Ánh Sáng Của Cuộc Đời

3996

ÁNH SÁNG CHO CUỘC ĐỜI

Khi người Mỹ phóng thành công tàu vũ trụ Apollo 11 để đưa người đầu tiên lên mặt trăng là nhà du hành vũ trụ Neil Amstrong vào ngày 20/7/1969, thì Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là John Kennedy đã tuyên bố đại ý rằng: Đây là sự kiện vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại. Nhân dịp này, Mục sư tiến sĩ Billy Graham, nhà truyền giảng Tin Lành nổi tiếng thế kỷ 20 đã bình luận rằng: Trong lúc quá vui mừng, vị Tổng thống chúng ta đã nói quá lời. Thực ra, sự kiện vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại chính là sự giáng sinh của Chúa Cứu Thế Giê-xu.

Thật vậy, sự giáng sinh của Ngài là một sự kiện lịch sử vĩ đại nhất đã chia đôi dòng lịch sử nhân loại, đóng ấn vào lịch sử và đưa nhân loại vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên Cơ Đốc. Dù có đức tin nơi Chúa hay không, mọi người đều phải thừa nhận mốc dấu lịch sử quan trọng này: Trước Chúa giáng sinh BC (Before Christ) hay sau Chúa giáng sinh AD (Anno Domini – Lt. năm của Chúa chúng ta) hoặc trước công nguyên hay sau công nguyên, nghĩa là kỷ nguyên chung, ai cũng công nhận).

Mùa Giáng sinh lại trở về để một lần nữa nhắc nhớ chúng ta về Đấng Cứu Thế đã vào đời để tìm và cứu vớt những kẻ hư vong. Chủ đề kỷ niệm Chúa giáng sinh năm nay của Hội Thánh chung thật ý nghĩa “Sự sáng cho trần gian” dựa vào Lời Chúa phán trong Giăng 8:12 là “Ta là sự sáng của thế gian; người nào theo ta, chẳng đi trong nơi tối tăm, nhưng có ánh sáng của sự sống.”

NHÂN LOẠI ĐANG SỐNG TRONG BÓNG TỐI CỦA TỘI LỖI

Lời tuyên bố này của Chúa Cứu Thế mang một ý nghĩa sâu sắc, phác họa cho chúng ta thấy hai hình ảnh về hai thế giới mà nhân loại đang sống: Thế giới của ánh sáng thánh khiết vinh quang và thế giới của bóng tối tội lỗi đau buồn.

Thế giới đang bị bóng tối bao trùm

“Dân đi trong nơi tối tăm đã thấy sự sáng lớn; và sự sáng đã chiếu trên những kẻ ở xứ thuộc về bóng của sự chết” (Ê-sai 9 :1) Đó là lời tiên tri của Ê-sai về sự đến của Đấng Mê-si-a trước Chúa giáng sinh hơn 700 năm. Bóng tối tượng trưng cho tội lỗi, sự chết, điều ác, ngu dốt, bại hoại, địa ngục, đau khổ, tủi nhục, tuyệt vọng… Thật vậy, có thể nói ngày nhân loại đã và đang sống trong một thế giới bị bao trùm bởi “bóng tối” của tội lỗi, tội ác, tội phạm, khủng bố, chiến tranh, chết chóc, bệnh tật, đau khổ, tuyệt vọng. Mỗi ngày qua các phương tiện truyền thông, chúng ta có thể cảm nhận điều đó một cách dễ dàng. Sự xuất hiện của tổ chức tự xưng IS với lá cờ đen của tử thần đã trở thành nổi kinh hoàng đang ám ảnh nhiều người.

Thân phận con người

Bóng tối đó cũng mô tả thân phận con người từ khi phạm tội bất tuân lệnh của Thiên Chúa. Do hậu quả tội lỗi mà A-đam và Ê-va đã phạm mà con người phải rước lấy một thân phận bi đát sinh, lão, bệnh, tử:

Đau khổ, tuyệt vọng. Con người sinh ra, chịu bao đau khổ, bệnh tật, bất an và kết thức bằng cái chết tuyệt vọng, vô nghĩa. Nhà thơ Nguyễn Công Trứ đã viết “Thoạt sinh ra thì đã khóc chóe, Trần có vui sao chẳng cười khì.” Kinh Thánh cũng chép: “Loài người bởi người nữ sanh ra, sống tạm ít ngày, Bị đầy dẫy sự khốn khổ. Người sanh ra như cỏ hoa, rồi bị phát; Người chạy qua như bóng, không ở lâu dài” (Gióp 14:1-2).

