Chúa Giê-xu và Người Thâu Thuế – 6/2/2018

4823

 

Ma-thi-ơ 9:9-13

 9 Đức Chúa Jêsus đã đi khỏi nơi đó rồi, thấy một người tên là Ma-thi-ơ đương ngồi tại sở thâu thuế, bèn phán cùng người rằng: Hãy theo ta. Người liền đứng dậy, mà theo Ngài.
10 Vả, đương khi Đức Chúa Jêsus ngồi ăn tại nhà Ma-thi-ơ, có nhiều người thâu thuế cùng kẻ xấu nết đến ngồi ăn với Ngài và môn đồ Ngài. 11 Người Pha-ri-si thấy vậy, thì nói cùng môn đồ Ngài rằng: Làm sao thầy các ngươi ngồi ăn chung với người thâu thuế và kẻ xấu nết vậy? 12 Đức Chúa Jêsus nghe điều đó, bèn phán rằng: Chẳng phải là người khỏe mạnh cần thầy thuốc đâu, song là người có bịnh. 13 Hãy đi, và học cho biết câu nầy nghĩa là gì: Ta muốn sự thương xót, nhưng chẳng muốn của lễ. Vì ta đến đây không phải để kêu kẻ công bình, song kêu kẻ có tội. 

Câu gốc: Hãy đi, và học cho biết câu này nghĩa là gì: Ta muốn sự thương xót, nhưng chẳng muốn của lễ. Vì ta đến đây không phải để kêu kẻ công bình, song kêu kẻ có tội. (câu 13).

Câu hỏi suy ngẫm: Ông Ma-thi-ơ làm nghề gì? Lời kêu gọi của Chúa Giê-xu dành cho ông bày tỏ điều gì về tình yêu Ngài dành cho tội nhân? Ông Ma-thi-ơ đã làm gì sau khi nhận được tình yêu Chúa? Lời kêu gọi của Chúa dành cho bạn đã thay đổi cuộc đời bạn ra sao?

Câu 9 cho biết Chúa Giê-xu vừa ra khỏi một nơi mà ở đó có những thầy thông giáo – người đại diện cho tầng lớp đạo đức cao và được kính trọng trong xã hội (câu 3-7). Tại đó, không hề có một lời kêu gọi nào dành cho họ, nhưng khi Chúa Giê-xu gặp một người thâu thuế tên là Ma-thi-ơ, thì Ngài lại kêu gọi “Hãy theo Ta”, nghĩa là “Hãy trở nên một môn đồ của Ta!” Lời kêu gọi này thật lạ lùng vì thời bấy giờ những người thâu thuế bị xã hội khinh chê. Họ bị cấm vào nhà hội, không được tiếp xúc với cộng đồng Do Thái trong bất cứ hoạt động tôn giáo và xã hội nào. Họ bị kể ngang hàng với những kẻ trộm cướp và giết người. Chính Chúa Giê-xu cũng biết xã hội xem người thâu thuế là “người có bịnh” (câu 12), “kẻ có tội” (câu 13b). Tại đây, Chúa đã bày tỏ tình yêu của Ngài với con người tội lỗi. Chúa đã đến không phải để lấy một điều gì đó từ con người nhưng là để khiến cho họ từ “người có bịnh” trở nên “người khỏe mạnh”, từ “kẻ có tội” trở nên “kẻ công bình”.

Sự dạy dỗ của Chúa Giê-xu không chỉ là lý thuyết, nhưng thật sự đã có một kết quả để minh chứng cho việc một người được biến đổi không phải nhờ “của lễ”, nghĩa là những hình thức tôn giáo thiếu tình yêu, nhưng là nhờ “sự thương xót”. Có sự chuyển biến rõ rệt giữa câu 9 và 10. Trong câu 9, sự việc diễn ra tại “sở thâu thuế”, nhưng trong câu 10 Chúa Giê-xu đã vào nhà của ông Ma-thi-ơ. Đặc biệt hơn, khách mời ngày hôm đó ngoài Chúa và các môn đồ còn có “nhiều người thâu thuế cùng kẻ xấu nết” nữa. Rõ ràng ông Ma-thi-ơ muốn công khai đức tin của mình và muốn giới thiệu Chúa Giê-xu với các bạn. Bạn bè của ông Ma-thi-ơ là “người thâu thuế”, những người bị xã hội ruồng bỏ; và “kẻ xấu nết”, cũng bị giới lãnh đạo tôn giáo ruồng bỏ. Chúa Giê-xu đã mở vòng tay đón ông Ma-thi-ơ, một người bị từ chối, và đến lượt ông Ma-thi-ơ mở cửa nhà để đón những người bị từ chối khác. Trước đây, ông Ma-thi-ơ đến với bạn bè hư xấu, bây giờ ông đem bạn bè đến với tình yêu của Chúa Giê-xu.

Còn chúng ta thì sao? Chúng ta đã kinh nghiệm tình yêu của Chúa Giê-xu cho riêng mình, nhưng chúng ta đang bày tỏ tình yêu đó cho những người “xấu nết” và bị từ chối như thế nào?

Bạn đã nhận được lời kêu gọi nào từ Chúa Giê-xu?

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con thật hiểu thấu và nhận được tình yêu Ngài dành cho con. Xin dạy con bày tỏ lòng biết ơn Chúa không bằng “của lễ” nhưng bằng “sự thương xót” người khác.

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Sáng Thế Ký 37.

Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.

Bài trướcNăm Mới, Linh Trình Mới
Bài tiếp theoNăm Mới – Linh Trình Mới