Chết Có Phải Kết Thúc Mọi Sự? – 23/5/2018

3199

 

Giê-rê-mi 8:1-3

1“Lúc ấy,” CHÚA phán, “người ta sẽ lấy hài cốt của các vua Giu-đa, hài cốt của các quan nó, hài cốt của các tư tế nó, hài cốt của các tiên tri nó, và hài cốt của dân cư Giê-ru-sa-lem ra khỏi các phần mộ của chúng, 2rồi chúng sẽ bị đem phơi dưới mặt trời, mặt trăng, và tất cả các tinh tú trên trời, là những thứ chúng đã yêu mến, chúng đã phục vụ, chúng đã đi theo, chúng đã cầu vấn, và chúng đã phụng thờ. Hài cốt của chúng sẽ không được gom lại và không được chôn cất, nhưng sẽ như phân trên mặt đất. 3Bấy giờ tất cả những kẻ còn sót lại của dân tộc xấu xa tội lỗi ấy đều ước ao rằng thà chết còn hơn là sống ở những nơi Ta xua đuổi chúng đến,” CHÚA các đạo quân phán vậy.

“Bởi vì chúng ta thảy đều phải ứng hầu trước tòa án Đấng Christ, hầu cho mỗi người nhận lãnh tùy theo điều thiện hay điều ác mình đã làm lúc còn trong xác thịt” (II Cô-rinh-tô 5:10).

Câu hỏi suy ngẫm: Hình phạt mô tả trong câu 1-2 thực sự dành cho đối tượng nào? Điều này có ý nghĩa như thế nào đối với dân Giu-đa, là những người đang sống? Tại sao họ lại “cầu chết hơn là sống”? Bài học cảnh tỉnh chúng ta điều gì?

Hình phạt được miêu tả trong câu 1-2 không phải chỉ dành cho những đối tượng đã chết. Bởi vì xét trên một phương diện, khi những đối tượng này đã qua đời thì thể xác của họ không còn sự cảm biết. Chính vì thế, việc mồ mả họ có bị đào bới hay xương cốt của họ bị phơi vương vãi khắp nơi, cũng không là điều làm họ tổn thương. Song chính những người còn sống đang bị lưu đày khắp nơi, phải chứng kiến cảnh mồ mả, xương cốt của tổ tiên mình bị xâm phạm thực sự là một cảnh tượng hết sức đau lòng và nhục nhã. Tiên tri Giê-rê-mi cho biết rằng họ phải trải qua nỗi sầu thảm lớn nên họ buồn khổ, đau đớn đến nỗi họ nghĩ rằng chỉ có sự chết mới có thể giải thoát họ khỏi cảm giác kinh khiếp này. Vì thế “chúng nó sẽ cầu chết hơn là sống…” (câu 3).

Không chỉ riêng dân Giu-đa nhưng hầu hết các dân tộc trên thế giới nói chung đều dành một sự ưu ái và tôn trọng nhất định đối với người đã khuất. Theo quan niệm của con người, khi một người đã qua đời thì mọi sự sai phạm liên quan đến họ đều có thể được tha thứ, bỏ qua, để người đã khuất được yên nghỉ, thanh thản. Nhưng trong thực tế, một người chết không có nghĩa là kết thúc mọi sự. Đức Chúa Trời đã ban cho họ cơ hội ăn năn khi còn sống song họ đã cứng lòng và khước từ, khi họ chết đi thì linh hồn họ phải nhận lấy hậu quả từ những điều họ đã sai phạm ấy. Cụ thể là việc họ đã “yêu mến, hầu việc, bước theo, tìm cầu, và thờ lạy” những thần tượng giả dối. Điều chúng ta lưu ý là sự đoán phạt của Chúa không tùy thuộc địa vị, thành phần. Từ dân chúng, quan chức, lãnh đạo đất nước kể cả lãnh đạo tôn giáo, bất cứ ai cứng lòng không ăn năn đều phải gánh lấy hậu quả do tội lỗi mà mình đã vi phạm (câu 1).

Đây thực sự là một điều cảnh tỉnh thật sâu sắc, mạnh mẽ cho những người đang sống, đang có cơ hội để xem xét lại niềm tin của mình. Chết không có nghĩa là kết thúc mọi sự nhưng là bắt đầu cho một giai đoạn mới đời đời. Phước hạnh hay đoán phạt tùy thuộc vào thái độ đối với Chúa Giê-xu của mỗi người lúc còn sống trong xác thịt.

Có bao giờ bạn khước từ cơ hội ăn năn mà Đức Chúa Trời đem đến cho bạn không?

Kính lạy Đức Chúa Trời! Cảm tạ ơn Ngài đã đoái thương, ban cho con sự khôn ngoan để nhìn biết Đấng Thánh và thờ phượng. Xin dùng hình ảnh về sự đoán phạt trong ngày cuối cùng để cảnh tỉnh và nhắc nhở con luôn yêu mến, thờ phượng Chúa cách thành tâm, trung tín.

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Lê-vi Ký 16.

Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.

Mọi ý kiến đóng góp xây dựng, xin quí vị vui lòng gởi về địa chỉ: radio@httlvn.org

Bài trướcThông Báo & Thư Mời Dự Lễ Cảm Tạ 90 Năm Thành Lập HTTL Tiên Thủy
Bài tiếp theo07 Tân Mục Sư Được Tấn Phong Tại Nhà Thờ Đà Nẵng