Đấng Đáng Tôn Thờ – 22/12/2017

1977

 

Ma-thi-ơ 2:7-12

7 Vua Hê-rốt bèn vời mấy thầy bác sĩ cách kín nhiệm, mà hỏi kỹ càng về ngôi sao đã hiện ra khi nào. 8 Rồi vua sai mấy thầy đó đến thành Bết-lê-hem, và dặn rằng: Các ngươi hãy đi, hỏi thăm cho chắc về tích con trẻ đó; khi tìm được rồi, hãy cho ta biết, đặng ta cũng đến mà thờ lạy Ngài. 9 Mấy thầy nghe vua phán xong, liền đi. Kìa, ngôi sao mà họ đã thấy bên đông phương, đi trước mặt cho đến chừng ngay trên chỗ con trẻ ở mới dừng lại. 10 Mấy thầy thấy ngôi sao, mừng rỡ quá bội. 11 Khi vào đến nhà, thấy con trẻ cùng Ma-ri, mẹ Ngài, thì sấp mình xuống mà thờ lạy Ngài; rồi bày của báu ra, dâng cho Ngài những lễ vật, là vàng, nhũ hương, và một dược. 12 Kế đó, trong giấc chiêm bao, mấy thầy được Đức Chúa Trời mách bảo đừng trở lại nơi vua Hê-rốt; nên họ đi đường khác mà về xứ mình. 

Câu gốc: “Khi vào đến nhà, thấy con trẻ cùng Ma-ri, mẹ Ngài, thì sấp mình xuống mà thờ lạy Ngài; rồi bày của báu ra, dâng cho Ngài những lễ vật, là vàng, nhũ hương, và một dược” (câu 11).

Câu hỏi suy ngẫm: Nhờ đâu mà các nhà thông thái tìm đến đúng nhà của ông bà Giô-sép Ma-ri đang trú ngụ? Khi vào đến nhà, họ thấy gì và làm gì? Tại sao các nhà thông thái chỉ thờ lạy Chúa Giê-xu và dâng lễ vật cho Ngài mà thôi? Ngày nay chúng ta áp dụng bài học này thế nào?

Các nhà thông thái được Vua Hê-rốt mời đến gặp riêng để vua hỏi rõ về thời điểm ngôi sao xuất hiện, rồi vua sai họ đi đến thành Bết-lê-hem để tìm Chúa giáng sinh. Vua còn dặn dò khi tìm được thì hãy quay trở lại cho vua biết để vua cũng đến thờ lạy Ngài. Khi các nhà thông thái rời cung điện thì ngôi sao lại xuất hiện dẫn đường họ đến tận nơi Hài Nhi ở mới dừng lại. Câu 11 cho biết “khi vào đến nhà”, chứng tỏ vào thời điểm này gia đình ông bà Giô-sép Ma-ri không còn ở nơi chuồng chiên của quán trọ nữa mà đã dời ra ở tạm trong một căn nhà nào đó tại Bết-lê-hem. Các nhà thông thái bước vào nhà thì thấy Con Trẻ cùng mẹ Ngài là bà Ma-ri (câu 11a). Có hai điểm đặc biệt ở đây, thứ nhất, trái với thông thường người ta luôn nói mẹ trước con sau, nhưng ở đây tên bà Ma-ri luôn đặt sau tên Con Trẻ (câu 11, 13, 14, 20, 21). Thứ hai, tuy các nhà thông thái vào nhà thấy hết mọi người nhưng họ chỉ “sấp mình xuống mà thờ lạy Ngài” và dâng những của lễ quý báu cho Ngài mà thôi.

Giáng sinh không thể thiếu những nhân vật chính như ông bà Giô-sép Ma-ri, các anh chăn chiên, những nhà thông thái… nhưng chính Hài Nhi Giê-xu mới là trung tâm điểm của câu chuyện Giáng Sinh. Là một em bé chào đời nơi chuồng súc vật, có một người mẹ cưu mang, có người cha nuôi dưỡng, nhưng Chúa Giê-xu là Đấng đáng tôn thờ duy nhất, bởi Ngài là Em-ma-nu-ên, Đức Chúa Trời làm người ở cùng chúng ta, và Ngài là Giê-xu, Đấng Cứu chuộc chúng ta.

Kỷ niệm Chúa Giê-xu giáng sinh ngày nay không thể thiếu những phần trang trí chuồng chiên máng cỏ, những nhân vật liên quan đến câu chuyện Giáng Sinh, những chương trình diễn lễ, những bữa tiệc thông công… Tất cả đều cần thiết để ngày lễ được trang trọng và con dân Chúa vui thỏa; nhưng điều quan trọng cần nhớ là trọng tâm của Lễ Giáng Sinh phải tập trung vào nhân vật duy nhất và sự tôn thờ phải hướng về nhân vật duy nhất là Chúa Giê-xu. Khi để một nhân vật hay một điều gì khác lên trên Chúa Giê-xu thì chúng ta đã sai lạc với mục đích của Lễ kỷ niệm Chúa Giáng sinh.

Bạn có bị những chương trình diễn lễ chi phối khiến Chúa Giê-xu trở thành thứ yếu trong Lễ Giáng sinh không?

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-xu, dù con phải bận rộn chuẩn bị cho kỳ lễ, nhưng xin Chúa cho con hướng về Ngài, thờ lạy Ngài, ca ngợi Ngài và tôn cao Ngài là trọng tâm của Lễ kỷ niệm Chúa Giáng Sinh.

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: I Ti-mô-thê 5.

Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.

Bài trướcTruyền Giảng Giáng Sinh Tại HTTL An Hoà – Kiên Giang
Bài tiếp theoLãnh Đạo Tp. Hồ Chí Minh Chúc Mừng Giáng Sinh Tổng Liên Hội