Bình An Và Hy Vọng Giữa Đại Dịch Covid-19

3582

HTTLVN.ORG – Có lẽ phần lớn nhiều người trong chúng ta đang cảm thấy bối rối, lo sợ, và bất an vì không biết ngày mai sẽ ra sao, đặc biệt điều này được thấy rõ khi chúng ta đang đối diện với đại dịch Covid-19 đang hoành hành trên toàn cầu trong vài năm qua. Xã hội chúng ta luôn tìm mọi cách để ngăn chặn nó, nhưng rồi cũng chỉ biết khích lệ nhau bằng hai từ “cố gắng”, vì chẳng ai có thể đảm bảo dịch bệnh có thể được chặn đứng hoàn toàn và mình được miễn nhiễm khỏi vi rút Corona. Đại dịch này đang buộc tất cả chúng ta phải nhìn thẳng vào sự giới hạn của chính mình và sự mong manh của đời người khi chúng ta chứng kiến những gì đang xảy ra với các doanh nghiệp đột ngột đóng cửa, nhiều người chết hoặc bị choáng ngợp bởi nỗi sợ hãi về tương lai sẽ như thế nào. Vậy trong những lúc chúng ta cảm thấy mất kiểm soát và lo sợ dường như lấn át ta, ta sẽ làm gì để nhận lấy bình an, hy vọng, niềm vui và sự bảo đảm?

  1. Tin cậy nơi Chúa

Kinh Thánh cho chúng ta biết bình an và hy vọng thật sự chỉ có thể được tìm thấy nơi Đức Chúa Trời vì Ngài “là nơi nương náu và sức lực của chúng ta, Ngài sẵn giúp đỡ trong cơn gian truân...” (Thi Thiên 46:1-2). Ngài không thờ ơ với những gì chúng ta đang phải đối diện trong cuộc sống. Ngài biết mỗi người chúng ta một cách cá nhân, Ngài quan tâm đến từng người, và không có gì nằm ngoài tầm kiểm soát của Ngài. Những lo sợ về dịch bệnh chỉ có thể là hiện tại và Ngài hứa ban cho chúng ta những điều tốt đẹp nhất đang chờ đợi chúng ta trong cõi đời đời. Một nơi bình an, nơi mà mất mát và đau buồn sẽ không còn nữa. Cái chết sẽ không còn ngự trị. Đây là một sự đảm bảo chắc chắn.

Sự đảm bảo mà Ngài ban cho bạn và tôi qua chính Con Ngài, Chúa Giê-xu, Đấng đã bước đi giữa chúng ta và kinh nghiệm tất cả những gì chúng ta đã trải qua và sẽ trải qua. Qua Chúa Giê-xu, chúng ta có một niềm hy vọng vượt ra khỏi sự ngắn ngủi của đời mình. Và nếu chúng ta đã cảm nghiệm được sự tha thứ mà Chúa Giê-xu ban tặng, chúng ta có thể nhìn về tương lai với một niềm vui và bình an nhất cho dù hoàn cảnh hiện tại có ra sao.

Nhưng bình an và hy vọng thật không có nghĩa là chúng ta cố gắng vượt qua những thử thách, lo sợ bằng cách nghiến răng; không có nghĩa là bỏ qua rủi ro hoặc tránh nghĩ về tình huống xấu nhất; cũng không phải là nói, “Ồ, mọi thứ sẽ ổn thôi.” Bình an không có nghĩa là bạn không cần thực hiện các biện pháp phòng tránh thích hợp cho sự an toàn của chính mình và sức khỏe của những người khác. Chúng ta vẫn cần phải có trách nhiệm tuân theo hướng dẫn của chính quyền và các chuyên gia y tế. Nhưng bình an thật là thừa nhận rằng cho dù hoàn cảnh có tồi tệ và có thể trở nên tồi tệ hơn, thì chúng ta vẫn được bình an và hy vọng ở giữa những hoàn cảnh đó qua sự tin cậy vào Chúa, Đấng của sự bình an và hy vọng, để chúng ta sống mà không sợ hãi (Phục Truyền 31:8).

