Hành Trình 100 Năm: Những Bước Ban Đầu Tin Lành Truyền Đến Sài Gòn

9320

Tin Lành đến Đà Nẵng vào năm 1911. Trước đó, vào năm 1893, Tiến sĩ A. B. Simpson đã yêu cầu Mục sư David LeLacheur, Chủ nhiệm Liên hiệp Truyền giáo tại Á Châu đến khảo sát vùng đất Sài Gòn qua đường Singapore.[1]

Cũng cần biết, trước đây vùng đô thị Sài Gòn – Bến Nghé nằm trên đất của phủ Tân Bình, được xác lập ranh giới từ chùa Cây Mai đến rạch Thị Nghè, nằm trong kênh vành đai giáp tới sông Tân Bình (sông Sài Gòn) được qui hoạch là thành phố Sài Gòn (theo bản đồ Coffin năm 1862). Năm 1865 qui hoạch “Thành phố Sài Gòn” lại được chia thành hai thành phố: Thành phố Sài Gòn ở về phía Đông địa bàn thành phố cũ, tức vùng Bến Nghé xưa nơi có tỉnh thành Gia Định; và thành phố Chợ Lớn, vùng trước đây gọi là “Phố thị Sài Gòn”. Mãi đến năm 1956, tên gọi Sài Gòn mới được dùng chung để chỉ cả 2 vùng đất này.[2]

Sài Gòn đầu thế kỷ 20  (Saigon Cholon, vers 1920, Album L Crespin)

Việc truyền giáo tại Việt Nam nói chung và vùng Sài Gòn lúc bấy giờ nói riêng hoàn toàn không dễ dàng. Chính quyền Pháp hầu như không hoan nghênh những giáo sĩ ngoại quốc đến Việt Nam, ngoại trừ những giáo sĩ Công giáo La Mã. Theo điều 9 Hòa ước Giáp Tuất (1874) và điều 14 Hòa ước Giáp Thân (1884), chỉ có những giáo sĩ Pháp và Tây Ban Nha mới được phép hoạt động trong xứ.[3] Thêm vào đó, năm 1915, khi các giáo sĩ quyết định mở hai cơ sở mới tại Hải Phòng và Hà Nội, thì những sự nghị kỵ đã xuất hiện, vì một vài vị trong số họ bị nghi là người Mỹ gốc Đức.[4] Chính quyền Pháp nghi ngờ những người này là gián điệp Đức, nên đã có những biện pháp hạn chế và buộc ông bà Hosler và cộng sự A. H. Birkel phải rời Việt Nam.[5]

Năm 1916, Giáo sĩ R. A. Jaffray từ Hội Truyền giáo Hoa Nam đã có cuộc diện kiến quan Toàn quyền ở Hà Nội. Nhờ tài ngoại giao khéo léo của ông, nên chẳng bao lâu, ông được phép đặc biệt truyền giáo ở Đà Nẵng, Hà Nội, Hải Phòng nhưng còn chưa được phép khởi sự ở Nam Kỳ. Tháng 09/1917, Giáo sĩ Cadman đã tới Sài Gòn, và ông nhận thấy toàn bộ khu vực rộng lớn này rất thuận lợi cho việc giảng Tin Lành.[6] Trong báo cáo vào tháng 2/1918, ông cho biết nhà thờ tại Chợ Lớn đã có một vị Mục sư người Hoa giảng đạo mỗi tuần. Tin Lành đã đến với người Hoa trước tiên vì tại đây cư dân đông đúc, đã có một số người buôn bán nghe biết về Tin Lành từ khi họ còn ở Trung quốc. Tại Chợ Lớn, các Giáo sĩ cũng đã gặp một người Việt Nam tin Chúa tại Singapore, anh đã sẵn sàng cộng tác cùng họ để đem Tin Lành đến cho đồng bào mình.

Trong thời điểm này, Sài Gòn vẫn còn khá ít người Việt, nên việc rao giảng Phúc Âm vẫn còn nhiều hạn chế. Giáo sĩ Cadman viết: “Tôi sớm đi đến kết luận rằng Chợ Lớn sẽ là nơi thuận lợi cho các giáo sĩ nhất. Vì vậy, việc truyền giáo sẽ bắt đầu ở đó thay vì ở Sài Gòn chủ yếu là dân thập phương, nhưng lại ít người bản xứ.”[7] Cũng nên nhắc lại rằng, Sài Gòn lúc này đã là “Hòn ngọc Viễn đông”, là thành phố lớn nhất vùng Đông dương.[8]

Theo Giáo sĩ R. A. Jaffray, Sài Gòn với số dân khoảng 150.000 người, kể cả vùng Chợ Lớn, được xem là vùng đất quan trọng nhất Đông Dương, nhưng vẫn chưa có ai trong Hội Truyền giáo được phái đến.[9]

