Kỷ Nguyên An Bình

5124

Hơn hai ngàn năm trước, tại một vùng đất Trung Đông xa xôi của Châu Á, một sự kiện đặc biệt quan trọng đã diễn ra cho toàn thế giới, đánh dấu một bước ngoặc lớn trong lịch sử nhân loại. Đó là sự kiện Ngôi Hai của Đức Chúa Trời giáng thế làm người, mở ra một kỷ nguyên an bình cho nhân loại, đem họ trở về mối quan hệ hòa thuận với chính Đức Chúa Trời và hàn gắn họ trong tình hữu nghị hòa bình với nhau. Ngày nay, khi nhìn về vùng đất này với những tranh chấp và nguy cơ chiến tranh có thể xảy ra bất cứ lúc nào, cũng như nhìn về mối quan hệ giữa người với người, giữa các quốc gia với các quốc gia, người ta khó lòng mà hình dung được nền hòa bình vốn đã được thiết lập từ sự kiện đặc biệt năm xưa. Vậy, làm thế nào để kinh nghiệm được kỷ nguyên an bình mà mỗi một cá nhân trên địa cầu này đáng ra phải có?

Chúng ta hãy cùng đọc lại bút tích lịch sử của Thánh Lu-ca như sau:

Cũng trong vùng ấy, có mấy người chăn chiên trú ngoài đồng, thức đêm canh giữ bầy chiên. Một thiên sứ của Chúa hiện đến với họ, vinh quang của Chúa chói rạng chung quanh nên họ rất sợ hãi. Nhưng thiên sứ bảo họ: “Đừng sợ! Nầy, ta báo cho các ngươi một tin lành, đây sẽ là niềm vui lớn cho mọi người. Vì hôm nay tại thành Đa-vít, một Đấng Cứu Thế, là Đấng Christ, là Chúa đã được sinh ra cho các ngươi. Đây là dấu hiệu để các ngươi nhận ra Ngài: Các ngươi sẽ gặp một con trẻ bọc bằng khăn nằm trong máng cỏ.” Bỗng nhiên, có muôn vàn thiên binh cùng với thiên sứ ấy ngợi ca Đức Chúa Trời rằng:
 “Vinh danh Thiên Chúa trên trời,
Bình an dưới đất, ân ban cho người!”

Sau khi các thiên sứ lìa họ lên trời rồi, các người chăn chiên nói với nhau rằng: “Chúng ta hãy đi đến thành Bết-lê-hem xem việc đã xảy ra mà Chúa cho chúng ta biết.” Vậy, họ vội vàng đi đến đó, gặp Ma-ri, Giô-sép, và thấy con trẻ đang nằm trong máng cỏ. Khi thấy vậy, họ liền thuật lại những lời thiên sứ nói về con trẻ đó. Ai nghe chuyện các người chăn chiên kể cũng đều ngạc nhiên. Còn Ma-ri thì ghi tạc mọi lời ấy và suy ngẫm trong lòng. Các người chăn chiên trở về, tôn vinh và ngợi ca Đức Chúa Trời về mọi điều họ đã nghe và thấy, đúng như lời đã bảo trước với họ. (Lu-ca 2:8-20, TTHĐ)

Bình an khi Tin Lành được loan báo

Ngày tháng ấy, giữa đêm sương lạnh, những người mục tử vẫn còn ở lại ngoài đồng để canh giữ bầy chiên (cừu) của mình – một cảnh tượng khó hình dung với người nông dân Việt Nam, nhưng rất đời thường đối với người dân Ít-ra-en cổ đại. Ngành nghề chính của họ lúc bấy giờ là trồng trọt và chăn nuôi. Để đảm bảo cho bầy chiên của mình được béo tốt, họ buộc phải dẫn chúng đi ăn xa, đến những nơi có đồng cỏ xanh và dòng suối mát. Những chuyến đi thế này không thể kết thúc trong ngày, buộc người mục tử có lúc phải thức đêm để canh giữ chiên ở ngoài đồng. Mối bận tâm của những mục tử lúc này là làm sao cho chiên mình ngủ ngon, no khỏe, tròn đầy để họ có thể bán với giá cao, cho ra những sản phẩm chất lượng về lông, về thịt và về sữa. Nói cách khác, mối quan tâm của họ chính là cuộc sống mưu sinh.

