Học Khôn

10507

Khi nghe nói đến “học khôn,” ta không thể không nghĩ ngay đến câu chuyện dân gian Việt Nam kể về anh chồng tên Đần và cô vợ tên Khôn. Câu chuyện châm biếm tính tự tôn của nam giới thời phong kiến và lên án việc coi thường giá trị của nữ giới, bởi thời ấy người ta cho rằng “khôn ngoan cũng chỉ là cái ngữ đàn bà”.[1] Ấy thế mà câu chuyện đã cho độc giả một tràng cười chua cay về sự học khôn và áp dụng máy móc của người chồng, khiến anh phải suýt chết trở về với vợ sau nhiều “ngày đàng” học nhiều “sàng khôn”. Dẫu là nam hay là nữ, con người đều cần sự khôn ngoan để có thể sống sót, sống vui, sống hữu dụng giữa cuộc đời lắm điều ác và sự lường gạt. Là những người thuộc về Chúa, được cứu chuộc bởi Đấng Cứu Thế để trở nên con cái của Đức Chúa Trời, phản chiếu ánh sáng của Đức Chúa Trời, Cơ Đốc nhân cần có cái nhìn như thế nào về đời sống khôn ngoan? Đó là một câu hỏi cần nhiều sự suy ngẫm và trải nghiệm trong cuộc sống trong mối liên kết với Lời Chúa và nhìn biết ý muốn Chúa trên đời sống của mỗi một người. Một trong những cách để hiểu một nguyên bản nào đó là tìm hiểu dị bản của nó, hay nói cách khác, đó là phiên bản ngược. Ví dụ như, để hiểu phần nào là “khôn ngoan”, ta có thể xem xét như thế nào là “dại khờ” để có thể hạ mình và nhờ ơn Chúa mà tránh những điều đó.

Trước hết, người dại khờ là người “nói trong lòng rằng chẳng có Đức Chúa Trời” (Thi Thiên 14:1). Đây là câu mở đầu của một bài thơ mà một vị vua anh minh của Do Thái cổ xưa, vua Đa-vít, đã sáng tác để quan soạn nhạc của hoàng gia phổ nhạc thành bài ca. Dù có nhiều giới hạn, vị vua này đã được Đức Chúa Trời chọn “theo lòng Ngài” (I Sa-mu-ên 13:14), và là người Chúa đã đánh giá không phải dựa trên vẻ bề ngoài mà dựa vào tấm lòng của ông khi ông còn là một cậu thiếu niên (I Sa-mu-ên 16:7). Chúng ta thấy một sự liên kết về “tấm lòng” ở đây: Tấm lòng của Chúa vui về người Chúa chọn; tấm lòng của vua đẹp lòng Chúa; và tấm lòng vô tín của người đời được vua cảnh báo là “ngu dại.” Sự khôn ngoan không phải là biểu hiện bề ngoài lanh lợi, bất chấp mưu mô và thủ đoạn để mình được phần hơn người và tránh né những thiệt hại khả dĩ cho bản thân. Vì Đức Giê-hô-va nhìn thấy trong lòng, còn loài người thì xem bề ngoài, nên những gì “đạt chuẩn” của loài người chưa hẳn là điều Chúa xác nhận. Chúa đã chọn Đa-vít làm vua khi ông chỉ là một cậu bé chăn cừu, còn đang vui thú với đồng cỏ, bầy cừu, và tiếng đàn hạc từ tâm hồn nghệ sĩ của mình. Giữa những người có vóc dáng cao lớn và biểu hiện năng lực “đạt chuẩn” theo đánh giá của nhà tiên kiến Sa-mu-ên, Đa-vít thật nhỏ bé và lu mờ. Đức Giê-hô-va đã phủ quyết những lựa chọn của Sa-mu-ên và chọn Đa-vít vì Ngài nhìn thấy tấm lòng của ông. Một lãnh đạo của dân Chúa, một vị vua của một tuyển dân không phải dựa vào năng lực hay tướng mạo, mà là có một tấm lòng được Chúa xác nhận. Có lẽ tấm lòng của cậu thiếu niên Đa-vít ngày xưa đã luôn nhận biết rằng có một Đức Chúa Trời tối cao và tể trị mọi sự và tấm lòng ấy tin cậy và vâng lời Đấng tối cao đó.

