Bài 208: Ân Điển

1134

 

 

   Nhưng Chúa phán: “Ân điển Ta đầy đủ cho con, vì sức mạnh của Ta trở nên trọn vẹn trong sự yếu đuối.” Vì vậy, tôi rất vui mừng tự hào về những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đấng Christ ở trong tôi.

2 Cô-rinh-tô 12:9.

 

 

   Có một quan niệm cho rằng hầu hết chúng ta đều không đủ điều kiện để tiếp cận với Chúa trong thời gian có nhu cầu cấp thiết. Người ta nghĩ rằng chắc một số người nào đó đặc biệt được đặc ân đó chứ còn những người bị thương tích, bước đi loạng quạng ít khi thấy tự đứng lên, kêu gào xin cứu giúp, rồi lại ngã xuống, như không bao giờ Chúa đáp lời. Sứ đồ Phao-lô kể lại câu chuyện cả ba lần ông khẩn thiết cầu nguyện để xin Chúa giải quyết nan đề của ông, mà không được Chúa trả lời.

 

   Phao-lô từng chứng kiến quyền năng Chúa thể hiện trên cuộc đời nhiều người, vì vậy khi gặp khó khăn, ông kêu cầu Chúa cứu, nhưng cả ba lần Chúa đều im lặng. Cuối cùng, Chúa trả lời bằng câu: “Ân điển Ta đầy đủ cho con, vì sức mạnh của Ta trở nên trọn vẹn trong sự yếu đuối.” Chúa không đóng cửa hay bịt tai không nghe Phao-lô cầu nguyện. Chúa có trả lời. Chúa không rút ‘chiếc gai’ hay ‘chiếc dằm’ ra khỏi thân xác Phao-lô. Nhưng Chúa nhắc cho ông nhớ rằng: ông đã có đầy đủ ân điển của Chúa để chịu đựng đau thương do sự việc đó gây ra.

 

   Nhưng ân điển là gì? Giải thích đơn giản nhất là sự giúp đỡ, sự can thiệp và sức mạnh của Chúa cho lúc yếu đuối của ta.

 

   Còn ‘…đầy đủ’  là sao? Đây là tính cách chắc chắn, vững vàng, bảo đảm che chở và bảo vệ khỏi mọi khó khăn bất cứ dưới hình thức nào.

 

   Chúa cũng thường trả lời cầu nguyện như thế cho người tin Ngài, và vì thế nhiều khi chúng ta không thấy hiệu quả mà mình mong đợi. Chúa không hứa chữa lành mọi tật bệnh cho ta, nhưng Chúa hứa không lìa bỏ, không xa cách ta, Ngài ở với ta trong hoàn cảnh và cùng đi với ta trong khó khăn. Nhất là những khi ban cảm thấy đuối sức nhất. Đa-vít viết trong Thi Thiên 34:18 rằng: “Đức Giê-hô-va ở gần những người có lòng đau thương và cứu vớt kẻ nào có tâm hồn thống hối.”

 

   Chúng ta ưa cầu nguyện và xin Chúa giải trừ cơn đau của mình, nhưng khi trải nghiệm ân điển hay ân sủng của Chúa, ta hiểu được rằng sự chữa lành hay giúp đỡ đến trực tiếp từ Chúa khi Ngài hiện diện tại nơi xẩy ra sự cố, và sức mạnh của Chúa ban cho ta để chịu đựng, để biết khôn ngoan lựa chọn giải pháp và nhờ quyền năng Chúa mà thắng hơn hoàn cảnh. Chúa muốn ta nếm trải ân điển của Chúa chứ không phải chỉ thấy phép lạ không mà thôi. Vì vậy, cầu nguyện với Chúa khác hẳn lối người đời cầu khẩn thần thánh cứu giúp. Niềm tin nơi Chúa và sự cầu nguyện của người tin Chúa được chứng nghiệm khi ta biết Chúa luôn ban ân điển cho người cầu xin Ngài.

 

Bài trướcKhai Giảng Lớp Thánh Kinh Căn Bản Tại Tỉnh Long An.
Bài tiếp theoTrại Hè Thiếu – Ấu Nhi Tại Hội Thánh Tin Lành Cẩm Long, Quảng Nam.