Làm Thế Nào Tôi Có Thể Kinh Nghiệm Được Niềm Vui Trong Đời Sống Theo Chúa?

5079

 

Niềm vui là điều mà chúng ta luôn khát khao có được nhưng dường như không dễ để sở hữu. Kinh nghiệm niềm vui nên là một phần trong mỗi đời sống Cơ Đốc nhân. Niềm vui là một bông trái của Thánh linh, được sinh ra bởi Đức Chúa Trời tác động trong chúng ta, và đó là một phần ý muốn của Chúa trên đời sống chúng ta.

Chúng ta biết rằng có những Cơ Đốc nhân cho dù theo Chúa lâu năm nhưng cũng đã từng rơi vào những giai đoạn của sự buồn bã chán nản. Ví dụ, Gióp đã từng ước rằng mình đã không sinh ra đời (Gióp 3:11). Đa-vít đã cầu nguyện xin Chúa hãy mang ông trốn đi xa khỏi nơi mà ông đang đối diện với phong ba bão tố (Thi Thiên 55:6-8). Tiên tri Ê-li-sê, thậm chí sau khi đánh bại 450 tiên tri của Ba-anh bằng ngọn lửa từ trời giáng xuống, cũng đã ẩn mình trong đồng vắng và cầu xin Chúa hãy cất lấy mạng sống ông (1 Các vua 19:3-5). Nếu những bậc thánh tổ này mà còn gặp những lúc nản lòng như thế, thì liệu chúng ta có thể kinh nghiệm được một niềm vui vững bền trong đời sống theo Chúa của chúng ta hay không?

Điều đầu tiên là hãy nhận biết rằng niềm vui là một món quà được ban cho bởi Đức Chúa Trời. Từ gốc của niềm vui trong tiếng Hy Lạp là chara, khá gần nghĩa với charis (Hy Lạp) có nghĩa là “ân điển”. Niềm vui vừa là một món quà Thượng Đế ban tặng, cũng là một sự đáp ứng lại trước những ân huệ mà Chúa ban. Có được niềm vui là khi chúng ta nhận thức về ân điển của Đức Chúa Trời và vui thích đón nhận sự ban cho của Ngài.

Khi nhận thức được điều này, chứng tỏ rằng phương cách để kinh nghiệm được niềm vui là hãy hướng tâm về Chúa. Thay vì gieo mình vào những nghịch cảnh hay những điều có thể cướp đi niềm vui, chúng ta hãy nương mình vào Chúa. Điều này không có nghĩa rằng chúng ta phải phủ nhận những sự bất mãn hoặc những cảm xúc tiêu cực vớ vẩn. Hãy hòa lòng theo những bài thánh vịnh trong Thi Thiên, chúng ta có thể dốc đổ tấm lòng của chúng ta lên cho Chúa. Chúng ta có thể trình bày cho Ngài một cách thẳng thắn tất cả những điều gì làm cho chúng ta buồn phiền. Nhưng khi chúng ta trình dâng những điều đó cho Ngài rồi, hãy nhớ rằng Ngài là Đấng có quyền trên tất cả mọi điều, và hãy vui mừng trong Ngài. Thi Thiên chương 3, 13, 18, 43, và 103 là những ví dụ điển hình.

Thư Phi-líp đề cập nhiều về niềm vui, mặc dù sứ đồ Phao-lô viết thư này khi ông đang ở trong tù. Thư Phi-líp 4:4-8 đã cho chúng ta một vài sự hướng dẫn làm thế nào để được niềm vui trong cuộc đời theo Chúa: “Hãy vui mừng trong Chúa luôn luôn. Tôi lại nói nữa: Hãy vui mừng đi!… Chúa đã gần rồi. Đừng lo lắng gì cả, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu nguyện, nài xin cùng sự ta ơn mà trình dâng những nhu cầu của mình cho Đức Chúa Trời. Sự bình an của Đức Chúa Trời, vượt trên mọi sự hiểu biết, sẽ gìn giữ lòng và trí anh em trong Đấng Christ Jesus. Cuối cùng, thưa anh em, hễ điều gì chân thật, điều gì đáng trọng, điều gì công chính, điều gì thanh sạch, điều gì đáng yêu chuộng, điều gì đáng biểu dương; nói chung là điều gì đức hạnh, đáng khen ngợi thì anh em phải nghĩ đến”.  Ở đây chúng ta thấy được tầm quan trọng của việc ca ngợi Chúa, của việc nhận thức Chúa đã gần rồi, của việc trình dâng cho Ngài những sự lo lắng của chúng ta, và cả việc giữ mình hướng tâm về những điều tốt đẹp từ Cha Thiên thượng. Chúng ta kinh nghiệm được niềm vui là khi chúng ta hướng tâm mình ca ngợi Chúa. Đa-vít cho biết rằng suy gẫm lời Chúa cũng mang đến cho chúng ta niềm vui (Thi Thiên 19:8). Chúng ta cũng kinh nghiệm được niềm vui khi chúng ta tương giao với Chúa qua lời cầu nguyện. Và chúng ta cũng có thể kinh nghiệm được niềm vui khi chúng ta hướng tâm vào những điều thuộc linh hơn là vào những hoàn cảnh khó khăn hoặc những điều bất mãn.

