HTTLVN.ORG – Mất đi người mình yêu là một trong những trải nghiệm đau đớn nhất của cuộc đời. Khi người mà chúng ta quan tâm gặp phải sự mất mát như vậy, đôi khi chúng ta cảm thấy bực bội, khó chịu vì không biết làm sao để an ủi họ. Nhiều khi chúng ta không làm gì vì sợ những lời mình nói ra sẽ khiến họ buồn hơn. Nhưng hầu hết những ai có trải nghiệm mất mát người thân đều cảm thấy được an ủi và biết ơn về những chia sẻ, động viên của mọi người.
Thông thường, lời chia buồn tốt nhất chỉ đơn giản là ở bên cạnh họ. Nhiều khi chúng ta cảm thấy cần phải xóa bỏ nỗi đau của người đang chịu tổn thương, nhưng đây là kỳ vọng sai lầm và có thể gây hại nhiều hơn. Những lời an ủi vô vị, sáo rỗng không thể giúp gì được và mà đôi khi buộc người đang đau buồn phải giả vờ rằng họ tốt hơn vì đã nghe những lời đó. Nếu bạn thấy mình cần phải nói lời chia buồn, chỉ cần nói rằng bạn rất lấy làm tiếc về sự mất mát của họ, hoặc rằng bạn đang cầu nguyện cho họ. Chỉ cần những lời như vậy là đủ.
Khía cạnh quan trọng nhất chúng ta cần nhớ là đau buồn là cảm xúc tự nhiên và lành mạnh. Chúng ta không thể phục hồi một cách hoàn toàn sau sự mất mát đau thương nếu không cho phép bản thân trải qua quá trình đau buồn. Đức Chúa Trời đã trang bị cho tấm lòng những cơ chế để giúp chúng ta đối diện với những mất mát thay đổi trong cuộc sống từng chút một. Bạn bè của người đang đau buồn cần nhớ rằng việc làm của chúng ta không phải là cắt ngắn quá trình đó. Sự trợ giúp tốt nhất là cho phép người đau buồn tự do bày tỏ nỗi đau theo cách họ muốn, cho dù bằng lời nói, tiếng khóc, im lặng hay thậm chí tức giận. Hãy biết rằng một người bạn đáng tin cậy là người sẽ ở đó và lắng nghe bất cứ điều gì người đau buồn chia sẻ. Việc làm đó giúp họ được an ủi. Trở thành người biết lắng nghe thường là món quà tốt nhất mà chúng ta có thể dành cho những người cần nói chuyện.
Lời chia buồn tốt nhất chỉ đơn giản là ở bên cạnh họ
Có hai cách tiếp cận mà Cơ Đốc nhân có thể làm để an ủi những người đã mất đi người thân. Nếu chúng ta biết người đã khuất là tín hữu, thì hãy chọn thời điểm thích hợp để chia sẻ các câu Kinh Thánh nhắc nhở những người ở lại rằng cái chết chỉ là sự thay đổi về chỗ ở chứ không phải là sự kết thúc. Chẳng hạn như Thi Thiên 34: 16–19; Thi Thiên 147: 3; I Tê-sa-lô-ni-ca 4: 13–18; và II Cô-rinh-tô 5: 8.
Đối với những người ngoại, Cơ Đốc nhân vẫn có thể là người bạn và người lắng nghe đáng tin cậy. Chúng ta có thể chia sẻ với người đau buồn về các giai đoạn khác nhau mà họ có thể phải trải qua trong quá trình đau buồn. Mặc dù nỗi đau của mỗi người sẽ khác nhau, nhưng sau đây là một số giai đoạn phổ biến mà chúng ta phải trải qua khi đối diện với cái chết của người quan trọng trong cuộc đời mình:
- Cú sốc ban đầu – bao gồm các biểu hiện phủ nhận và tức giận vì tâm trí không thể chấp nhận tất cả cùng một lúc những gì đã xảy ra.
- Sự tê liệt – Đây là món quà Chúa ban cho chúng ta khi học cách đối diện với sự mất mát mỗi lúc một chút.
- Đấu tranh giữa tưởng tượng và thực tế – Giai đoạn này chúng ta nghĩ rằng mình nghe thấy giọng nói của người đã mất, thoáng nhìn thấy họ trong một chiếc xe đang chạy qua hoặc với lấy điện thoại để gọi cho họ.
- Sự đau buồn tuôn tràn – Thường đến bởi một điều gì đó nhỏ nhặt, vài tháng hoặc vài năm sau khi người thân qua đời, sự đau buồn có thể tuôn tràn khiến chúng ta đối diện sự mất mát một lần nữa. Chúng ta tan vỡ trong vô vàn nước mắt và sự thương tiếc ngay khi chúng ta nghĩ rằng chúng ta đã vượt qua nỗi đau đó.
- Ký ức đeo bám – Ngay khi chúng ta nghĩ rằng chúng ta đã vượt qua nỗi đau này, thì một người nào đó không biết sẽ hỏi thăm người đã mất đang thế nào. Một ngày kỷ niệm hay một cột mốc quan trọng khác trôi qua mà không có người thân yêu bên cạnh. Những kỉ niệm tuy đau thương nhưng cần thiết. Nói về những kỷ niệm với những giọt nước mắt là lành mạnh và là một phần để bước tiếp.
- Phục hồi – Một “bình thường mới” xuất hiện, khi chúng ta bắt đầu tin rằng cuộc sống sẽ tiếp diễn và sẽ có ngày chúng ta không đau buồn như thế nữa.
Những giai đoạn này thường được lặp lại theo chu kỳ cho đến khi tấm lòng được chữa lành và tiếp tục cuộc sống. Với người chưa từng trải qua đau buồn trước đây, thì thật đáng lo ngại khi đối diện với nỗi đau tột cùng, vì vậy khi chia sẻ những giai đoạn họ có thể trải qua khi mất người thân có thể giúp họ biết rằng cảm xúc đó là bình thường và sẽ không kéo dài mãi mãi. Năm đầu tiên sau sự mất mát chứa đầy những giai đoạn này, và không có giới hạn thời gian nhất định cho sự đau buồn. Mục đích là để chấp nhận được sự đau buồn và sau đó vượt qua nó. Đau buồn chỉ có sức hủy diệt khi chúng ta mắc kẹt ở đó và không chịu để Chúa chữa lành tấm lòng mình.
Nhiều khi cái chết mang đến những câu hỏi về cõi vĩnh hằng. Nếu người đang đau buồn bắt đầu cuộc trò chuyện như vậy, Cơ Đốc nhân nên tận dụng cơ hội để chia sẻ Phúc Âm. Tuy nhiên, chúng ta nên tránh suy đoán về điểm đến của người đã ra đi, vì chỉ có Đức Chúa Trời mới biết linh hồn của bất kỳ người nào sẽ đi về đâu. Thay vào đó, hãy tập trung vào tin tốt lành mà Chúa Giê-xu dành cho người sống. Có rất nhiều lời chứng về những người đã bằng lòng tin nhận Chúa sau cái chết của người thân yêu, khi họ suy nghĩ về cái chết của chính mình. Cơ Đốc nhân nên nhạy bén với hoàn cảnh và sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh để mang lại hy vọng và sự an ủi cho những người đang đau buồn.
Hồng Nhung dịch
(Theo GotQuestion)