Quờ quạng trong bóng tối. Nhà tiên trị Ê-sai đã mô tả sinh động hình ảnh con người đang sống trong bóng tối tội lỗi, quờ quạng không tìm được lối đi.“Chúng ta đi dọc theo tường như người mù; rờ rẫm như người không có mắt; đứng trưa mà vấp chân như chạng vạng; giữa những kẻ mạnh mẽ mà mình như người chết” (Ê-sai 59:10). Thật đúng như một tác giả đã mô tả thân phận con người như: “Một con kiến đen, bò trên một tảng đá đen, trong một đêm đen.”

Thờ phượng sai lạc do trí khôn tối tăm. Con người là loài có linh hồn, tâm linh, một sinh vật duy nhất biết thờ phượng, có nhu cầu tâm linh. Tuy nhiên do sống trong bóng tối tội lỗi, con người không biết phải thờ phượng ai, cho nên thay vì thờ Đấng Tạo Hóa cao cả là Thiên Chúa đã dựng nên mình, con người đã thờ cây cối, núi sông, cầm thú, thần tượng, ma quỉ v.v… đúng như Kinh Thánh đã nói: “Họ tự xưng mình là khôn ngoan, mà trở nên điên dại; họ đã đổi vinh hiển của Đức Chúa Trời không hề hư nát lấy hình tượng của loài người hay hư nát, hoặc của điểu, thú, côn trùng” (Rô-ma 1: 22-23).

Ưa sự tối tăm hơn ánh sáng. Dường như con người có khuynh hướng ưa thích những gì tội lỗi, bất khiết, điều ác, điều xấu hơn là điều thánh khiết, điều lành, điều tốt. “Vả, sự đoán xét đó là như vầy: Sự sáng đã đến thế gian, mà người ta ưa sự tối tăm hơn sự sáng, vì việc làm của họ là xấu xa. Bởi vì phàm ai làm ác thì ghét sự sáng và không đến cùng sự sáng, e rằng công việc của mình phải trách móc chăng” (Giăng 3:19,20).

Nguyên nhân

Thật khó mà tìm được nguyên nhân khiến con người ở trong tình trạng tối tăm, vô minh ấy nếu không trở về với Kinh Thánh là Lời hằng sống Đức Chúa Trời. Kinh Thánh cho biết: “Đức Chúa Trời là sự sáng, trong Ngài chẳng có sự tối tăm đâu” (1 Giăng 1:5b). Chính vì thế mà khi con người phạm tội bất tuân, xa cách Đức Chúa Trời thì tất nhiên con người phải sống trong sự tối tăm:“Vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời” (Rô-ma 3:23).

CHÚA CỨU THẾ GIÊ-XU LÀ ÁNH SÁNG CHO CUỘC ĐỜI

Mặc dù loài người tội lỗi, chối bỏ Đức Chúa Trời và đi theo con đường riêng của mình, Ngài vẫn yêu thương và tìm cách cứu độ. Ngay từ buổi sáng thế, Ngài có một kế hoạch ban ơn cứu rỗi cho nhân loại qua việc đưa Chúa Cứu Thế Giê-xu giáng sinh, vào đời. Ngài đến để cứu chúng ta ra khỏi thế giới tối tăm của ma quỉ và tội lỗi và dời chúng ta qua nước vinh hiển sáng láng của Ngài. Vì thế, Ngài phán : “…Người nào theo ta, chẳng đi trong nơi tối tăm, nhưng có ánh sáng của sự sống”.

Chúa Giê-xu, Ngài là ai?

Có lẽ ngày nay ít người nghi ngờ về sự hiện hữu của Chúa Giê-xu trên đất, là một nhân vật lịch sử vĩ đại, là người đã sáng lập Cơ Đốc giáo, là một tôn giáo lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, vấn đề mà người ta vẫn còn đang tranh luận và thách thức là Chúa Giê-xu có thực là Đức Chúa Trời trở nên con người không? Đã hơn 20 thế kỷ trôi qua, câu hỏi “Chúa Giê-xu, Ngài là ai?” vẫn còn thách thức tâm trí, niềm tin của con người và đáng cho chúng ta quan tâm. Chính Chúa Giê-xu biết điều này nên ngày xưa Ngài đã từng hỏi các môn đồ: “Theo lời người ta nói thì Con người là ai?” và “Còn các ngươi thì xưng Ta là ai?” (Mat. 16:14,15).