Cũng vì vậy mà khi viết dòng thơ trên, nhà vua khẳng định sự ngu dại trước tiên không phải là vì thiếu học, thiếu năng lực, thiếu kinh nghiệm, hay thiếu quan hệ rộng rãi, mà là tự nói rằng không có Đức Chúa Trời. Hơn nữa, không phải là nói công khai cho người khác biết, mà là tự nhủ trong lòng mình, tự quyết trong trí mình, và tự lèo lái nếp sống mình theo cách “không có Chúa nào hết” trên đời này. Thế gian có lắm người trông có vẻ khôn ngoan nhưng vừa không tin Chúa vừa cứng lòng trước Tin Mừng Cứu Rỗi, tự cho rằng Đức Chúa Trời không tồn tại. Dẫu có ai yêu thương mà kiên nhẫn làm chứng cho họ về Chúa, họ cũng khước từ. Thật đáng buồn. Nhưng thật đáng buồn hơn là những người đã xưng mình là tin nhận Chúa, đã nói trên môi miệng về những chuyện thuộc linh mầu nhiệm, nhưng vẫn “nói trong lòng” rằng chẳng có Đức Chúa Trời. Việc làm ăn kinh doanh của họ đã nói lên “tiếng lòng” đó. Sự lãnh đạo của họ đã nói lên “tiếng lòng” đó. Sự phục vụ và cách thức họ quan hệ với bề trên, với đồng sự, với đàn chiên đã nói lên “tiếng lòng” đó. Cách sống của họ với gia đình, cha mẹ, vợ chồng, con cái… đã nói lên “tiếng lòng” đó. Cách đối xử với tiền bạc, với danh – lợi – quyền, với tình yêu và tình dục… đã nói lên “tiếng lòng” đó. Tiếng lòng đó nói rằng không có Chúa, rằng Chúa không nhìn thấy, rằng những của lễ và những việc họ làm “cho Chúa” mới là quan trọng hơn. Thật ra, Chúa chẳng cần ai “cho” hay “làm cho” Ngài điều gì cả. Chúa đã cảnh báo dân Chúa ngày xưa rằng sống như vậy thật là “khốn”!

Khốn thay cho các ngươi là kẻ trông mong ngày của Đức Giê-hô-va! Các ngươi trông mong ngày của Đức Giê-hô-va làm gì? Ấy là ngày tối tăm, không phải là ngày ánh sáng… Ta ghét; ta khinh dể những kỳ lễ của các ngươi; ta không đẹp lòng về những hội trọng thể của các ngươi đâu. Dầu các ngươi dâng những của lễ thiêu và của lễ chay cho ta, ta sẽ không nhận lấy; ta chẳng đoái xem những con thú mập về của lễ thù ân các ngươi. Hãy làm cho tiếng của bài hát các ngươi xa khỏi ta! Ta không khứng nghe tiếng đàn cầm của các ngươi. Thà hãy làm cho sự chánh trực chảy xuống như nước, và sự công bình như sông lớn cuồn cuộn.

A-MỐT 5:18-24

Những kỳ lễ trọng thể, những của dâng dư dật, những bài ca xúc động lòng người, những tiếng đàn chuyên nghiệp, và cả sự mong đợi ngày Chúa đến… cũng đều trở nên khốn nạn cho người nào khước từ “sự chánh trực” và “sự công bình” của Đấng Công Bình đã xưng công bình cho người có tội bởi ân điển Ngài.

Vậy, người dại là người trước hết không nhận biết Chúa trong lòng. Để được khôn ngoan, không còn cách nào hơn là trở về với Đấng Khôn Ngoan để luôn tự nhủ trong lòng mỗi phút giây rằng Đức Chúa Trời đang thực hữu, Đức Chúa Trời đang nhìn thấy, Đức Chúa Trời đang tể trị, để rồi tìm kiếm sự công bình và chánh trực của chính Đức Chúa Trời.

