Hôn Trước Khi Cưới Có Phạm Tội Không?

12813

Văn hóa hò hẹn Cơ Đốc dường như tồn tại trong một lãnh địa khá mờ ảo. Do việc hẹn hò không được Kinh Thánh đưa ra những hướng dẫn rõ ràng, vì vấn đề này chưa có thời Cựu Ước lẫn Tân Ước cho nên Cơ Đốc nhân ngày nay vẫn phải áp dụng các nguyên tắc Kinh Thánh cho những đổi mới của thời đại, bao gồm cả việc hò hẹn với bạn khác phái.

Vì thế, khi đụng đến việc hôn nhau khi hẹn hò (cái hôn này hoàn toàn khác với cái hôn thánh chào nhau trong 1 Cô-rinh-tô 13:12), thì câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta có nên để dành cái hôn đầu tiên của mình cho ngày kết hôn không? Chúng ta có thể hôn nhau trước khi thật sự gắn bó trong hôn nhân được không? Và bao xa là quá xa trước khi kết hôn? Chúng ta sẽ đi sâu vào những câu hỏi thế này và những điều khác nữa trong bài viết dưới đây.

Kinh Thánh Nói Gì Về Việc Ham Muốn Thể Xác?

Kinh Thánh nói chúng ta phải yêu nhau như anh em (Rô-ma 12:10), nhưng việc hò hẹn với bạn khác phái nằm ngoài loại tình yêu bạn hữu này. Trong nguyên ngữ Hy Lạp, chúng ta có hai loại tình yêu:

Phileo: Tình yêu anh em (Giăng 11:36). Người Do Thái muốn nói đến loại tình yêu giữa anh chị em với nhau khi nhắc đến tình yêu Chúa Giê-xu đã dành cho La-xa-rơ. Dù trong Chúa Giê-xu có loại tình yêu agape (tình yêu vô điều kiện), nhưng vì người Do Thái chỉ xem Chúa Giê-xu là con người nên họ chỉ thấy trong Chúa Giê-xu loại tình yêu cao nhất của con người là tình yêu phileo mà thôi.

Eros: Tình yêu thiên về sự cuốn hút về tình dục (Nhã Ca 1:2-4). Kinh Thánh nói rõ rằng Đức Chúa Trời chỉ chấp nhận tình dục, hay mọi hành động tình ái trong hôn nhân mà thôi.

Nhưng nếu chúng ta bị cuốn hút bởi một đối tượng đặc biệt nào đó, thì điều đó có nghĩa rằng việc chúng ta hôn nhau thuộc vào loại tình yêu eros? Chúng ta có nên dành việc hôn nhau đó cho hôn nhân? Nếu hôn nhau trước khi kết hôn thì chúng ta có phạm tội không?

Hôn Có Phải Là Tội?

Nhiều tín hữu đã có những tranh cãi sôi nổi về câu hỏi này. Vấn đề cốt lõi của câu hỏi này đó là ý định của tấm lòng và tâm trí khi chúng ta hôn nhau. Như được ghi trong Ê-phê-sô 5:3, đừng để điều chi lộ vẻ gian dâm giữa vòng con dân Chúa.

Thế thì câu hỏi cần đặt ra đó là: Cá nhân bạn có nghĩ rằng hôn nhau trước khi cưới rơi vào sự bất khiết về tình dục như được ghi trong câu Kinh Thánh trên không?

Một số người nói rằng thực ra chúng ta cũng thường ôm hôn những thành viên trong gia đình mình đó thôi. Đây có thể là một cái hôn nhanh như lời chào thăm nhau hay tạm biệt nhau. Nhưng một cái hôn nồng thắm bằng lưỡi hay một buổi gặp gỡ tình tứ đầy dục vọng thì hoàn toàn không phải là cách chúng ta thường chào thăm những người trong gia đình của mình.

Một cái hôn nhanh có thể nằm trong phạm vi của loại tình yêu phileo, tùy theo mỗi người, nhưng một cái hôn dài chứa đầy sự khoái lạc nhục dục thì chắc hẳn nằm trong loại tình yêu eros.

Kinh Thánh cũng nói rõ hãy tránh xa tình dục trước hôn nhân (1 Cô-rinh-tô 6:18), nhưng đối với việc hôn nhau hay những thể hiện yêu thương khác thì làm sao đo lường?

Để trả lời câu hỏi này, chúng ta phải nhìn vào những sự cám dỗ mà bản thân mình và người yêu của mình có thể đối diện. Nếu chúng ta từng bị cám dỗ tình dục, thì hãy nên tránh việc hôn nhau vì nó có thể đưa đến trong chúng ta những tư tưởng hay cảm xúc tình dục.

Đối với những hành vi chưa hẳn là tội, nhưng có thể đưa đến sự cám dỗ, thì chúng ta nên xem ví dụ Phao-lô đề cập trong 1 Cô-rinh-tô 8: Nhiều tín hữu muốn mua thịt từ nơi mà họ biết là đã dâng cúng tà thần. Dầu có tín hữu chẳng thấy điều gì là nguy hại, nhưng những người khác thì cho rằng thịt đó đã bị ảnh hưởng tà linh.

Phao-lô nói với các tín hữu rằng đừng đem những loại thịt đó ra phục vụ những người nghĩ rằng ăn thịt đó là tội, để họ không vấp ngã hay phạm tội. Điều cám dỗ tín hữu A không hẳn là điều cám dỗ tín hữu B. Cũng vậy, Cơ Đốc nhân cũng có những quan điểm khác nhau về men rượu. Có người cho là được uống ở mức độ nhỏ nào đó như trong lễ tiệc thánh, nhưng đối với người không thể cưỡng lại việc uống rượu thì phải tránh xa chúng bằng mọi cách. Để giúp họ tránh xa sự cám dỗ, chúng ta không nên phục vụ chất có men ở những nơi hội họp. Cũng vậy, các cặp đôi yêu nhau trong Hội Thánh cần nhận biết những cái có thể cám dỗ mình đi xa hơn liên quan đến những việc như hôn nhau hay những cử chỉ thân mật với nhau mà tránh xa thay vì tìm cách ngụy biện.

