa chúng ta (1 Phi-e-rơ 5:7). Ngài khóc với những ai đang than khóc (Giăng 11:35), và Ngài có thể “cảm thương sự yếu đuối của chúng ta” (Hê-bơ-rơ 4:15).
Một mối quan hệ bị đổ vỡ có thể là nguồn của những cảm xúc tiêu cực. Nhưng Cơ Đốc nhân cần phải nhận thức được rằng để cho những cảm xúc này dẫn dụ họ là một điều phù phiếm, vô ích. Chúa Giê-xu đã ban phước cho chúng ta với mọi thứ phước thiêng liêng và chấp nhận chúng ta được trở nên con cái Ngài (Ê-phê-sô 1:3,6). Sự chấp nhận này sẽ giúp chúng ta vượt qua những cảm xúc của việc bị khước từ có thể có, bởi vì điều này không phải được đặt nền trên một “sự hi vọng như vậy” mà là một “sự biết chắc như vậy”. Chúng ta nhận biết Đức Chúa Trời, Đấng đã chấp nhận chúng ta qua lời Ngài phán, và khi chúng ta nhận lấy chân lý này bởi đức tin, thì đời sống và tấm lòng của chúng sẽ được thay đổi.
Không lúc này thì lúc khác, mỗi người chúng ta đều sẽ có những kinh nghiệm riêng về việc bị tổn thương do sự đổ vỡ của một mối quan hệ nào đó. Chúng ta chắc chắn phải bị tổn thương và thất vọng, vì chúng ta đang sống trong một thế giới tội lỗi. Có những điều mà chúng ta chọn để đối phó với sự tổn thương và thất vọng có thể giúp chúng ta mạnh mẽ hơn trên linh trình theo Chúa. Ngài hứa sẽ đồng đi với chúng ta để giúp chúng ta vượt qua những nãn lòng trong cuộc sống (Hê-bơ-rơ 13:5), và Chúa muốn chúng ta biết rằng sự chu cấp của Ngài trong đời sống của chúng ta là chắc chắn. Ân điển và sự an ủi của Chúa luôn ở cùng chúng ta khi chúng ta biết nương dựa nơi Ngài.
Mỗi một Cơ Đốc nhân tái sanh đều nhận lãnh những ơn phước từ Chúa, nhưng chúng ta phải chọn để tận dụng chúng. Sống trong cảnh luôn bi chìm đắm bởi nỗi buồn và tâm trạng chán ngán khi có một mối quan hệ đổ vỡ thì chẳng khác gì chúng ta có hàng triệu đô-la trong ngân hàng nhưng phải sống như một kẻ nghèo túng vì chúng ta không bao giờ đi rút tiền. Cũng đúng thôi vì chúng ta không thể sử dụng những đồng tiền này khi chúng ta không biết là chúng ta đang sở hữu chúng. Do đó, mỗi một con cái Chúa cần tìm kiếm sự “tấn tới trong ân điển và trong sự thông biết Chúa” (2 Phi-e-rơ 3:18), và để được “biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình” (Rô-ma 12:2). Chúng ta cần có một đời sống được trang bằng sự thông hiểu tường tận về ý nghĩa của việc theo Chúa bằng đức tin.
Là những con cái Chúa, chúng ta không bị định hình bởi những thất bại trong quá khứ, thất vọng, hay sự bị khước từ bởi những người xung quanh. Chúng ta được định hình bởi mối liên hệ với Chúa. Chúng ta là con cái của Ngài, được tái sanh để có một đời sống mới, được ban cho mọi thứ phước thiêng liêng ở các nơi trên trời, và được chấp nhận trong Chúa Giê-xu. Chúng ta phải có đức tin để thắng hơn thế gian (1 Giăng 5:4).
Đức Chúa Trời đã chuẩn bị cho mỗi một chúng ta những cơ hội riêng biệt để vượt qua “mọi điều” trong cuộc sống. Chúng ta có thể hoặc là bước đi dựa vào sức mạnh riêng của mình như điều sứ đồ Phao-lô gọi là bằng “xác thịt”; hoặc là chúng ta có thể bước đi trong năng quyền của Thánh linh. Đó là sự lựa chọn của chúng ta. Chúa đã trang bị cho chúng ta áo giáp thuộc linh, chúng ta có muốn mặc nó hay không là tùy vào chúng ta (Ê-phê-sô 6:11-18).
