Đức Chúa Trời Sẽ Phá Hủy –  26/5/2018

2553

 

I Cô-rinh-tô 3:16-17

16 Anh em há chẳng biết mình là đền thờ của Đức Chúa Trời, và Thánh Linh Đức Chúa Trời ở trong anh em sao? 17 Ví có ai phá hủy đền thờ của Đức Chúa Trời, thì Đức Chúa Trời sẽ phá hủy họ; vì đền thờ của Đức Chúa Trời là thánh, mà chính anh em là đền thờ.

Câu gốc: “Ví có ai phá hủy đền thờ của Đức Chúa Trời, thì Đức Chúa Trời sẽ phá hủy họ; vì đền thờ của Đức Chúa Trời là thánh, mà chính anh em là đền thờ” (câu 17).

Câu hỏi suy ngẫm: Một người có thể “phá hủy đền thờ của Đức Chúa Trời” bằng cách nào? Hậu quả của hành động này là gì? Tại sao hai con trai của thầy tế lễ A-rôn phải chịu hình phạt nặng nề? Bài học nhắc chúng ta điều gì?

Câu 16 cho biết đền thờ của Đức Chúa Trời chính là “anh em”, hay tất cả Cơ Đốc nhân trong Hội Thánh, nên Sứ đồ Phao-lô không phải nói đến sự phá hủy bằng sức mạnh vật lý. Nhưng theo ngữ cảnh của chương 3, chúng ta biết rằng một người có thể “phá hủy” đền thờ của Đức Chúa Trời bằng tội lỗi và bản tính xác thịt, cụ thể như làm ô uế, mất trật tự trong Hội Thánh thông qua việc giảng dạy sai trật, hành động sai trật, lời nói không gây dựng, và thái độ kiêu ngạo, dẫn đến sự phân rẽ trong Hội Thánh… “Vì đền thờ của Đức Chúa Trời là thánh, mà chính anh em là đền thờ” nên hậu quả dành cho những ai làm tổn hại đến sự thánh khiết, trật tự của đền thờ là “Đức Chúa Trời sẽ phá hủy họ”, người ấy sẽ phải nhận sự đoán phạt nghiêm khắc từ Đức Chúa Trời.

Đền thờ là thánh, có nghĩa là nơi biệt riêng để thờ phượng Đức Chúa Trời. Vì vậy, sự thánh khiết của đền thờ là điều bất khả xâm phạm. Trong lịch sử tuyển dân, không thể quên những nhân vật do khinh lờn sự thánh khiết trong đền thờ của Đức Giê-hô-va nên đã chuốc lấy những hình phạt nặng nề, kinh khiếp. Tiêu biểu như hai con trai của thầy tế lễ A-rôn là Na-đáp và A-bi-hu đã không tuân thủ quy định của Đức Chúa Trời về việc dâng của lễ, nên họ đã dâng một thứ lửa lạ không do Ngài quy định. Hành động khinh lờn ấy đã khiến hai người đón nhận hình phạt của Đức Chúa Trời đó là sự chết (Lê-vi Ký 10:1-2). Và đây cũng không phải là trường hợp duy nhất đã được Kinh Thánh ghi lại.

Trong thời kỳ ân điển, chúng ta không còn được ở trong không khí của đền thờ thời Cựu Ước với những quy định nghiêm nhặt, nhưng cũng không vì thế mà chúng ta có quyền xem thường, hoặc làm tổn hại sự thánh khiết về đền thờ của Đức Chúa Trời, cả đền thờ vật chất cũng như đền thờ thân thể chúng ta. “Đức Chúa Trời sẽ phá hủy…” nhắc nhở những tín hữu tại Cô-rinh-tô cũng như mỗi chúng ta cần phải luôn cẩn trọng trong cách sống, trong lời giảng dạy, kẻo e những sự bất cẩn trong lời nói, cách cư xử của chúng ta vô tình hoặc cố ý đã “phá hủy” đền thờ thánh của Đức Chúa Trời. Và nếu như thế, chắc chắn chúng ta sẽ phải đón nhận hình phạt thật nghiêm từ chính Ngài.

Bạn ý thức ra sao trong việc giữ gìn sự thánh khiết cho đền thờ của Đức Chúa Trời?

Kính lạy Đức Chúa Trời thánh khiết! Cảm tạ Chúa vì Lời Ngài nhắc nhở con trách nhiệm sống xứng đáng, vì Hội Thánh là đền thờ của Ngài. Xin giúp con dè giữ trong suy nghĩ, lời nói, hành vi để không làm tổn hại đến đền thánh của Chúa.

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Lê-vi Ký 19.

Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.

Mọi ý kiến đóng góp xây dựng, xin quí vị vui lòng gởi về địa chỉ: radio@httlvn.org

Bài trướcBình Thuận: Huấn Luyện Nhân Sự Truyền Giáo Các Hội Thánh Khu Vực Phía Nam
Bài tiếp theoLễ Cảm Tạ Chúa Dâng Nhà Nguyện Mới Tại Điểm Nhóm Đoàn Kết C, Tỉnh Gia Lai