Ích Lợi Của Sự Kỷ Luật – 6/3/2024

19463

 

 

Hê-bơ-rơ 12:11

Thật các sự sửa phạt lúc đầu coi như một cớ buồn bã, chớ không phải sự vui mừng; nhưng về sau sanh ra bông trái công bình và bình an cho những kẻ đã chịu luyện tập như vậy” (câu 11 BTT).

Tất cả sự sửa phạt lúc này dường như chỉ làm cho đau đớn chứ không phải là vui mừng, nhưng về sau sinh ra bông trái công chính và bình an cho những người đã chịu luyện tập như vậy” (câu 11 BTTHĐ).

Câu hỏi suy ngẫm: Kỷ luật là gì? Sự kỷ luật đem đến những ích lợi nào? Bạn cần có thái độ ra sao để có thể vượt qua thách thức trong kỷ luật tâm linh?

Khi dạy về vai trò của kỷ luật, trước giả thư Hê-bơ-rơ dùng chữ paideia có nghĩa sự hướng dẫn, kỷ luật, hay trách phạt, với mục đích giúp người chịu kỷ luật trở nên tốt hơn. Kỷ luật có thể là do một người vi phạm những quy tắc nên bị sửa phạt để thay đổi. Hoặc kỷ luật chỉ về một cá nhân tự đặt mình vào trong những khuôn khổ, nguyên tắc và cố gắng rèn luyện để trở nên tốt hơn.

Những ai chịu rèn tập kỷ luật dù lúc ban đầu thấy đau đớn, khó chịu, nhưng theo đuổi mục đích cho đến cuối cùng luôn đem lại ích lợi cho họ. Một người sống kỷ luật tâm linh, vượt qua những thách thức để rèn luyện sẽ kinh nghiệm sự bình an, công chính trong đời sống cá nhân, nhân cách được phát triển, tâm linh được tăng trưởng. Kỷ luật giúp chúng ta quyết tâm vượt qua những thách thức, trở ngại và không ngừng cố gắng để đeo đuổi những mục tiêu đã đề ra. Có thể nói kỷ luật là chìa khóa để trưởng thành thuộc linh, để đồng nhất tấm lòng và tâm trí của chúng ta theo ý muốn Chúa. Việc giữ thì giờ tĩnh nguyện hằng ngày, nghiên cứu Kinh Thánh, trung tín thờ phượng Chúa, thực hành chứng đạo, giữ mối thông công giữa các chi thể trong thân v.v… đều là những kỷ luật tâm linh để giúp chúng ta gần Chúa hơn mỗi ngày. Ngoài ra, sự kỷ luật cũng giúp uốn nắn, định hình nhân cách của chúng ta trong sự tiết chế, nhịn nhục, chính trực, để sống cuộc đời tin kính và công chính theo Lời Chúa.

Kỷ luật tâm linh là một cuộc chiến gay go đòi hỏi chúng ta phải có thái độ khiêm nhường, nhận biết mình không hoàn hảo và cần sự kỷ luật để trưởng thành hơn. Thái độ khiêm nhường sẽ giúp chúng ta biết vâng phục, chấp nhận kỷ luật, và chịu học hỏi để không ngừng tiến bộ. Thái độ quan trọng không kém chính là kiên trì chịu đựng. Không ai có thể thay đổi chỉ sau một đêm. Tăng trưởng là một quá trình cần có thời gian. Điều tuyệt vời dành cho những người giữ kỷ luật tâm linh là chúng ta không cố gắng dựa trên sức riêng. Chúa hứa ân sủng Ngài vẫn hằng dư đầy cho mỗi người. Ân sủng Chúa sẽ giúp chúng ta vượt qua thách thức trong kỷ luật tâm linh để không ngừng tăng trưởng.

Bạn có vui vẻ đón nhận sự kỷ luật của Chúa không?

Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa vì Ngài đã giúp con luyện tập những kỷ luật tâm linh để con được biến đổi và tăng trưởng trở nên giống Chúa hơn. Xin giúp con khiêm nhường đón nhận, kiên trì cho đến cùng và không ngừng nhờ cậy nơi sức thiêng của Ngài để tăng trưởng mỗi ngày. Nhân danh Đức Chúa Giê-xu Christ, Amen!

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Xuất Ê-díp-tô Ký 12

Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.

Mọi ý kiến đóng góp xây dựng, xin quí vị vui lòng gởi về địa chỉ: radio@httlvn.org

Kênh Youtube BHKTHN:

https://www.youtube.com/c/bhkthn

Bài trướcBoh Tŭ Dưn Klei Mkra Mjuăt – 6/3/2024
Bài tiếp theoPhú Yên: Hiệp Nguyện Tháng 3/2024