Kiểu người khờ dại tiếp theo là người “xây nhà trên cát” (Ma-thi-ơ 7:24-27). Thời còn bé, bọn trẻ con chúng tôi thích nhất là chơi trò làm nhà. Nhà ông bà tôi lúc ấy trồng nhiều dừa, thỉnh thoảng bà phải thuê người chặt bớt nhánh và hái bớt trái để không gây nguy hiểm cho người đi lại bên dưới. Thế nên mỗi khi nhà chặt dừa thì chúng tôi thi nhau dành lấy những nhánh nguyên vẹn và có nhiều tàu lá rồi tự làm nên cái nhà của riêng mình. Đến giờ ăn, thay vì ngồi chung bàn với gia đình trong nhà mát mẻ, chúng tôi lại hí hửng mang thức ăn ra “nhà” của mình, vừa ăn vừa hạnh phúc ngắm “căn nhà lá” chính hiệu do tay mình dựng nên. Nhưng chỉ được dăm ba bữa, căn nhà lá đó khô héo và xập xệ, đành phải dỡ bỏ cho bà tôi làm củi nhóm lửa. Những “căn nhà” đầu đời của tôi vừa được xây trên cát lại vừa bằng vật liệu không chắc chắn. Thật chẳng có ai khôn ngoan mà lại xây nhà như bọn trẻ chúng tôi ngày ấy để ở lâu dài cả.

Chúa Giê-xu dạy rằng người xây nhà trên cát là người không để ý đến cái nền móng của căn nhà sao cho vững chắc, chỉ lo xây tường và thiết kế đẹp mắt phần nhìn thấy được của căn nhà mà thôi. Một căn nhà vững chắc trước phong ba bão táp là nhà có móng chắc chắn sâu dưới lòng đất. Thật tốt là có nhiều người dành nhiều thời gian và tiền bạc để đầu tư cái móng nhà rất chắc. Thoạt nhìn phần trên của hai căn nhà trên cát và trên đất, thì không ai biết nó có móng hay không. Có thể cả hai căn đều đẹp đẽ và lộng lẫy như nhau, đều vẫn được người ta đến mừng tân gia hoan hỉ và ngợi khen hết lời. Nhưng chỉ khi có “mưa sa, nước chảy, gió lay” thì mới lộ rõ ra căn nhà nào có móng vững bền. Chúa Giê-xu nói người nào “nghe và làm theo” lời Chúa phán dạy thì như người khôn xây nhà mình trên đá (có móng); còn ai “nghe và không làm theo” thì như người dại xây nhà mình trên đất (không có móng).

Có lẽ chúng ta không ai xây nhà mà không xây móng, nhưng có lẽ rất nhiều người trong chúng ta “xây đời” mình thì lại quên mất cái móng. Cả hai đối tượng khôn và dại trong lời ví dụ của Chúa đều “nghe” được lời Chúa. Nhưng nghe và không làm theo khác với nghe và làm theo. Một đời sống được “xây dựng” cách khôn ngoan là có móng bền vững, tức là nghe và làm theo Lời Chúa. Trên thực tế, hầu hết con cái Chúa đều thường xuyên “nghe” Lời Chúa. Chúng ta nghe truyền giảng rồi tin Chúa, nghe khích lệ bằng Lời Chúa khi được thăm viếng, nghe giảng mỗi Chúa Nhật, nghe trong khi nhóm ban ngành, nghe trong khi tĩnh nguyện, nghe trong khi thảo luận Kinh Thánh với người khác, nghe khi đi dự các ngày lễ, nghe khi đi trại hè và bồi linh, nghe trên mạng internet, và thậm chí nghe trong khi chính mình chuẩn bị bài giảng. Thế nhưng, liệu chúng ta có “khôn ngoan” để thực hiện bước tiếp theo là “làm theo” không? Việc chúng ta có làm theo hay không làm theo Lời Chúa, thì Chúa cũng chẳng được lợi gì từ chúng ta. Nhưng nếu nghe mà không làm theo, chúng ta trước nhất là bị liệt vào hàng “người dại”, và tiếp theo là chuốc mọi thứ hư hại cho mình.

Vậy, người dại là người nghe Lời Chúa nhưng không làm theo. Để được khôn ngoan, không chỉ cần nhận biết có Chúa và nghe Lời Chúa, mà còn làm theo Lời Chúa. Thế gian có lắm người dạy chúng ta cách sống khôn ngoan, nhưng trên những nền tảng của ý người và của đời này, mà “sự khôn ngoan đời này trước mặt Đức Chúa Trời là sự dại dột” (I Cô-rinh-tô 3:19). Người khôn ngoan thật sự là người đặt nền tảng cuộc đời mình trên Lời Chúa và sống với Lời ấy bởi ân điển Chúa ban.