Cuối tháng 11/1918, các Giáo sĩ Jaffray, Irwin, Olsen và Stebbins được cử đến Sài Gòn bằng đường bộ. Họ đi hết 6 ngày với phương tiện là ô tô và xe kéo, để mở mang Hội Thánh Chúa. Đường đi khá vất vả, tuy nhiên, khi có cơ hội, họ đều làm chứng về Tin Lành cho những người gặp trên đường.[10] Thời gian này, hai thành phố Sài Gòn và Chợ Lớn đã được mở rộng thêm diện tích, sát nhập các xã thôn ở giữa thuộc 2 tỉnh Gia Định và Chợ Lớn, bắt đầu tiếp giáp nhau tại vị trí nay là đường Nguyễn Văn Cừ và Nguyễn Thiện Thuật. Sài Gòn cũng được mở rộng về phía Nam, bao gồm cả địa bàn quận 4 và một phần quận 7 ngày nay.[11]

Năm 1919, tại Sài Gòn đã có người tin Chúa đầu tiên, vốn là một giáo viên ngôn ngữ tên là Lang, được các Giáo sĩ Olsen và Stebbins thuê làm việc, và đã nhận báp-têm vào tháng 11. Đến năm 1920, số người nhận báp-têm đã tăng lên được 7 người. [12] Thời điểm này, Sài Gòn với 250.000 dân là địa trung tâm của khu vực: Phía đông Sài Gòn khoảng 3km là thị trấn Gia Định, có dân số 140.000 người; 15km về phía nam là Chợ Lớn với 100.000 người Việt và 80.000 người Hoa; về phía bắc, khoảng 40km là Biên Hòa với dân số 20.000 người; theo đường sắt, đi về phía nam 100km, là thành phố Mỹ Tho, trung tâm của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nơi màu mỡ nhất với 30.000 dân.[13]

Chợ Lớn đầu thế kỷ 20 (Saigon Cholon, vers 1920, Album L Crespin)

Theo lời kêu gọi của Tiến sĩ Jaffray, tháng 2/1921 Mục sư Châu Tỉnh Hồn, là Mục sư người Hoa đầu tiên đến Việt Nam. Ông thành lập điểm nhóm tại nhà riêng để bắt đầu công việc, và đến ngày 19/08/1922, thành lập Hội Thánh người Hoa. Người tin Chúa tại Chợ Lớn ngày càng đông. Hội Thánh mua một miếng đất trên đường Quang Trung (tức đường Nguyễn Trãi ngày nay) và tiến hành xây dựng nhà thờ (nay là nhà thờ Tin Lành Nguyễn Trãi). Đây chính là Hội Thánh người Hoa đầu tiên ở Sài Gòn.[14]

Hội Thánh người Hoa

Tháng 11/1920, Hội truyền giáo CM&A đã có dự định đến năm 1922 sẽ thiết lập trụ sở Truyền giáo tại vùng Sài Gòn – Chợ Lớn. Cũng vào dịp cuối năm 1920, Mục sư Đoàn Văn Khánh được cử đến đây để truyền giáo.[15]

Năm 1922, Hội Thánh người Hoa tại Chợ Lớn được phát triển mạnh mẽ. Chue Sing Wan, nhà truyền giáo người Hoa được Chúa kêu gọi, mặc dù không được phép, nhưng ông vẫn thường xuyên đến thăm đồng bào mình tại nơi đây. Có rất nhiều người sẵn lòng tin nhận Chúa.

Lúc bấy giờ, Bình Trị Đông thuộc tổng Long Hưng Thượng, quận Gò Đen, tỉnh Chợ Lớn[17]. Năm 1924, có lễ Báp-têm được cử hành cho 20 tín hữu tại làng Bình Trị Đông. Bà Khưu Thị Chung đã mua một căn nhà ngói dâng Chúa. Tại đây đã diễn ra buổi nhóm đầu tiên của Hội Thánh Bình Trị Đông vừa mới được thành lập.[18] Sự kiện này rất có ý nghĩa, khởi đầu cho giai đoạn mới đầy khởi sắc của công việc Chúa tại khu vực Sài Gòn – Chợ Lớn. Trong thời gian này, các tôi tớ Chúa: Bùi Tự Do, Lê Văn Long, Trần Dĩnh, Kiều Công Thảo, Dương Nhữ Tiếp lần lượt đến giúp đỡ Hội Thánh. Năm 1927, nhà thờ tạm không còn đủ chỗ nhóm lại nên các tín hữu đầu tiên đã cùng nhau xây dựng một nhà thờ bằng gỗ lợp ngói, nền lót gạch tàu, diện tích 4m x 12m trên nền nhà thờ cũ. Lúc này, Hội Thánh chưa có chủ tọa chính thức, mọi công việc trong Hội Thánh đều do một số con cái Chúa sốt sắng lo liệu. Bình Trị Đông là Hội Thánh đầu tiên của người Việt tại Sài Gòn.[19]

