Ban đầu có Ngôi Lời, Ngôi lời ở với Đức Chúa Trời, và Ngôi Lời là Đức Chúa Trời.
Giăng 1:1.
Hôm nay trong mùa Giáng Sinh, mời quý vị tìm hiểu về Ngôi Lời hay Lời. Bản Kinh Thánh Tân Ước nhuận chánh của các cố Mục Sư Ông văn Huyên và Giáo sư John Drange Olsen dịch Ngôi Lời là Đạo. Đây là một từ rất thích hợp, vì đọc lên ta có ngay ý nghĩa của từ logos là nguyên văn của từ Ngôi Lời.
Bản Kinh Thánh Hiện Đại của cố Mục sư Lê Hoàng Phu thay từ Đạo bằng từ Chúa Cứu Thế, vì Ngôi Lời chính là Chúa Cứu Thế.
Phúc âm Giăng đã nói về Chúa Cứu Thế như thế nào?
Trong câu mở đầu, tác giả Giăng nói đến ba điều về Chúa Cứu Thế:
1. Ban đầu có Chúa Cứu Thế.
Câu này trong nguyên văn có thể dịch là: Khi khởi nguyên bắt đầu, Chúa Cứu Thế đã có rồi. Nghĩa là Chúa Cứu Thế không có khởi nguyên, vì Ngài là Đấng Vĩnh Hằng. Câu Kinh Thánh này nên dịch là: Ban đầu đã có Chúa Cứu Thế. Ban đầu đây chính là ban đầu của vũ trụ vạn vật.
2. Chúa Cứu Thế ở cùng Đức Chúa Trời.
Câu này trong nguyên văn có thể dịch là: Chúa Cứu Thế mặt đối mặt với Đức Chúa Trời. Nghĩa là Chúa Cứu Thế tồn tại cùng với Đức Chúa Trời.
3. Chúa Cứu Thế là Đức Chúa Trời.
Nguyên văn câu này là: Đức Chúa Trời là Chúa Cứu Thế. Câu này cho ta biết Chúa Cứu Thế không phải là một vị thần nào khác nhưng chính là Đức Chúa Trời. Đây là một huyền nhiệm trong Đức Chúa Trời mà trí óc con người không quan niệm được.
Trong mùa Giáng Sinh, chúng ta nên nhớ rằng Chúa Giê-xu là hiện thân của Đức Chúa Trời, đã vào đời ở với nhân loại, ứng nghiệm lời tiên tri về Em-ma-nu-ên, nghĩa là Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta. Đây là điều người tin Chúa cần nắm vững để không bao giờ so sánh Chúa Giê-xu với bất cứ ai trong đời.