Cùng Đau Đớn, Cùng Vui Mừng – 22/10/2020

3590

 

I Cô-rinh-tô 12:21-26

 “Lại, trong các chi thể, khi có một cái nào chịu đau đớn, thì các cái khác đều cùng chịu; và khi một cái nào được tôn trọng, thì các cái khác đều cùng vui mừng” (câu 26).

Câu hỏi suy ngẫm: Sứ đồ Phao-lô dạy thế nào về việc các chi thể “đồng lo tưởng đến nhau”? Chúa Giê-xu và Sứ đồ Phao-lô đã nêu gương sống cùng đau đớn, cùng vui mừng như thế nào? Làm thế nào chúng ta có thể cùng vui mừng khi thấy chi thể khác được tôn trọng hơn mình?

Sứ đồ Phao-lô cho biết biểu hiện cụ thể của việc các chi thể đồng lo tưởng đến nhau là khi một chi thể nào trong thân chịu đau đớn, các chi thể khác cũng cùng đau, và khi một chi thể nào được tôn trọng thì sự vui mừng cũng thể hiện trong cả thân thể. Đây là biểu hiện tất yếu của mối liên hệ giữa các chi thể trong thân thể vật lý, và là điều cần thiết phải có trong mối liên hệ thuộc linh giữa các chi thể trong thân Đấng Christ, tức là mối liên hệ giữa các tín hữu trong gia đình của Đức Chúa Trời.

Chúa Giê-xu đã nêu gương về đời sống với tinh thần vui với kẻ vui, khóc với kẻ khóc: Ngài cùng đến chung vui trong đám cưới tại Ca-na (Giăng 2:1-11). Ngài cũng trải qua nhiều dặm đường và sẵn sàng đối diện với mọi chống đối để đến an ủi hai chị em Ma-thê và Ma-ri trong tang chế (Giăng 11:1-46). Sứ đồ Phao-lô đã thể hiện tinh thần vui mừng cảm tạ Chúa khi nghe các tín hữu tại Cô-lô-se đầy dẫy tình yêu thương, đức tin và sự trông cậy (Cô-lô-se 1:3-5).

Trong thực tế, cùng chia sẻ nỗi đau đớn với anh em mình, thiết nghĩ chúng ta có thể thực hiện dễ dàng, vì không ai dửng dưng trước nỗi đau của người khác. Tuy nhiên cùng vui mừng khi anh em mình được tôn trọng nhiều khi không dễ thực hiện. Chúng ta phải khách quan và chân thành nhìn nhận rằng khi bày tỏ sự tôn trọng với anh em khác trong Hội Thánh mà không phải là chúng ta, thì theo tình cảm tự nhiên, tinh thần ích kỷ của con người cũ bên trong mỗi chúng ta sẽ nổi dậy khiến chúng ta ít nhiều nảy sinh lòng ganh tị, vì vậy dễ lắm chúng ta khó cảm thấy thật lòng cùng vui với người khác khi thấy họ được tôn trọng.

Chúa muốn chúng ta cùng vui mừng khi thấy “chi thể khác được tôn trọng” vì chúng ta là chi thể của một thân, sự đau đớn hay tôn trọng của một chi thể luôn ảnh hưởng đến cả thân thể. Vì vậy, cùng đau đớn, cùng vui mừng phải là điều tất yếu khi chúng ta thật sự là chi thể trong thân. Khi sống trong mối liên hệ chi thể trong một thân thì chúng ta mới có thể cùng đau đớn, cùng vui mừng với nhau trong gia đình của Đức Chúa Trời một cách tự nhiên.

Bạn có dễ dàng cùng vui mừng khi anh em mình được tôn trọng không?

Kính lạy Đức Chúa Trời! Con tạ ơn Chúa vì lời Ngài nhắc nhở con phải có trách nhiệm lo tưởng đến nhau qua việc cùng chia sẻ đau đớn và vui mừng trong những kết quả tốt đẹp của anh chị em con. Xin giúp con nhận được năng lực từ Chúa để đắc thắng tính ích kỷ, cùng chia sẻ nỗi đau, cùng vui mừng với nhau trong gia đình Đức Chúa Trời.

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Gióp 19

Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.

Mọi ý kiến đóng góp xây dựng, xin quí vị vui lòng gởi về địa chỉ: radio@httlvn.org

Bài trướcThơ: Qua Miền Gió Chướng
Bài tiếp theoĐà Nẵng: Bổ Nhiệm Quản Nhiệm Chi Hội Tin Lành Hòa Mỹ