Chúa Jesus cũng cho chúng ta một số những sự dạy dỗ liên quan đến niềm vui. Trong Giăng 15, Ngài khuyên chúng ta hãy cứ ở trong Ngài và vâng giữ lời răn Ngài. Chúa phán: “Như Cha đã yêu thương Ta thể nào, Ta cũng yêu thương các con thể ấy. Hãy cứ ở trong tình yêu thương của Ta. Nếu các con vâng giữ các điều răn của Ta thì sẽ ở trong tình yêu thương của Ta, cũng như Ta đã vâng giữ các điều răn của Cha Ta và cứ ở trong tình yêu thương của Ngài. Ta nói với các con những điều này để niềm vui của Ta ở trong các con, và niềm vui của các con được trọn vẹn.” (Giăng 15:9-11). Một trong những chìa khóa để tìm được niềm vui là sống trong sự vâng giữ điều răn Chúa.

Một cách khác để kinh nghiệm được niềm vui trong cuộc sống theo Chúa là qua cộng đồng. Đức Chúa Trời đã cho Ê-li nghỉ ngơi và Ngài đã sai Ê-li-sê đến để giúp đỡ ông (1 Các vua 19:19-21). Cũng vậy, chúng ta cần có những người bạn để chia sẻ nỗi đau và sự tổn thương (Truyền Đạo 4:9-12). Thư Hê-bơ-rơ 10:19-25 có chép rằng: “Hỡi anh em….chúng ta hãy quan tâm khích lệ nhau về lòng yêu thương và các việc lành. Chớ bỏ sự nhóm lại như mấy kẻ quen làm, nhưng phải khuyên bảo nhau; nếu anh em thấy ngày của Chúa càng gần chừng nào thì càng phải làm như vậy chừng nấy.” Nhờ ân điển của Đức Chúa Trời, chúng ta có thể dạn dĩ đến gần Ngài trong lời cầu nguyện (Hê-bơ-rơ 10:19). Hãy nhớ rằng chúng ta đã được tẩy sạch tội lỗi (Hê-bơ-rơ 10:22). Và rằng, chúng ta đã được gia nhập vào một cộng đồng mới, một gia đình của những người yêu Chúa. Cùng với những anh em chung niềm tin, chúng ta hãy giữ vững đức tin, tin cậy vào bản tính của Chúa. Hãy cùng khích lệ nhau. Hãy nhớ rằng Cơ Đốc nhân chúng ta không thuộc về thế gian này (Giăng 17:14-16, Phi-líp 3:20). Chúng ta luôn khao khát được ở cùng Chúa để được phục hồi những hoạch định tốt đẹp mà Ngài dành cho chúng ta. Cuộc sống trần thế này có thể đem đến sự cô đơn và chán nản. Do đó, những người bạn trong Chúa sẽ giúp nhắc nhở chúng ta về Chân lý, chia sẻ bớt gánh nặng và tiếp sức cho chúng ta bước tiếp trên linh trình theo Chúa (Ga-la-ti 6:10, Cô-lô-se 3:12-14).

Niềm vui có nghĩa như một dấu ấn trong cuộc đời mỗi Cơ Đốc nhân. Đó là bông trái của Thánh linh và là một món quà mà Đức Chúa Trời ban tặng. Chúng ta sẽ nhận món quà này một cách trọn vẹn nhất khi chúng ta hướng lòng mình về Chân lý của Đấng Christ, tương giao với Ngài qua lời cầu nguyện, và nương dựa vào cộng đồng Cơ Đốc nơi mà Chúa đã chuẩn bị sẵn cho chúng ta.

Người dịch: Thanh Trang

Nguồn: https://www.gotquestions.org/joy-Christian.html

 

Bài trướcThư ngỏ HT Buôn Êbung, Đăk Lăk
Bài tiếp theoBầu Cử Nhân Sự Đại Diện Và Huấn Luyện Bồi Dưỡng Kỷ Năng Chấp Sự Tại Tỉnh Tây Ninh.