Đồng Chí – 12/9/2019   

3051

 

Truyền Đạo 4:12

“Lại nếu kẻ ở một mình bị người khác thắng, thì hai người có thế chống cự nó; một sợi dây bện ba lấy làm khó đứt” (câu 12).

Câu hỏi suy ngẫm: Cơ Đốc nhân đang ở trong trận chiến thuộc linh nào? Phẩm chất cần có để đắc thắng trong trận chiến này theo câu 12a là gì? Phẩm chất ấy được thể hiện thế nào trong sự hiệp một phục vụ Chúa? Tầm quan trọng của yếu tố thứ ba trong mối liên hệ giữa hai người theo câu 12b là gì?

Có rất nhiều Cơ Đốc nhân đã sai lầm khi nhìn thấy quanh mình hình ảnh một thế giới thân thiện, tốt lành, và vui vẻ như một sân chơi, chính vì vậy họ như một lữ khách dạo chơi trên hành trình thuộc linh mà không nhận ra trận chiến thuộc linh khốc liệt mà mình phải đối diện, nơi mà “kẻ thù nghịch anh em là ma quỷ, như sư tử rống, đi rình mò chung quanh anh em, tìm kiếm người nào nó có thể nuốt được” (I Phi-e-rơ 5:8). Trong một trận chiến sinh tử, tình đồng chí vô cùng quan trọng; tại đây, tinh thần hy sinh, quên mình, liều sự sống, trung thành là những phẩm chất hàng đầu. Tất cả những phẩm chất này cũng được thể hiện rõ ràng trong ý nghĩa thuộc linh. Chúa đặt chúng ta trong Hội Thánh để lo tưởng đến nhau, hy sinh cho nhau, và bảo vệ nhau trước sự tấn công của kẻ thù.

Có rất nhiều Cơ Đốc nhân khi đối diện với sự cám dỗ và tấn công của ma quỷ thì lại chọn bỏ qua sự nhóm lại. Họ hy vọng cách hão huyền rằng rồi mọi việc sẽ tốt hơn và sau đó sẽ trở lại với mối thông công Cơ Đốc. Nhưng họ quên rằng “kẻ ở một mình bị người khác thắng”, và chính cộng đồng đức tin cùng với sự thông công giữa các thánh đồ mới giúp chúng ta “có thế chống cự nó”. Trong trận chiến thuộc linh cũng như trong sự phục vụ Chúa, chúng ta hãy là những đồng chí để hỗ trợ cho nhau qua những lời nhắc nhở, răn bảo, cùng nhau chiến đấu trong lời cầu nguyện khi kẻ thù tấn công, chia sẻ với nhau Lời Chúa như là vũ khí trong trận chiến, và cùng cứu giúp nhau qua sự thăm viếng, khích lệ khi một anh em bị thương tổn.

Trong Gióp 4:9-12a nói đến mối liên hệ giữa hai người, nhưng khi kết luận phần này trong câu 12b, trước giả lại nói đến “sợi dây bện ba lấy làm khó đứt”. Yếu tố “thứ ba” trong mối liên hệ “hai người” là gì? Đó chính là sự hiện diện của Chúa. Điều này làm cho mối liên hệ Cơ Đốc khác hơn tất cả các mối liên hệ xã hội khác. Chúng ta thuộc về Thân Thể của Đấng Christ, chúng ta cùng phục vụ vì sự vinh hiển của Đấng Christ, và chúng ta hiệp một trong chính Đấng Christ. “Hội thánh là thân thể của Đấng Christ, tức là sự đầy đủ của Đấng gồm tóm mọi sự trong mọi loài” (Ê-phê-sô 1:23).

Bạn có hiệp một trong sự phục vụ Chúa trên nền tảng là chi thể của Thân Thể Đấng Christ không?

Tạ ơn Chúa vì con được làm con cái Ngài, và là những đồng nghiệp, bạn đồng hành, đồng sàng, và đồng chí của nhau trong sự phục vụ Chúa. Xin cho con mỗi ngày kinh nghiệm càng hơn sự tốt lành của Chúa qua anh chị em cùng đức tin.

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: II Sử Ký 15.

Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.

Mọi ý kiến đóng góp xây dựng, xin quí vị vui lòng gởi về địa chỉ: radio@httlvn.org

Bài trướcCần Thơ: Hiệp Nguyện & Hội Đồng Bầu Cử Ban Đại Diện (2020-2021)
Bài tiếp theoHội Đồng Bồi Linh Tỉnh Phú Yên 2019