Đối tượng khờ dại kế đến là người cuồng vật chất, “thâu trữ của cho mình mà không giàu có nơi Đức Chúa Trời” (Lu-ca 12:16-21). Chúng ta ai cũng muốn sự bảo đảm cho mình và cho gia đình về mọi mặt, đặc biệt là về tài chánh. Chúng ta lo xa, dự trữ không chỉ cho hiện tại mà còn cho cả tương lai, nhất là trong thời buổi nhiều hoạn nạn và bất ổn kinh tế như hiện nay. Việc tiết kiệm và chuẩn bị để bảo vệ bản thân và gia đình trước những bất trắc là điều chính đáng. Quan tể tướng Giô-sép xưa kia cũng vì có tầm nhìn và được Đức Chúa Trời báo trước nên đã thu hoạch và tích trữ lương thực để bảo vệ người dân Ai Cập và cả gia đình Y-sơ-ra-ên vượt qua nạn đói. Thế nhưng, nếu chúng ta xem việc tích trữ của cải là mục đích sống và làm việc mỗi ngày của chúng ta, mà quên mất rằng Đức Chúa Trời mới là Đấng nắm giữ linh hồn mình, để rồi một mai trong lúc chúng ta đang bon chen tích trữ, Chúa gọi linh hồn chúng ta đi, thì chúng ta quả thật là những “kẻ dại” trong mắt Chúa. Người giàu trong câu chuyện Chúa kể là một phú nông hà tiện. Anh ta tích trữ tài sản từ chính sức lao động của mình, nhưng bản thân anh ta không sử dụng mà chỉ lo xây thêm kho để trữ gia tài cho tương lai. Anh có của cải, nhưng hiện tại của anh ngặt nghèo, trong khi tương lai của anh không thuộc về anh. Anh có thể “ra đi” bất cứ lúc nào và để hết gia sản lại cho kẻ khác thừa hưởng. Chúa muốn dạy thính giả của Ngài lúc bấy giờ rằng mọi điều chúng ta có thì hãy sử dụng, hãy ban cho, hãy làm cho có ý nghĩa, bởi vì sự sống của con người “không phải cốt tại của cải mình dư dật” (Lu-ca 12:15). Có lẽ chàng phú nông này cũng giống với chàng thiếu gia đạo đức trong Lu-ca 18:18-30. Chàng thiếu gia có tất cả, nhưng thiếu sự sống đời đời và không thể rời bỏ của cải mình để theo Chúa. Chúa muốn nói rằng điều quan trọng cốt lõi trong đời người chính là sự sống đời đời, và điều họ cần tìm kiếm là Nước của Đức Chúa Trời và tin cậy sự chu cấp của Chúa.

Vậy, người dại là người chỉ biết dành cả đời thâu gom của cải cho mình, để vật chất sai khiến và lèo lái mình, xem tiền bạc là cứu cánh và là tiêu biểu của sự thành công của cuộc đời mình. Để được khôn ngoan, người đó cần “giàu có nơi Đức Chúa Trời”, sử dụng vật chất Chúa ban như là phương tiện để sống cuộc đời có ích, quan tâm đến người nghèo khó và mở mang vương quốc Chúa trên đất.