Ôm Ấp Có Phải Là Tội?

Nguyên tắc trên cũng được áp dụng cho câu hỏi này, cũng như những hành vi thân mật khác khi nó có thể khiến cho một người suy nghĩ hay hành động theo những cám dỗ tình dục. Hành vi càng thân mật, càng có khả năng rơi vào bẫy cám dỗ nhiều hơn.

Thế thì nếu chỉ tưởng tượng hôn nhau thì có phải tội không? Trong Cơ Đốc giáo, việc “có bồ” có phải là tội không? Hôn người mình đã đính hôn có tội không? Ham muốn thể xác có phải là hành vi của loại tình yêu eros không? Hành vi đó có khiến chúng ta rơi vào cám dỗ hay tội lỗi không? Nếu có, hãy tránh xa. Chúa Giê-xu cũng đã từng ẩn ý khi bảo chúng ta hãy móc con mắt và quăng xa nếu nó khiến chúng ta phạm tội (Ma-thi-ơ 5:29).

Các Cặp Yêu Nhau Nên Giữ Mức Độ Thân Mật Thế Nào Trước Khi Kết Hôn?

Vậy hò hẹn với nhau để làm gì? Cần giữ mức độ thân mật với nhau thế nào để không phạm tội tình dục?

Việc này rất khác nhau ở mỗi mối quan hệ hò hẹn. Một số tín hữu thậm chí không nắm tay nhau cho đến khi kết hôn, trong khi những người khác thì thường xuyên hôn bạn trai, bạn gái của mình. Một lần nữa, vấn đề nằm ở tấm lòng của người trong cuộc. Liệu tất cả những hành động yêu thương đó có được thực hiện với lương tâm trong sáng trước mặt Chúa không?

Chúng ta phải lên kế hoạch việc cần làm khi hò hẹn và nhận biết sự khác biệt của nó với việc kết hôn.

Khi hò hẹn, chúng ta phải tìm biết nhiều hơn về đối tượng mà chúng ta thấy là có tiềm năng trở thành người bạn đời trong tương lai của mình. Đừng để việc hò hẹn trở nên phương tiện khiến chúng ta gần gũi thể xác với nhau nhiều hơn. Hãy dành điều đó cho hôn nhân. Nhưng tại sao? Tại sao chúng ta phải đợi? Có phải Chúa không muốn thấy chúng ta hạnh phúc đến khi chúng ta trao nhẫn cho nhau hay sao? Không. Chúng ta phải hiểu rằng khi chúng ta thân mật với ai đó, chúng ta sẽ kết gắn với người đó nhiều hơn. Kinh Thánh chép: Hai trở nên một thịt (Mác 10:8). Vì thế khi chúng ta phá bỏ mối quan hệ với người mà chúng ta đã từng gần gũi, thì tổn thương sẽ không tránh khỏi. Nó khiến chúng ta bị tổn thương trên mọi phương diện.

Đức Chúa Trời muốn chúng ta tránh xa việc gắn bó này trước khi kết hôn vì Ngài muốn chúng ta không bị đau đớn và tổn thương từ những đổ vỡ nghiêm trọng trong mối quan hệ đó. Sự gần gũi thể xác phải được dành cho mối quan hệ giao ước trong hôn nhân khi cả hai cùng nguyện ước chung thủy và yêu nhau vô điều kiện trước mặt Chúa. Gần gũi dễ tạo tổn thương, và vì thế Chúa muốn bảo vệ chúng ta và bảo vệ sự thánh khiết của hôn nhân.

Lãng Mạn và Cơ Đốc Giáo

Vậy chúng ta có nên đưa hôn nhân được sắp đặt trở lại và tránh giao tiếp bằng mắt vì cớ sự thánh khiết không?

Hoàn toàn không phải vậy. Chúng ta phải nhớ rằng sự lãng mạn là sự phản chiếu về tấm lòng của Đức Chúa Trời đối với con dân Ngài. Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta tình yêu như một món quà, và đây cũng là cách chúng ta cần bày tỏ với người khác, để hiểu rõ việc Đấng Christ đã ban chính mình Ngài cho Hội Thánh là thế nào (Ê-phê-sô 5).

Nhưng chúng ta cũng phải biết rằng sự gần gũi thân mật chỉ nên dành cho mối quan hệ giao ước trong hôn nhân. Để tránh tổn thương do mối quan hệ gãy đổ giữa hai người, thì hãy để dành những hành động đó cho ngày hai bạn kết ước trong hôn nhân, là khi hai người cùng hứa nguyện trở nên một trọn đời.

Mỗi người mỗi khác trong việc đi tìm sự cân đối trong việc bày tỏ tình cảm với người có tiềm năng trở thành bạn đời của mình, và đồng thời không đi quá xa trong mối quan hệ. Nhưng một khi bạn tìm được đối tượng của mình, hãy lập ra những ranh giới cần thiết khi bước vào mối quan hệ thân mật.

Trong tất cả mọi việc, đừng khiến anh chị em mình vấp ngã ở bất kỳ cám dỗ nào mà họ có thể đối diện.

Hope Bolinger
Thảo Anh dịch
(Nguồn: Crosswalk)

Bài trướcBình Thuận: Hiệp Nguyện Giáo Phẩm Tháng 11/2019
Bài tiếp theoHiệp Nguyện Giáo Phẩm Tỉnh Khánh Hòa Tháng 11/2019