Thực ra, lời tiên tri về sự giáng sinh của Chúa đã nói trước rằng Ngài là “Em-ma-nu-ên” nghĩa là Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta” (Ê-sai 7:14), và Ngài là “Đức Chúa Trời quyền năng.” (Ê-sai 9:5) Chính Chúa Giê-xu đã từng xác nhận rằng Ngài là hiện thân của Thiên Chúa khi phán “Ta với Cha là một” (Giăng 10:10) “Ai thấy ta, tức là đã thấy Cha. (Giăng 14:9b). Đây là vấn đề mà cho đến hôm nay, những người vô tín vẫn không tin và không thừa nhận Ngài là Thiên Chúa, nhưng đó là sự thật không thể chối cải được. Cuộc đời và những phép lạ của Ngài đã chứng minh điều đó. Chúng ta phải cám ơn Chúa trong số những triết gia, những người thông thái nổi tiếng trên thế giới vốn không tin và đã tìm mọi cách phủ nhận sự thật này, nhưng cuối cùng họ đã công khai tin nhận Chúa Giê-xu và khẳng định Ngài thật là Thiên Chúa trở nên con người, đúng như Kinh Thánh đã nói. Trong số đó có hai người có thể đại diện cho thế giới phương Tây, là triết gia nổi tiếng người Anh C.S. Lewis vốn là người vô thần; và một học giả kiêm triết gia được người Việt mến mộ, đó là Lâm Ngữ Đường, đại diện cho thế giới phương Đông. Tôi muốn trích dẫn hai lời tuyên bố sau đây của họ về Chúa Giê-xu:

“Hiện nay đối với tôi dường như đã rõ ràng Ngài không phải là kẻ mất trí, cũng không phải là kẻ gian ác, và tất nhiên dù điều đó có vẻ lạ lùng và đáng sợ hoặc khó có khả năng xảy ra, tôi vẫn phải chấp nhận quan điểm rằng Ngài đã và đang là Đức Chúa Trời – Đức Chúa Trời đã bước vào thế giới bị kẻ thù nghịch chiếm đóng trong hình thể của một con người” (C.S.Lewis – Mere Christianity).

“Trở về với Kinh Thánh, tôi thấy Kinh Thánh không chỉ là quyển sách ghi lại những dữ kiện lịch sử, nhưng cũng ghi lại sự mặc khải chính xác, qua Chúa Giê-xu; chính sự mặc khải đó đã đem Đức Chúa Trời xuống ngang tầm mắt của tôi, để tôi có thể biết Ngài” (Lâm Ngữ Đường – “Vì sao tôi trở lại với Cơ Đốc giáo”)

Ý nghĩa ánh sáng cho cuộc đời

“Ta là sự sáng của thế gian”. Đây là một trong những danh xưng “Ta là…” do chính Chúa Giê-xu tuyên bố về chính Ngài được Kinh Thánh ghi lại. Lời tuyên bố này mang một một ý nghĩa quan trọng và sâu sắc.

Ngài là ánh sáng cứu rỗi. Tội lỗi khiến con người sống trong tăm tối, đau khổ, với thân phận bi đát không ai giải thoát. Vì thế, Đức Chúa Trời sai con Ngài đến thế gian để đem ánh sáng cứu rỗi cho nhân loại. Chính trong đêm Chúa giáng sinh, các thiên thần đã báo tin cho các người chiên ngoài đồng rằng: “Đừng sợ chi; vì nầy, ta báo cho các ngươi một tin lành, sẽ là một sự vui mừng lớn cho muôn dân; ấy là hôm nay tại thành Đa-vít đã sanh cho các ngươi một Đấng Cứu-thế, là Christ, là Chúa”  (Lu-ca 2:10). Chính Chúa Giê-xu đã phán: “Bởi Con Người đã đến tìm và cứu kẻ bị hư mất” (Lu-ca 19:10).

Ngài là ánh sáng chân lý cho cuộc đời. Ánh sáng cũng tượng trưng cho chân lý. Ngài tuyên bố: “Ta là đường đi, chân lý và sự sống. Chẳng bởi Ta thì ai được đến cùng Cha (Thiên Chúa)” (Giăng 14:6). Ngài không phải là bảng chỉ đường nhưng chính Ngài là con đường đưa chúng ta vào Thiên quốc; Ngài không phải là người đi tìm chân lý mà chính Ngài là chân lý tuyệt đối; Ngài không phải có sự sống nhưng Ngài là Đấng ban sự sống, là nguồn sống của muôn loài. Ngài là chân lý cho cuộc đời chúng ta.

