Bài thứ 19: Điều Thiếu Sót

872

 

 

Hay là bạn coi thường sự dư dật của lòng nhân từ, nhịn nhục và khoan dung của Ngài? Bạn không nhận biết rằng lòng nhân từ của Đức Chúa Trời là để đem bạn đến sự ăn năn sao?

Rô-ma 2:4.

 

   Vào ngày Đức Thánh Linh ngự xuống trên Hội Thánh đầu tiên, sứ đồ Phi-e-rơ đứng lên giữa công chúng và kêu gọi: Hãy ăn năn, mỗi người phải nhân danh Đức Chúa Giê-xu nhận báp tem để được tha tội, rồi sẽ nhận lãnh quà tặng là Đức Thánh Linh. (Công vụ 2:38).  Ngày hôm sau Phi-e-rơ và Giăng lên đền thờ thì gặp một người què; nhờ quyền năng của Chúa, ông đã chữa lành cho người này.  Thế rồi ông cũng kêu gọi: Anh em hãy ăn năn và trở về với Đức Chúa Trời để tội lỗi được xóa bôi, hầu cho các thời kỳ tươi mới mà Chúa ban cho sẽ đến, và để Ngài sai Chúa Cứu Thế, tức là Chúa Giê-xu, Đấng đã được chỉ định trước, đến với anh em. (Công vụ 3:19-20)

 

   Nếu để ý, bạn sẽ thấy Phi-e-rơ nhấn mạnh về việc ăn năn tội trong bài giảng ngắn gọn đầu tiên của ông. Thính giả hiểu ông muốn nói gì, nhưng nhiều người không thích nghe như thế.  Phi-e-rơ đã chú trọng vào một việc mà ngày nay dường như chúng ta thường quên hay bỏ qua, đó là: ăn năn tội là một điều kiện quan trọng trong việc tái sinh và đổi mới.

 

   Ngày nay chúng ta có hiểu những gì Phi-e-rơ nói khi ấy không?

 

   Trước tiên, ăn năn tội không phải là xưng nhận tội với một người nào, nghĩa là tóm tắt sự thất bại về đạo đức của mình.  Cũng không phải chuộc lại những điều sai trái mà mình đã làm.  Cũng không phải hổ thẹn về hành vi của mình.

 

   Thêm vào đó, ăn năn không phải chỉ là hối tiếc rằng tội mình đã bị người ta khám phá ra.  Một người có thể thực sự buồn vì bị bắt quả tang phạm tội, nhưng không hề cảm thấy hổ thẹn hay ăn năn tội.

 

   Khi Chúa Giê-xu và các môn đệ của Ngài nói về ăn năn tội, thì điều đó có nghĩa là một sự thay đổi trong tâm trí, một hối tiếc về các hậu quả của tội và một quyết tâm, với sự giúp đỡ của Chúa, sẽ không tái phạm tội đó nữa.

 

   Ăn năn tội như thế là một thái độ đến với Thánh Linh để được giúp đỡ hiểu rằng Đức Chúa Trời tiếp nhận ta và tha thứ, đưa đến sự tái tạo và chữa lành trong tâm linh.

 

Bài trướcLễ Ra Mắt Điểm Nhóm Tin Lành H’mông Noh Prông (Đăk Lăk).
Bài tiếp theoBài thứ 20: Chuẩn Bị Tâm Linh