  1. Tìm kiếm Chúa

Trong thế giới vô định con người ta thường tìm kiếm điều gì đó chắc chắn để bám víu. Tại nước Ý, cách mà mọi người đang cố gắng để đối phó với nỗi lo sợ và bất an vì bệnh dịch là truyền tai nhau cụm từ Tutto andrà Bene, có nghĩa là “Mọi thứ sẽ ổn thôi.” Đây như một thông điệp nhằm xua tan những lo lắng và sợ hãi, đem lại sự bình an và hy vọng rằng mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp khi họ đặt niềm tin vào lời hứa của y học khi mọi người trên thế giới đều được tiêm vắc-xin. Tất nhiên, chúng ta vô cùng biết ơn sự giúp đỡ của các y bác sĩ và sẵn sàng đón nhận những liệu pháp của cơ quan chuyên môn. Tuy nhiên, ngay cả khi có đầy đủ tất cả những điều ấy thì cũng không ai đảm bảo mình sẽ được an toàn 100%.

Đối với Cơ Đốc nhân, sự an ninh duy nhất, niềm hy vọng không chuyển lay của chúng ta là chính Chúa, Đấng không bao giờ thay đổi. Sự sống đích thực của chúng ta là được gắn kết trong mối liên hệ với Ngài, để sự bình an và niềm vui của Ngài tràn dâng trong cuộc đời mình.

Vì vậy, trong những ngày này khi những tin tức nóng hổi về đại dịch làm rung chuyển chúng ta, xin mỗi người hãy hướng về “Đức Chúa Giê-xu Christ hôm qua, ngày nay, và cho đến đời đời không hề thay đổi” (Hê-bơ-rơ 13:8). Cuộc sống của chúng ta được neo giữ trong tay của Đấng Toàn năng (Hê-bơ-rơ 6:19–20). Chúng ta “có phần trong một nước không hay rúng động” (Hê-bơ-rơ 12:28). Tất cả những điều này giúp chúng ta bình an khi đối mặt với những mối đe dọa của cuộc sống hiện tại hầu cho chúng ta có thể dang rộng tay đến với những người đang cần giúp đỡ với lòng trắc ẩn (Hê-bơ-rơ 10:32–35; 13: 1–3).

Trong khi đại dịch Covid-19 khiến cho cuộc sống của chúng ta thay đổi đáng kể, hãy biến nó thành cơ hội để có thể ngồi xuống, giống như Ma-ry, như một môn đồ dưới chân Chúa, lắng nghe Lời của Ngài. Đây là điều mà chúng ta thực sự cần nhất trong thời điểm này (Lu-ca 10:38-42).

  1. Trao gánh nặng cho Chúa

Đang khi chúng ta là những người đã cảm nghiệm được tình yêu của Đức Chúa Trời qua Con Ngài, và nhận được sự bình an, hy vọng qua lời hứa từ Ngài trong sự tin cậy trọn vẹn và tìm kiếm Chúa hết lòng. Xin Chúa giúp chúng ta cũng hãy trao hết gánh nặng của mình cho Ngài để cuộc sống chúng ta không cứ chìm trong âu lo, sợ hãi (Ma-thi-ơ 11:28-30). Gánh nặng của chúng ta có thể là về con cái, nghề nghiệp, sức khỏe, tài chánh, những mối quan hệ bị đổ vỡ, bệnh tật, những âu lo về sự sống của bản thân và gia đình mình. Với những gánh nặng này Chúa bảo: “Hãy đến cùng Ta”, mang luôn cả gánh nặng đó đến với Chúa, chứ đừng đến tay không. Còn gì an ủi hơn khi chúng ta mang một gánh nặng mà có ai đó đến trợ giúp và gánh thay để chúng ta có thể đi tiếp.