Ngài là ánh sáng của sự sống. “…Người nào theo Ta chẳng đi trong nơi tối tăm, nhưng có ánh sáng của sự sống”. Để muôn loài vạn vật mà Ngài dựng nên có thể sống và tăng trưởng, ngay từ buổi đầu sáng thế Ngài đã phán: “Phải có sự sáng thì có sự sáng” (Sáng 1:3) Cũng giống như mọi sinh vật, thực vật, nếu không có ánh sáng thì không thể sống và tăng trưởng, thì cũng vậy con người không thể sống và sống có ý nghĩa nếu không có Chúa sự sống ở trong lòng mình. Tiếc thay từ khi phạm tội xa cách Chúa, con người đã đánh mất sự sống vĩnh cửu của Đức Chúa Trời ban cho và sẽ bị hủy diệt. Vì thế, Chúa giáng sinh để phục hồi sự sống đời đời, vĩnh cửu cho những người tin nhận Ngài. Chúa phán: “Ta đến hầu cho chiên được sự sống và sự sống dư dật (phong phú)” (Giăng 10:10).

Ngài là nguồn hy vọng cho con người. Ánh sáng cũng tượng trưng cho hy vọng. Con người không thể sống nếu không có hy vọng. Tội lỗi làm cho con người gặp phải sự chết và tuyệt vọng. Vì thế, Chúa Giê-xu đã chịu chết trên cây thập tự để chuộc tội cho chúng ta. Mỗi người chúng ta sinh ra là để sống, nhưng Chúa giáng sinh không phải để sống mà là để chết và Ngài đã sống lại một cách khải hoàn, đắc thắng sự chết và âm phủ để ban cho chúng niềm hy vọng sống. Kinh Thánh chép: “…Nhờ Đức Chúa Giê-xu sống lại từ trong kẻ chết mà có sự trông cậy (hy vọng) sống” (1 Phi 1:3b). Sự giáng sinh của Ngài chỉ mới là khởi điểm, nhưng sự chết và sống lại của Chúa Giê-xu mới là trung tâm điểm của chương trình cứu chuộc. “Đức Chúa Jêsus phán rằng: Ta là sự sống lại và sự sống; kẻ nào tin ta thì sẽ sống, mặc dầu đã chết rồi. Còn ai sống và tin ta thì không hề chết. Ngươi tin điều đó chăng?” (Giăng 11;25-26). Có Chúa Giê-xu chúng ta có một niềm hy vọng chắc thật, vì thế chúng ta sẵn sàng đối diện với những khó khăn, thách thức, khổ đau của cuộc đời vì Chúa Phục sinh vẫn luôn đồng hành với chúng ta trên mọi nẻo đường đời và chúng ta có thể cất tiếng hát: “Vì Giê-xu sống, tôi bước đi với hy vọng…”

Đã bao mùa Giáng sinh đã qua, rơi vào quên lãng và cuộc đời bạn vẫn đầy buồn bã, bất an, thất vọng, nhưng mùa Giáng sinh năm nay sẽ có một ý nghĩa đặc biệt đối với bạn nếu bạn mở lòng ra tiếp nhận Chúa là ánh sáng cho cuộc đời. Tội lỗi, ma quỉ luôn tìm cách ngăn trở, xúi giục con người từ chối ánh sáng, nhưng Lời Chúa hứa: “Nhưng hễ ai đã nhận Ngài, thì Ngài ban cho quyền phép trở nên con cái Đức Chúa Trời, là ban cho những kẻ tin danh Ngài”. Cuộc đời trong bóng tối tội lỗi đầy buồn bã, bất an thất vọng của bạn sẽ qua đi để nhường chỗ cho một cuộc đời mới trong ánh sáng đầy vui tươi với hy vọng đang chờ đón bạn khi bạn cung kính mời Chúa giáng sinh ngự vào lòng mình hôm nay.

Chúa đã đến giữa trần gian tăm tối

Đời u buồn không ngớt tiếng than van.

Ngài là Ánh Sáng Trời, xua bóng tối

Đem an vui, hy vọng đến muôn người.

Ngài biến đổi bao cuộc đời tội lỗi

Biến khóc than thành tiếng hát yêu đời.

Trịnh Phan – Giáng sinh 2016

Bài trướcNgày 23/12/2016: Gia Phả của Chúa Giê-xu
Bài tiếp theoBộ Tư Lệnh và Tỉnh Bình Phước Thăm Tổng Liên Hội