Bài thứ 228: Những Phước Lành

1003

Phước cho những người nghèo khó tâm linh, vì vương quốc thiên đàng thuộc về họ.  

Ma-thi-ơ 5:3.

Thứ tự của tám phước lành có ảnh hưởng đến nhau trước và sau.  Nghèo khó trong tâm linh là đặc tính căn bản của người tin Chúa Giê-xu và công dân của nước trời.  Các đặc tính khác, theo một cách hiểu, đều là kết quả của đặc tính này.  Đặc tính này là dốc đổ, là trống rỗng, trong khi các đặc tính kia là làm đầy.

Không thể nào làm đầy trước khi dốc đổ cho trống rỗng đã.  Ta không thể nào đổ đầy rượu mới vào một bình đang còn đầy rượu cũ, cho đến khi nào tất cả rượu cũ được đổ ra hết.

Nghèo khó trong câu này không liên quan gì đến thiếu thốn về vật chất hay bất an về tài chính.  Nghèo khó trong tâm linh mô tả một tâm linh hối hận hạ mình, xác nhận trước Chúa là mình đã hoàn toàn bị phá sản về tâm linh.  Những người nhận rõ tình trạng tâm linh mình như thế và bằng lòng đến với Chúa, thì phước hạnh dành cho họ là cả Nước Trời hạnh phúc.

Điều mà Chúa Giê-xu quan tâm là tâm linh: nghèo khó trong tâm linh.  Nói khác đi, đây là thái độ đối với chính mình.  Đó mới là điểm quan trọng chứ không phải là người ấy nghèo hay giàu.  Đây là dẫn chứng điển hình nhất về một trong những nguyên tắc tổng quát liên quan đến sự khác biệt chính giữa người đời và người tin Chúa.  Chúng ta thấy có một cách biệt rõ giữa hai thế giới hay là hai nước:  nước Chúa và trần gian, người của Chúa và người đời.  Không có câu nào phân biệt rõ hơn là câu: Phước cho những kẻ nghèo khó trong tâm linh.

Quan niệm này trần gian không chấp nhận, vì người đời nhấn mạnh vào tự lực, tự tin và tự biểu hiện.  Muốn tiến thân trong đời thì phải tin ở mình, đó chính là quan niệm khống chế đời người hiện nay.  Hay nói đúng hơn, ngừơi ta muốn  khống chế toàn bộ cuộc đời bên ngoài sứ điệp Phúc âm.

Trong phước lành thứ nhất Chúa dạy, ta thấy hoàn toàn tương phản.  Thái độ phải có là hãy coi mình như không là gì cả.

Nghèo khó trong tâm linh không có nghĩa là chúng ta phải khác đời hay là tỏ vẻ bối rối, lúng túng, cũng không phải là yếu đuối hoặc thiếu can đảm.  Có những người lầm thái độ nghèo khó trong tâm linh với khiêm nhường, hạ mình quá mức đến độ trở thành khiếp nhược, lúc nào cũng từ chối và đứng lùi lại phía sau mọi người, không dám nói dám làm gì cả.

Ta cũng nên nhớ rằng nghèo khó trong tâm linh không phải bẩm sinh nhưng là một thái độ.

Một phương diện khác nghèo khó trong tâm linh không phải là một điều để ta kiêu hãnh là người thiêng liêng đạo đức và rất khiêm tốn hạ mình, cũng không phải là tỏ ra mình lúc nào cũng chỉ chú trọng về tâm linh mà quên cả vật chất, y phục, diện mạo bên ngoài.  Tất nhiên, nếu chỉ là một thái độ thì không ai có thể nhìn thấy bên ngoài được, và nếu thấy, chưa chắc đã là nghèo khó bên trong thật!

Ta đã nói đến mặt tiêu cực của tính chất nghèo khó trong tâm linh, nghĩa là những gì không phải là nghèo khó tâm linh.

Còn nghĩa tích cực thì sao? Cách hay nhất là dùng ngay lời Kinh Thánh mà giải thích. Ê-sai 57:15 ghi: Đấng cao cả, ở nơi đời đời vô cùng, danh Ngài là thánh, có nói như sau: ‘Ta ngự trong nơi cao và thánh với người có lòng ăn năn đau đớn và khiêm nhường, đặng làm tươi tỉnh thần linh của những kẻ khiêm nhường, và làm tươi tỉnh lòng người ăn năn đau đớn.” Đó chính là tâm linh nghèo khó mà Chúa dạy ở đây.

Nghèo khó trong tâm linh là một nhận thức rằng mình không là gì cả trước mặt Chúa, mình không thể làm được điều gì cho thân phận mình.  Câu đó cũng có nghĩa là con người bẩm sinh của mình không có một giá trị nào cả, dù ta là người nào trong đời hay đã đạt đến địa vị nào trong xã hội cũng vậy.  Ta không thể cậy vào học thức, danh tiếng, tiền của hay tài ba của mình, vì ta chẳng là ai cả.  Sứ đồ Phao-lô ngày xưa đã coi tất cả như rác rến để có thể được Chúa Cứu Thế, đó chính là gương mẫu về tâm linh nghèo khó.

Ta thử tự hỏi: Tôi có biết mình nghèo khó trong tâm linh không?  Tôi thực sự nghĩ gì về chính mình khi đứng trước hiện diện của Chúa?  Khi tôi sống, nói năng, cầu nguyện, tôi thường nghĩ gì về chính mình?

Tôi không có gì để khoe khoang cả, vì tất cả chỉ là ân sủng của Chúa mà thôi.

Có những người nghèo khó trong tâm linh mà không hay, đó chính là những người khốn khổ hơn cả, vì dù được cả đời này làm của riêng mà phần tâm linh hư hoại, cũng là mất tất cả.

Bài trướcTỉnh Trà Vinh-Vĩnh Long: Bồi Linh Thông Công Mục Sư – Truyền Đạo – Chấp Sự.
Bài tiếp theoLễ Tốt Nghiệp Chương Trình “Người Nữ Trong Nhà Chúa” Tại Kiên Giang.