Xuất Ê-díp-tô Ký 1:22 – 2:10
22 Pha-ra-ôn bèn truyền lịnh cho cả dân mình rằng: Phàm con trai của dân Hê-bơ-rơ mới sanh, hãy liệng xuống sông; còn con gái, thì để cho sống
1 Vả, có một người trong họ Lê-vi đi cưới con gái Lê-vi làm vợ. 2 Nàng thọ thai, và sanh một con trai; thấy con ngộ, nên đem đi giấu trong ba tháng. 3 Nhưng giấu lâu hơn nữa không được, nàng bèn lấy một cái rương mây, trét chai và nhựa thông, rồi để đứa trẻ vào, đem thả trong đám sậy dựa mé sông. 4 Người chị đứa trẻ đứng xa nơi đó đặng cho biết nó sẽ ra sao. 5 Vả, bấy giờ, con gái Pha-ra-ôn xuống sông tắm, còn các con đòi đi dạo chơi trên mé sông; công chúa thấy cái rương mây đó giữa đám sậy, bèn sai con đòi mình đi vớt lên. 6 Công chúa mở rương ra, thấy đứa trẻ, là một đứa con trai nhỏ đương khóc, bèn động lòng thương xót mà rằng: Ấy là một đứa con của người Hê-bơ-rơ. 7 Người chị đứa trẻ bèn nói cùng công chúa rằng: Tôi phải đi kêu một người vú trong bọn đàn bà Hê-bơ-rơ đặng cho đứa trẻ bú chớ? 8 Công chúa đáp rằng: Hãy đi đi. Người gái trẻ đó đi kêu mẹ của đứa trẻ. 9 Công chúa nói rằng: Hãy đem đứa trẻ nầy về nuôi bú cho ta; ta sẽ trả tiền công cho. Người đàn bà ẵm đứa trẻ mà cho bú. 10 Khi lớn khôn rồi, người bèn dẫn nó vào cho công chúa, nàng nhận làm con, và đặt tên là Môi-se, vì nàng nói rằng: Ta đã vớt nó khỏi nước.
Câu gốc: “Khi lớn khôn rồi, người bèn dẫn nó vào cho công chúa, nàng nhận làm con, và đặt tên là Môi-se, vì nàng nói rằng: Ta đã vớt nó khỏi nước” (câu 10).
Câu hỏi suy ngẫm: Em bé Môi-se được cứu ra khỏi nước như thế nào? Theo bạn, những tác nhân nào giúp em bé Môi-se được sống sót? Bạn áp dụng bài học này như thế nào khi ở trong hoàn cảnh khốn cùng?
Khi hai thủ đoạn tàn ác của vua thất bại, vua liền ra lệnh không chỉ cho những cô đỡ mà là cho toàn dân Ai Cập: “Hãy ném tất cả các con trai sơ sinh của người Hê-bơ-rơ xuống sông, còn con gái thì để cho sống” (câu 22). Một bé trai kháu khỉnh từ dòng tộc Lê-vi đã được cha mẹ giấu suốt ba tháng. Khi biết không thể giấu lâu hơn, người mẹ đã đặt con trẻ vào một cái thúng trét chai và nhựa thông, rồi đem thả giữa đám sậy ven sông. Chị đứa trẻ đứng xa xa canh chừng. Người mẹ này đã không ngồi chờ người ta lôi con mình xuống sông, không chỉ cầu nguyện rồi chờ phép lạ, không ngồi đó oán trách Chúa… nhưng cô đã làm tất cả những gì cô có thể làm, và phó mọi điều còn lại trong tay Chúa.
Công Chúa Ai Cập cùng các nữ tỳ xuống sông tắm, phát hiện và vớt cái thúng lên. Nhìn thấy một bé trai người Hê-bơ-rơ đang khóc, công chúa cảm thương và nhận làm con nuôi. Bởi sự nhanh trí của người chị mà đứa trẻ được chính mẹ mình chăm sóc như vú nuôi và được công chúa cấp tiền nuôi dưỡng. Mẹ đứa trẻ vô cùng hạnh phúc ôm chính con của mình về nhà một cách bình an. Thật Chúa đã ban cho cô vượt quá điều mong đợi! Khi đứa trẻ lớn khôn, người mẹ đem con vào cung giao cho công chúa. Công chúa đặt tên là Môi-se nghĩa là “Vớt ra khỏi nước”.
Chúng ta tưởng rằng em bé Môi-se được cứu sống nhờ sự khôn ngoan của người mẹ và chị cùng với sự cảm thương của công chúa Ai Cập, nhưng chính Đức Chúa Trời mới là tác nhân cứu em bé Môi-se khỏi chết. Ngài đã ban sự khôn sáng cho mẹ và chị của ông, và đặt sự thương cảm đặc biệt vào lòng công Chúa Ai Cập. Để chuẩn bị một lãnh đạo vĩ đại đưa tuyển dân ra khỏi nhà nô lệ Ai Cập, Chúa cho ông Môi-se được sinh ra và lớn khôn trong dòng tộc Lê-vi để học biết về Đức Chúa Trời, Ngài bảo vệ mạng sống của ông và nuôi ông trưởng thành ngay trong cung điện của kẻ truy sát ông. Đức Chúa Trời có chương trình đặc biệt cho mỗi người trong kế hoạch đời đời của Ngài. Trong cơn nguy khốn của cuộc đời, chúng ta hãy tin cậy nơi Chúa, cầu xin sự giải cứu và hướng dẫn của Ngài. Chúng ta cần làm mọi điều có thể và dâng kết quả trong tay Chúa. Tin chắc rằng Chúa toàn năng có quyền giải cứu và ban cho chúng ta điều tốt nhất.
Bạn thường làm gì trong những hoàn cảnh khốn cùng?
Cảm tạ Chúa cho con được làm con của Ngài và ở trong sự bảo bọc của Ngài! Xin giúp con luôn tin cậy nơi Chúa, tìm cầu và chờ đợi sự giải cứu của Ngài trong những lúc phong ba của cuộc đời.
Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Xuất Ê-díp-tô Ký 6.
Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.