Giữa những lo toan mưu sinh đời thường ấy, thiên sứ của Đức Chúa Trời xuất hiện cùng họ. Họ kinh ngạc và sợ hãi. Có thể nỗi sợ này chỉ bất chợt vì họ thấy ánh sáng chói lóa đột ngột của thiên sứ giữa đêm tối, cũng có thể họ sợ vì không hiểu thiên sứ đầy vinh quang lại hiện đến với những người hèn mọn như mình với mục đích gì. Dường như hiểu được nỗi hoang mang của những mục tử, thiên sứ trấn an họ bằng một lời loan báo Tin tức Tốt lành. Ồ, tin gì vậy? Phải chăng đó là một bí mật về một kỹ thuật nuôi chiên công nghệ cao hay tin vui về một đầu mối thu mua chiên với giá tốt để họ phát triển sự nghiệp nuôi chiên lên một tầm cao mới, như kiểu người ta thấy thần thánh báo mộng chỗ mua đất cất nhà hầu cho làm ăn thịnh vượng? Thiên sứ khẳng định Tin tức Tốt lành này sẽ là một “niềm vui lớn cho mọi người”. Trên đời này, có niềm vui nào lớn hơn là thoát đời khổ cực, làm ăn phát đạt, gia đình êm ấm, sự nghiệp hanh thông, danh tiếng lẫy lừng? Hãy nghe thiên sứ báo tin: “Hôm nay tại thành Đa-vít, một Đấng Cứu Thế, là Đấng Christ, là Chúa đã được sinh ra cho các ngươi”. Tin vui mừng lớn này vượt lên trên những niềm vui vật chất và tạm bợ, đó chính là Đấng Cứu Thế được sinh ra cho mọi người, cho chính những mục tử, những con người hèn mọn. Một Chúa mà toàn dân Ít-ra-ên lúc bấy giờ đang trông mong, một Đấng Mê-si-a của lời hứa trong giao ước từ ngàn năm xưa của Đức Chúa Trời đối với cha ông của dân tộc Do Thái giờ đây đã đến rồi sao? Đây quả thật là một tin vui mà toàn dân Do Thái đã ngàn năm đón đợi.

Nhưng vì sao thiên sứ không báo tin cho vua hay những người quyền cao chức trọng đương thời của Do Thái mà lại báo cho những người bần nông như các mục tử? Bởi vì tin vui mừng này dành cho “mọi người”, cho “muôn dân”, không phân biệt tầng lớp và địa vị xã hội. Chúa Cứu Thế đã đến không chỉ vì người Do Thái. Ngài đến vì mọi dân tộc, Ngài đến vì mọi người. Nhờ Chúa Giê-xu mà mọi người nhận biết Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa của mình. Nhờ Chúa Giê-xu mà mọi người nhận ra mình là tội nhân vì đã xa cách Đức Chúa Trời và không thờ phượng Ngài. Nhờ Chúa Giê-xu mà mọi người hiểu được sự công chính đích thực và sự bất lực của mình trong việc cố gắng sống theo tiêu chuẩn công chính đó. Nhờ Chúa Giê-xu mà mọi người hiểu và kinh nghiệm được tình yêu thương tha thứ và ân sủng cứu rỗi của Đức Chúa Trời dành cho họ. Nhờ Chúa Giê-xu mà mọi người được hòa thuận với Đức Chúa Trời và được liên kết một cách bình đẳng với nhau. Đó là Tin Lành, là Tin Mừng Lớn cho mọi người.

Thế nhưng, Tin Mừng Lớn này có thể đã không “dành cho mọi người” nếu thiên sứ không vâng thiên mệnh để loan báo nó. Tin Mừng lớn này cũng có thể đã không tới tai của những mục tử nếu thiên sứ lựa chọn những tầng lớp “cao trọng” trong mắt của loài người để loan báo. Tin Mừng lớn này đã đến với những mục tử hèn mọn, khiến họ vui mừng như vỡ òa trong mong đợi, nhận thấy giá trị đích thực của mình trước mặt Chúa, mà hớn hở vội vàng tìm thờ Chúa và ra về trong sự tôn vinh và ca ngợi Chúa mà mình đã gặp được.

