Bài thứ 38: Những Gì Tình Yêu Không Làm

780

 

 

Tình yêu không khiếm nhã, không vị kỷ, không nhạy giận, không chấp trách.

1 Cô-rinh-tô 13:5 (BDY).

 

 

    Bản Kinh Thánh Truyền Thống câu này được dịch là: chẳng làm điều trái phép, chẳng kiếm tư lợi, chẳng nóng giận, chẳng nghi ngờ sự dữ.

 

    Bản Truyền Thống Hiệu đính sửa lại là: không cư xử trái lẽ, không kiếm tư lợi, không nhạy giận, không nuôi dưỡng điều dữ,

 

    Bốn phản ứng tiêu cực được dạy trong câu này  khác hẳn với cách ứng xử của trần gian để khiến tình yêu thực sự là một đức tính. Đây không phải là những điều răn dạy người khác, nhưng chính là để trắc nghiệm xem thái độ của chính mình có phải là của một người áp dụng tình yêu của Chúa vào đời hay không. Tưởng tượng, nếu hai người yêu nhau mà đối xử với nhau khiếm nhã, vị kỷ, nhạy giận và chấp trách thì bao lâu tình yêu sẽ tan vỡ? Chắc chắn là các thái độ này phải loại bỏ trước khi nói yêu nhau. Nhưng nhiều khi người ta có các thái độ này đối với người mà mình gặp gỡ mỗi ngày. Dĩ nhiên sẽ tạo nên những bất hòa và khó sửa chữa.

 

    Tình yêu chân chính mang tính chất tôn trọng người khác và đối xử với người như mình muốn người ta đối xử với mình. Nghĩa là không làm cho người khác cảm thấy nhục nhã, xấu hổ hay bị xúc phạm. Người tin Chúa phải biết kiềm chế tính khí của mình trong lúc bình thường cũng như trong khi đùa dỡn, sao cho lúc nào thánh tính cũng được bảo vệ.

 

    Không vị kỷ có nghĩa là nhường cho bạn phần tốt hơn, và coi bạn quý trọng hơn mình. Trong đời thường, ta phải bớt lại phần của mình để chỗ cho người khác có thể sống. Hòa khí được duy trì khi những người bạn đối xử với nhau như vậy.

 

    Nhạy giận không phải là một tính khí, nhưng là cách ứng xử.  Người nhạy giận là người nhiều tự ái và thường ích kỷ. Khi đã không khiếm nhã, không vị kỷ thì chắc chắn cũng không dễ bị mất lòng. Phao-lô không cấm người tin Chúa nổi giận, nhưng dễ giận là điều nên tránh. Nó khác đi, thay vì nhạy giận hay dễ giận, thì con cái Chúa nên sẵn lòng tha thứ. Chúa đã tha thứ cho chúng ta rất nhiều, vì vậy tha thứ cho người khác chính là biết ơn Chúa. Nhiều người không làm bốn điều cần tránh kể trên, nhưng không quên những gì người khác làm cho mình khó chịu và tìm cách ứng phó.  Đó cũng không phải thái độ Phao-lô dạy trong  1 Cô-rinh-tô 13. Tình yêu sẵn lòng tha thứ nhưng cũng nhờ ơn Chúa quên đi những gì làm cho mình khó chịu nữa.

 


Bài trướcKhóa Học “Người Nữ Trong Nhà Chúa” Lần Thứ 3 tại Kiên Giang.
Bài tiếp theoChương Trình Hiệp Nguyện Đầu Năm 2012 Tại HT Nam Ô – TP. Đà Nẵng.