Nhà thờ Bình Trị Đông năm 1948 (ảnh chụp lại từ Kỷ yếu 90 năm thành lập Hội Thánh)

Năm 1925, Hội Thánh Tin Lành Sài Gòn được chính thức thành lập. Điểm nhóm đầu tiên là một căn phố gần cổng xe lửa trên đường Phạm Ngũ Lão ngày nay. Quản nhiệm đầu tiên của Hội Thánh lúc bấy giờ là Mục sư Đoàn Văn Khánh.[20]

Hội đồng Địa hạt Nam kỳ tại nhà thờ Sài Gòn năm 1941

Sự ra đời của Hội Thánh Nguyễn Trãi, Bình Trị Đông và Hội Thánh Sài Gòn chính là mốc lịch sử rất quan trọng cho sự phát triển của đạo Chúa tại vùng đất này. Nếu Hội Thánh Nguyễn Trãi là bước khởi đầu cho các Hội Thánh người Hoa, Hội Thánh Sài Gòn trở thành cái nôi của các Hội Thánh trong thành phố, thì Hội Thánh Bình Trị Đông chủ yếu phát triển các Hội Thánh nhánh của mình về phía nam và phía tây thành phố.

Vũ Hướng Dương

———–

[1] Vietnam History – Synopsis, trang 01
[2] https://www.maxreading.com/sach-hay/gioi-thieu-ve-sai-gon/lich-su-phat-trien-33774.html và http://2saigon.vn/cam-nhan-saigon/lich-su-hinh-thanh-sai-gon.html
[3] Phạm Văn Sơn, op.cit., Vol. V., pp. 322, 432, trích lại từ “Lược sử HTTL Việt Nam (1911-1965)”, Ms Lê Hoàng Phu, Ph.D, trang 98
[4] Gồm 9 giáo sĩ: 1 người Anh, 2 người Na Uy, 4 người Canada và 2 người Mỹ
[5] Trích lại từ “Lược sử HTTL Việt Nam (1911-1965)”, Ms Lê Hoàng Phu, Ph.D, trang 99
[6] Vietnam History – Synopsis, trang 166
[7] Nguyên văn: “I soon came to the conclusion that Cho-Lon would be the place to offer the resident missionary the most opportunity. Therefore it would be preferable to start work there instead of in Saigon, which is very cosmopolitan and has fewer Annamese.”
[8] Vietnam History – Synopsis, trang 161
[9] Vietnam History – Synopsis, chương II, trang 149
[10] Vietnam History – Synopsis, trang 09, 170, 179, 180
[11] https://vi.wikipedia.org/wiki/Lịch_sử_Thành_phố_Hồ_Chí_Minh
[12] Vietnam History – Synopsis, trang 10, 185, 195 và The Call of French Indo-China, số 02, tháng 01-03/1923
[13] Vietnam History – Synopsis, trang 172,  182, 189, 190
[14] Lược sử Hội Thánh Hoa ngữ Việt Nam
[15] Vietnam History – Synopsis, trang 12, 188 và The Call of French Indo-China, số 02, tháng 01-03/1923
[16] Vietnam History – Synopsis, trang 233
[17] Tỉnh Chợ Lớn được thành lập từ ngày 01/01/1900 từ hạt tham biện Chợ Lớn, là đơn vị hành chánh riêng biệt với thành phố Chợ Lớn, nhưng tỉnh lỵ vẫn đặt chung trong thành phố Chợ Lớn. Sau nhiều lần thay đổi địa giới, mãi cho đến năm 1946, phần lớn đất đai tỉnh Chợ Lớn hợp nhất với tỉnh Tân An để thành lập tỉnh Long An. (https://vi.wikipedia.org/wiki/Chợ_Lớn_(tỉnh))
[18] Hồi ký “Bốn Mươi Sáu Năm Trong Chức Vụ”, Mục sư Lê Văn Thái, trang 114 – 118, cơ quan xuất bản Tin Lành, năm 1971
[19] Kỷ yếu 90 năm thành lập Hội Thánh Bình Trị Đông (1924-2014)
[20] Vietnam History – Synopsis, trang 12, Kỷ yếu 90 năm thành lập Hội Thánh Sài Gòn (1925-2015)

Bài trướcAi Bảo Vệ Ai? – 15/3/2019
Bài tiếp theoCần Thơ: Hội đồng Bồi linh Phụ nữ lần thứ XII