Ngày nay, Tin Mừng lớn này có thể đã bị giới hạn khi những người đã tiếp nhận Tin Mừng không loan báo nó vượt khỏi những ranh giới vật lý hay những khác biệt về địa vị xã hội lẫn địa vị tôn giáo. Trong mọi thời đại, Tin Mừng luôn cần được loan báo bằng cả lời nói lẫn cả cuộc đời và cho mọi đối tượng để muôn dân nhận được sự bình an đích thực từ Đức Chúa Trời. Chúng ta hãy bắt chước vị thiên sứ để loan báo tin mừng cứu rỗi cho mọi người mà không phân biệt ai, và cũng hãy bắt chước những chàng mục tử hèn mọn đón nhận tin mừng với tấm lòng đơn sơ giữa những lo toan của cuộc sống đời thường.

Bình an khi danh Chúa được tôn vinh

Khi thiên sứ loan báo Tin Mừng vừa dứt lời, thì thiên sứ ấy hòa mình vào một dàn hợp ca của các thiên binh cất giọng lên ca ngợi Chúa, với lời ca bất hủ về sự bình an: “Sáng danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới đất, ân ban cho người”. Sự kiện Chúa Giê-xu giáng sinh đã làm vinh quang danh Thiên Chúa, và ban bình an cho trái đất.

Chúa được sáng danh vì Con Một của Ngài đã vâng lời và nhập thể, làm người, đến sống giữa loài người một cách khiêm nhu. Chúa được sáng danh vì Con Ngài đã đến, chấp nhận chịu khổ, chịu chết vì tội lỗi của con người, để đáp ứng cho sự công chính bất biến của Đức Chúa Trời. Chúa được sáng danh vì chính Con ấy sẽ phục sinh khải hoàn, đắc thắng sự chết và ma quỷ. Chúa được sáng danh vì tình yêu thương vĩnh hằng và vô điều kiện của Ngài được minh chứng qua Con Ngài giáng sinh, để muôn dân nhờ Con ấy mà được sự sống và sự sống đời đời. Chúa được sáng danh vì các thiên thần vừa loan báo, vừa tôn vinh ca ngợi Ngài. Chúa được sáng danh vì những mục tử đón nhận Tin Mừng, tạm gác lại mối lo toan mưu sinh, mà tìm thờ Chúa. Chúa được sáng danh vì những mục tử gặp Ngài thì trở về trong vui mừng và tôn vinh, ca ngợi Ngài. Chúa được sáng danh vì kế hoạch cứu rỗi của Ngài bắt đầu được thực thi. Chúa được sáng danh vì kể từ đây, những bản tính và mọi điều về Đức Chúa Trời sẽ được mặc khải một cách hoàn hảo, đầy đủ và rõ ràng qua Con Ngài là Giê-xu. Chúa được sáng danh vì kỷ nguyên an bình mà Ngài muốn tạo vật của mình trải nghiệm đã được mở ra cho họ.

Kỷ nguyên an bình đó chỉ có thể được trải nghiệm khi con người trên đất nhìn nhận Đức Chúa Trời là Chúa, là Đấng Tể Trị của họ và tôn vinh hiển cho Ngài. Chừng nào con người còn đấu tranh để giành lấy hư vinh cho mình, thì chừng ấy con người vẫn còn trong bất an và lo sợ. Chiến tranh ở cấp độ các quốc gia, những tranh chấp ở cấp độ các gia đình, những xung đột ở cấp độ các cá nhân, và sự bất an đau đáu trong tấm lòng của mỗi một con người… đều xuất phát từ chỗ người ta không thừa nhận quyền tể trị của Chúa trên cuộc đời mình, không tìm cách tôn vinh danh Chúa, mà lo toan tính xây dựng hư danh cho riêng mình. Sự kiêu ngạo, sự tìm kiếm danh, lợi, quyền dù ở bất kỳ môi trường nào – kinh tế, chính trị, xã hội, hay tôn giáo – đều cũng chính là nguyên do khiến con người không thể kinh nghiệm sự bình an thật mà Đức Chúa Trời đã đem đến cho họ qua Chúa Cứu Thế Giê-xu. Và bất cứ nơi nào có sự tìm kiếm hư danh, như đã được minh chứng từ trong Kinh Thánh Cựu Ước lẫn Tân Ước, thì nơi ấy không chỉ bất an mà còn sẽ phải gánh lấy hậu quả tai hại trong thời điểm của Chúa.