Trao gánh nặng cho Chúa không phải là buông bỏ mọi thứ mà là bước đi trong sự vâng lời, tin cậy và kiên nhẫn chờ đợi Ngài. Đời sống trao gánh nặng cho Chúa còn có thể bày tỏ qua khát vọng tôn cao Chúa trong nếp sống mỗi ngày của chúng ta trong sự yêu thương, phục vụ, giúp đỡ người khác ngay trong cơn đại dịch. Như Phao-lô trong khi chờ đợi sự xét xử của vị hoàng đế, ông đã bình tĩnh nói rằng, “Vì Đấng Christ là sự sống của tôi, và sự chết là điều ích lợi cho tôi vậy” (Phi-líp 1:21). Bất cứ điều gì ở phía trước, Phao-lô vẫn có thể “nói cách tự do mọi bề, như vậy, dầu tôi sống hay chết, Đấng Christ sẽ được cả sáng trong mình tôi” (Phi-líp 1:20).

Thật vậy, chúng ta không thể lường trước được những điều sẽ xảy ra trong tương lai về sức khỏe, việc làm, việc học, thậm chí việc thờ phượng Chúa tại Hội Thánh hàng tuần. Nhưng ân điển không thể xóa nhòa của Đức Chúa Trời sẽ giúp tâm hồn chúng ta thoát khỏi sự bận tâm và lo sợ để niềm mong đợi của Phao-lô trở thành niềm mong đợi của chúng ta đó là được nhìn thấy Chúa được tôn cao trong cuộc đời chúng ta trên đất.

Sự bình an và hy vọng mà chúng ta nhận được từ Chúa không chỉ dừng lại ở sự cảm nhận và tôn cao Chúa bên trong lòng chúng ta, nhưng nó cần được thể hiện ra khi mỗi chúng ta biết nắm lấy cơ hội và bày tỏ ra cho những người xung quanh mình. Chúng ta chỉ có thể chứng minh cho thế giới biết sự bình an và niềm hy vọng thật nơi Chúa khi chúng ta bám chặt vào sự thành tín của Chúa và cùng hát lên bài thánh ca “Sự Thành Tín Chúa Rất Lớn” đang khi chúng ta không biết điều gì sắp xảy ra và áp lực cuộc sống đang đè nặng lên mỗi người chúng ta. Như Giê-rê-mi ở giữa nơi hoang tàn và tuyệt vọng, vẫn tuyên bố rằng tình yêu bền vững của Chúa không bao giờ vơi cạn, lòng nhân từ của Ngài không bao giờ dứt, và sự thành tín Ngài lớn biết bao (Ca Thương 3:22-23). Đây cũng là lúc chúng ta sống theo Phúc Âm mà chúng ta đã rao truyền để mọi người có thể hiểu rằng chúng ta đang sống và tin cậy nơi Chúa khi họ nhìn thấy mối liên hệ giữa Phúc Âm mà chúng ta có thể đã nói với họ và cách chúng ta hiện đang sống, hầu cho chúng ta không phải là loại ánh sáng nhấp nháy lúc ẩn lúc hiện nhưng là ánh sáng chiếu rọi liên tục trong mọi lúc, mọi nơi.

Giữa những thách thức của cuộc sống hiện tại, xin Chúa giúp mỗi người chúng ta sống mỗi ngày với lòng tin cậy trọn vẹn, tìm kiếm Chúa hết lòng, và trao mọi gánh nặng đời mình trong bàn tay toàn năng của Cha Thiên thượng để kinh nghiệm sự bình an, hy vọng và để tiếp tục hành trình về thiên quốc.

 

Hannah Lê

Bài trướcThư Ngỏ Hội Thánh Tin Lành Ia Rmok (Gia Lai)
Bài tiếp theoTP. HCM: Bổ Nhiệm Quản Nhiệm Hội Thánh Hiệp Phú