Chúng ta có thể bị đau khổ vì sự thất vọng trong cuộc sống này, tuy nhiên là những hoàng tử công chúa của Vua trên muôn vua, chúng ta hãy coi sự bị khước từ mà chúng ta trải qua chỉ là một cú va chạm thoáng qua trên con đường đi đến sự vinh quang. Chúng ta có thể quyết định cú va chạm đó kéo xa chúng ta ra khỏi linh trình này, hay có thể cho đó là một gia sản mà con cái Chúa có được và cứ tấn tới trong ân điển của Ngài. Như sứ đồ Phao-lô nói, chúng ta có thể “quên hẳn mọi việc ở đằng sau mà bươn lên những việc ở đằng trước” (Phi-líp 3:13).
Tha thứ nhau là một điều quan trọng trong quá trình chữa lành những tổn thương. Ôm sự cay đắng hay nuôi sự oán hận chỉ gây hại thêm cho tâm hồn của chúng ta. Vâng, chúng ta có thể hoàn toàn bị hàm oan, và sự đau khổ là điều không tránh khỏi, nhưng chúng ta hoàn toàn được tự do để quyết định tha thứ. Sự tha thứ là một món quà mà chúng ta có thể gởi tặng bởi vì nó được Chúa Giê-xu ban cho chúng ta một cách nhưng không (Ê-phê-sô 4:32).
Thật là niềm an ủi khi chúng ta biết Chúa phán rằng Ngài “sẽ chẳng lìa ngươi đâu, chẳng bỏ ngươi đâu” (Hê-bơ-rơ 13:5). Chúa luôn bên cạnh để an ủi con cái Ngài. “Chúc tạ Đức Chúa Trời, Cha Đức Chúa Giê-xu Christ chúng ta, là Cha hay thương xót, là Đức Chúa Trời ban mọi sự yên ủi, Ngài yên ủi chúng tôi trong mọi sự khốn nạn” (2 Cô-rinh-tô 1:3-4). Đức Chúa Trời là Đấng thành tín, Ngài luôn hứa sẽ đi cùng chúng ta vượt qua những gian truân trong cuộc đời: “Khi ngươi vượt qua các dòng nước, ta sẽ ở cùng; khi ngươi lội qua sông, sẽ chẳng che lấp. Khi ngươi bước qua lửa, sẽ chẳng bị cháy, ngọn lửa chẳng đốt ngươi.” (Ê-sai 43:2).
“Hãy trao gánh nặng ngươi cho Đức Giê-hô-va, Ngài sẽ nâng đỡ ngươi. Ngài sẽ chẳng hề cho người công bình bị rúng động.” (Thi thiên 55:2). Thực tế cho thấy, cảm xúc bắt nguồn từ tư tưởng, do đó để thay đổi cảm xúc, chúng ta cần phải thay đổi tư tưởng. Và đây là điều Chúa muốn chúng ta làm. Trong Phi-líp 2:5, con cái Chúa được dạy rằng, “Hãy có đồng một tâm tình như Đấng Christ đã có”. Trong Phi-líp 4:8, chúng ta được dạy hãy nghĩ đến những điều chân thật, đáng tôn, công bình, thanh sạch, đáng yêu chuộng, có tiếng tốt, có nhân đức đáng khen. Cô-lô-se 3:2 thì khuyên rằng “Hãy ham mến các sự ở trên trời, đừng ham mến các sự ở dưới đất”. Khi chúng ta làm điều này, những cảm xúc về sự bị khước từ trong chúng ta sẽ bị loại bỏ.
Để vượt qua sự tổn thương do sự đổ vỡ của một mối quan hệ đòi hỏi chúng ta cần phải biệt riêng một thời gian trong ngày để đọc và suy gẫm Lời Chúa, và cầu nguyện nhờ Ngài hướng dẫn. Sự chữa lành không bao giờ xảy ra bởi sự nỗ lực riêng của chúng ta, bèn là từ Chúa. Điều này giúp chúng ta xây bỏ ý riêng của mình và chỉ tập trung hướng về ý Chúa mà thôi. Ngài sẽ làm cho chúng ta trở nên trọn vẹn. Ngài sẽ lấy đi những sự đổ vỡ của chúng ta và tái tạo chúng ta trở nên theo ý Ngài muốn. Một mối quan hệ khi đã đổ vỡ thì thường gây nên sự đau khổ, nhưng Chúa là nhân từ. Ngài sẽ ban cho chúng ta một cuộc sống có ý nghĩa, có mục đích, và niềm vui trở lại. Chúa Giê-xu phán, “Phàm những kẻ Cha cho ta sẽ đến cùng ta, kẻ đến cùng ta thì ta sẽ không bỏ ra ngoài đâu” (Giăng 6:37). Mối quan hệ giữa Chúa với con cái Ngài là một mối quan hệ không bao giờ đổ vỡ.
Nguồn: www.Gotquestions.org
Thanh Trang dịch