Điển hình tiêu biểu cuối cùng của người khờ dại là người “cầm đèn đi” mà “không đem theo dầu cùng mình” (Ma-thi-ơ 25:1-13). Để thính giả của mình hiểu được Nước Thiên Đàng như thế nào, Đức Chúa Giê-xu đã dùng minh họa về những nàng dâu phụ chuẩn bị cho đám cưới. Trong văn hóa Do Thái cổ xưa, trước khi nàng dâu chính gặp được chàng rể, thì chàng rể ấn định ngày giờ để cùng với những chàng rể phụ của mình đến nhà gái rước dâu về nhà. Trước khi gặp được nàng dâu, chàng rể sẽ được tiếp rước bởi mười nàng dâu phụ đồng trinh. Ẩn dụ của Chúa Giê-xu có phần khác biệt là chàng rể đến trễ và không cho biết chính xác giờ đến. Thế nên mười nàng dâu phụ đã “buồn ngủ và ngủ gục” (c. 5). Nhưng việc ngủ gục không đáng trách. Đáng trách là có năm nàng “dại” đã đem đèn theo mà không đem dầu. Mặc dù chúng ta không hiểu lý do, nhưng việc chuẩn bị chiếc đèn không dầu để thắp thật sự là một điều không thể vô lý hơn. Có lẽ họ nghĩ rằng có thể sử dụng được dầu của năm nàng khôn. Nhưng năm nàng khôn chỉ có dầu vừa đủ cho đèn mình. Chúa Giê-xu dùng ẩn dụ này để nhắc nhở về bài học tỉnh thức và minh họa cho ngày Chúa đến, đem Nước Thiên Đàng đến một cách thực thụ cho người thuộc về Ngài. Những trinh nữ không đem theo dầu được gọi là “dại” vì họ thiếu chuẩn bị, lơ đễnh và trễ nải. Khi cánh cửa của chàng rể đóng lại, họ không còn cơ hội để gặp và rước chàng rể, mà bị bỏ ra bên ngoài với lời khẳng định dường như rất vô tình của chàng rể: “ta không biết các ngươi đâu” (c. 12).

Nhiều khi chúng ta cũng thiếu tỉnh thức, thiếu chuẩn bị, lơ đễnh và trễ nải về đời sống thuộc linh, thiếu tương giao mật thiết với Chúa và tìm kiếm Chúa để rồi khi Chúa đến, Ngài cũng nói với chúng ta rằng: “Ta không biết con đâu”. Sự buồn ngủ về thể chất xuất phát từ việc cơ thể thiếu ngủ; nếu ngủ đủ, chúng ta sẽ tỉnh thức. Nhưng sự buồn ngủ thuộc linh thì khác; nó xuất phát từ việc tâm linh ta không tỉnh thức; càng ngủ, tâm linh càng buồn ngủ. Khi tâm linh tỉnh thức, chúng ta sẽ luôn được thức tỉnh. Chúa muốn khi Ngài đến, chúng ta không đang ngủ mê với một “chiếc đèn không dầu” trong tay. Nguyện Chúa giúp chúng ta không mải mê chuẩn bị cho cuộc đời tạm bợ, sự ổn định tạm bợ và danh tiếng tạm bợ trên trần gian, mà mỗi ngày tỉnh thức sửa soạn “đèn” của mình để đón tiếp Chúa trở lại bất cứ lúc nào.

Sự khôn ngoan theo tinh thần thế gian có thể là làm sao để mình được hơn người, để mình được chọn, để mình nhanh chóng đạt mục đích mà ít mất mát, để mình giàu có, và không quan tâm đến đời sống tâm linh đúng nghĩa.[2] Dựa trên Lời Chúa, tất cả những điều đó là biểu hiện của đời sống dại dột. Vậy, để sống khôn ngoan đích thực giữa đời, chúng ta cần nhận biết sự hiện diện của Đức Chúa Trời trong cuộc đời mình, cần nghe và làm theo Lời Chúa, cần xác định ưu tiên để không biến phương tiện vật chất thành mục đích sống, và cần luôn tỉnh thức về mặt tâm linh để sẵn sàng nghênh đón Vua Thiên Đàng trở lại. Đó là một hành trình “học khôn” chỉ bởi lòng thương xót của Đức Chúa Trời, ân điển trong Đấng Christ, và sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh mà thôi.

Karis Đỗ
(trích từ Bản Tin Mục Vụ)

[1] Trích chuyện cười dân gian Việt Nam “Học Khôn”, https://truyendangian.com/hoc-khon/

[2] Đối với con cái Đức Chúa Trời, chúng ta hiểu đời sống tâm linh là mối tương giao với Chúa và với cộng đồng đức tin. Hiện nay, người không tin Chúa cũng quan tâm đến đời sống tâm linh theo cách của họ, nhưng bỏ qua hiện diện của Đức Chúa Trời Chân Thần từ đời sống đó. Vì vậy, tác giả sử dụng cụm từ “đời sống tâm linh đúng nghĩa” để thúc đẩy sự kết nối với Đức Chúa Trời của Cơ Đốc Giáo.

Bài trướcKiêu Ngạo Đi Trước, Bại Hoại Theo Sau – 26/9/2023
Bài tiếp theoBạn Thật Giá Trị – Thông Điệp Cho Thân Hữu Tại Phan Thiết