Đền Thờ của Đức Chúa Trời – 9/8/2019

4345

 

I Cô-rinh-tô 3:16-17

16 Anh em há chẳng biết mình là đền thờ của Đức Chúa Trời, và Thánh Linh Đức Chúa Trời ở trong anh em sao? 17 Ví có ai phá hủy đền thờ của Đức Chúa Trời, thì Đức Chúa Trời sẽ phá hủy họ; vì đền thờ của Đức Chúa Trời là thánh, mà chính anh em là đền thờ. 

Câu gốc: “Anh em há chẳng biết mình là đền thờ của Đức Chúa Trời, và Thánh Linh Đức Chúa Trời ở trong anh em sao?” (câu 16).

 Câu hỏi suy ngẫm: Sứ đồ Phao-lô dạy gì trong I Cô-rinh-tô 3:16)? Những vật dụng trong nơi thánh của đền thờ mang ý nghĩa biểu tượng gì? Chúng ta học được gì về sự hiệp một trong thờ phượng của Hội Thánh?

 Sự thờ phượng liên hệ với đền thờ. Khi di chuyển trong hoang mạc, Chúa dạy ông Môi-se thiết lập Đền tạm để thờ phượng Chúa. Sau này, Vua Sa-lô-môn xây cất Đền thờ tại Giê-ru-sa-lem theo khuôn mẫu đền tạm. Trong Tân Ước, Sứ đồ Phao-lô dạy thân thể mỗi tín hữu là đền thờ mà Đức Thánh Linh đang ngự (I Cô-rinh-tô 6:19). Trong Xuất Ê-díp-tô Ký chương 25-30 mô tả Đền Tạm, trong đó các vật dụng và cách thiết kế trong nơi thánh phản ánh các bài học thuộc linh quan trọng về sự hiệp một trong thờ phượng.

Thứ nhất, chân đèn bằng vàng ròng (thuộc về vua); có bảy ngọn (sự trọn vẹn); đốt bằng dầu ô-li-ve (tượng trưng cho Đức thánh Linh). Chân đèn biểu tượng cho Kinh Thánh, Lời trọn vẹn được Đức Thánh Linh hà hơi, soi rọi chân lý cho loài người (Thi Thiên 119:105). Lời Chúa phải được dạy dỗ trong sự thờ phượng vì Chúa phán với chúng ta qua Kinh Thánh.

Thứ hai, bàn thờ xông hương. Hương biểu tượng cho sự cầu nguyện (Khải Huyền 5:8; Thi Thiên 141:2) có sức mạnh lan đến mọi nơi. Thờ phượng Chúa không thể thiếu cầu nguyện, tôn vinh Chúa (là cầu nguyện theo nghĩa rộng). Bàn thờ xông hương luôn ở chính giữa, gần bức màn ngăn cách nơi thánh và nơi chí thánh, đối diện với nắp thi ân (Xuất Ê-díp-tô Ký 30:6) cho thấy cầu nguyện tức thưa chuyện trực tiếp với Chúa là quan trọng hàng đầu trong sinh hoạt thờ phượng. Chúa Giê-xu gọi đền thờ là “nhà cầu nguyện” (Ma-thi-ơ 21:13). Ngài lấy sự cầu nguyện làm sinh hoạt tiêu biểu cho sự thờ phượng.

Thứ ba, Bàn bánh cung hiến. Luôn có mười hai ổ bánh cung hiến (bánh thánh), dâng lên mỗi tuần vào ngày Sa-bát (Lê-vi Ký 24:5-9). Đây là biểu tượng cho sự thông công của toàn hội chúng trước sự hiện diện của Chúa, như quan tâm thăm hỏi, nâng đỡ, khích lệ, cầu thay… (Khải Huyền 3:20). Tiệc thánh cũng là một hình thức thông công trước sự hiện diện của Chúa. Chân đèn luôn luôn ở phía nam, còn bàn bánh cung hiến luôn đặt ở phía đối diện hướng bắc (Xuất Ê-díp-tô Ký 26:35), cho thấy việc giảng dạy Lời Chúa và sự thông công giữa con dân Ngài có tầm quan trọng như nhau.

Theo sự mặc khải của Kinh Thánh, cho dù bất cứ Hội Thánh lớn hay nhỏ, sự thờ phượng cần phải bao gồm việc học Lời Chúa, cầu nguyện và thông công với nhau. Khi con dân Chúa cùng hiệp nhau để dâng lên Chúa buổi thờ phượng đúng như Lời Chúa dạy, chắc chắn đó sẽ là của lễ có mùi thơm, đẹp lòng Ngài (I Cô-rinh-tô 12:4-7).

Bạn có hiệp một thờ phượng Chúa đúng như ý nghĩa của nơi thánh trong Đền thờ chưa?

 Lạy Chúa, xin dạy con biết khôn ngoan sử dụng ân tứ Chúa cho cách hữu hiệu, hợp tác cùng các con cái khác của Chúa, hiệp một thờ phượng và hầu việc Ngài cách vui mừng, làm vinh hiển Danh Ngài.

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: I Sử Ký 28.

Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.

Mọi ý kiến đóng góp xây dựng, xin quí vị vui lòng gởi về địa chỉ: radio@httlvn.org

Bài trướcSốt Sắng Thờ Phượng Chúa – 8/8/2019
Bài tiếp theoHiệp nguyện tháng 8/2019 tại Phú Yên