Bình an khi ân sủng được đón nhận

Lời chúc “bình an dưới đất” sẽ thành hiện thực khi, một mặt, người ta tôn vinh hiển danh Chúa, và mặt khác, người ta đón nhận lấy ân sủng được ban cho chính họ. Ân sủng là điều được ban cho khi chúng ta không xứng đáng để nhận lãnh. Tình yêu thương, sự tha thứ, sự đền tội, sự cứu chuộc của Chúa Cứu Thế cho loài người là món quà của ân sủng mà Đức Chúa Trời trao ban cho muôn dân. Nói đúng hơn, chính Chúa Giê-xu là món quà của ân sủng dành cho mọi người. Nhưng con người sẽ không hiểu và không cảm nhận được sự quí giá của món quà này khi họ không thừa nhận mình là tội nhân. Nếu không nhận ra mình là tội nhân, người ta sẽ không cần đến Chúa Giê-xu và sự tha thứ của Đức Chúa Trời; họ cũng chẳng cần đến sự sống đời đời, tình yêu thương dạt dào hay ân sủng diệu kỳ của Ngài. Nếu không nhận ra mình là tội nhân, họ sẽ không đón nhận ân sủng; và như vậy, họ không đón nhận sự bình an thật đã được ban cho họ từ nơi chính Chúa.

Ân sủng cứu rỗi không chỉ được đón nhận bởi một người vào một lần duy nhất mà sẽ luôn được trải nghiệm mỗi một giây phút mà người ấy còn mang lấy hơi thở. Do đó, mặc dù sự cứu rỗi của Chúa Giê-xu là “một lần đủ cả”, nhưng việc nhận ra mình là một tội nhân không diễn ra chỉ một lần vào khoảnh khắc một người tiếp nhận Chúa, mà trong mọi khoảnh khắc của đời sống theo Chúa. Tin Chúa, được cứu rỗi, được bảo đảm về sự sống đời đời, nhưng người tin Chúa vẫn là một con người với thân xác và trí óc luôn chờ chực phạm tội bất cứ lúc nào có thể – dù ở vị trí hay chức vụ nào. Vì vậy, để có sự bình an thật của Chúa và lan tỏa bình an đó cho người khác, chúng ta đón nhận ân sủng và trải nghiệm ân sủng đó trong mọi giây phút của đời sống mình. Đó là đáp ứng của một người có đức tin, biết Chúa là Đấng Tể Trị cuộc đời mình, nhận ra mình tội nhân và được cứu nhờ ân sủng của Chúa.

Ngày nay, sự bình an như một món hàng xa xỉ bị nhái để rao bán với mọi mức giá khác nhau. Người thì tin rằng có nhiều tiền sẽ bình an. Người khác tin rằng có sức khỏe sẽ bình an. Người khác lại tin rằng tìm được tình yêu của đời mình thì sẽ bình an. Người khác nữa lại tin rằng có được chỗ đứng vững chắc trong tập thể của mình, trong xã hội hay trong lòng người hâm mộ thì sẽ được bình an. Người khác nữa thì tin rằng sống ở một đất nước giàu có và văn minh sẽ bình an. Và mỗi người đã phải nỗ lực để “mua” nó với những “mức giá” vừa “túi” của mình. Nhưng thật ra người ta đang tự lừa dối mình vì tất cả những điều đó đều không đem lại sự bình an thật. Thế mà nhiều người đã dành công sức cả đời cho một “món hàng nhái”.  Sự bình an dưới đất không đến từ những thứ thuộc về đất mà là đến từ thiên thượng. Sự bình an dưới đất thật vô giá, không ai có thể mua được, nhưng lại được trao ban một cách miễn phí cho mọi người. Sự bình an dưới đất chỉ có thể được kinh nghiệm khi người ta đón nhận lấy ân sủng từ thiên thượng, tôn vinh danh Chúa thiên thượng, và loan báo tin mừng của sự bình an này đến cho mọi người.

Karis Đỗ
(trích Bản Tin Mục Vụ)

Bài trướcHãy Yên Lòng – 23/10/2023
Bài tiếp theoThông Báo & Thư Mời V/v Dự Lễ Cảm Tạ CHúa – Kỷ Niệm 50 Năm Thành Lập HTTL Châu Khánh