Dâng Lời Tạ Ơn Chúa (Thi Thiên 135:1-5)

6466

Một vị Mục sư kể lại rằng: “Trong những ngày bịnh tật, tôi đến bang Virginia để nghỉ dưỡng, tâm trạng đầy những buồn phiền và cay đắng. Thế rồi, trong một ngôi nhà thờ bằng gỗ trên ngọn đồi ở miền Tây bang Virginia, tôi nghe những tiếng hát của một đoàn người nghèo khổ rách rưới, lao động quá sức và có lẽ ăn cũng không đủ no. Nước mắt của họ tuôn trào khi họ hát đến những lời bài ca: “Ôi! Thật một ngày hạnh phúc, khi tôi nương tựa nơi Ngài. Chúa là Đấng Cứu rỗi và là Đức Chúa Trời của tôi”. Mỗi tháng một lần, họ tụ họp ca hát với nhau và dường như Đức Chúa Trời cho lòng họ đầy tràn niềm vui của cõi thiên đàng. Tôi cũng cảm thấy được chia sẻ niềm vui mừng với họ, tôi đã cảm ơn Chúa đã cho những con người không có được cuộc sống no đủ nhưng lại có được những giây phút vui mừng, sung sướng như vậy, và tôi cũng tạ ơn Chúa về những gì Chúa đã làm cho tôi”.

Để không sống trong buồn phiền và khô hạn thuộc linh, tôi và quý độc giả hãy đếm lại các ơn lành Chúa đã ban, hầu có thể dâng lên lời tạ ơn vì những việc lớn Chúa làm cho mình, cho cộng đoàn con dân Chúa. Thi Thiên 135:1-5 dạy chúng ta những bài học về dâng lời tạ ơn Chúa:

I/ AI LÀ NGƯỜI PHẢI DÂNG LỜI TẠ ƠN CHÚA? (câu 1-2)

Ha-lê-lu-gia! Hãy ngợi khen danh Đức Giê-hô-va:
Hỡi các tôi tớ Đức Giê-hô-va, Là kẻ đứng trong nhà Đức Giê-hô-va,
Tại hành lang của nhà Đức Chúa Trời chúng ta, hãy ngợi khen Ngài!

Tác giả Thi Thiên nêu ra hai vị trí của nhóm người phải dâng lời ngợi khen cảm tạ: “Kẻ đứng trong nhà Đức Giê-hô-va” và “Kẻ đứng… tại hành lang của nhà Đức Chúa Trời”. Cả hai vị trí nầy đều là nơi chốn của các thầy tế lễ và người Lê-vi, vốn những người được biệt riêng để phục vụ và thờ phượng Đức Chúa Trời ngay tại đền thánh.

Phần lớn giữa vòng con người chúng ta thích nhận sự giúp đỡ của người khác, nhưng không để lòng đến những công ơn đó, và cũng rất tiết kiệm bật lên lời tạ ơn đối với người ban ơn cho mình trong cuộc sống. Nếu có suy nghĩ chúng ta thường có một câu kết: Chẳng qua là… Đây là một thói xấu trong quan hệ giữa người với người, đáng tiếc hơn nữa là nhiều người vẫn đối xử với Chúa cùng một cách như thế.

Chúa Giê-xu đã từng cho biết; dù con người không nhìn biết sự oai nghi vinh hiển của Chúa để ca ngợi Ngài đi nữa, thì cũng có những vật thọ tạo khác cất lên tiếng chúc tụng Danh Ngài, thậm chí cả những vật tưởng chừng như vô tri như đá cũng sẽ cất tiếng ca ngợi Đức Chúa Trời. Lu-ca 19:40 chép: “Ngài đáp rằng: Ta phán cùng các ngươi, nếu họ nín lặng thì đá sẽ kêu lên”. Vì Danh Chúa diệu kỳ và mọi vật trên đất đều đáng phải tôn ngợi Ngài, xứng với quyền năng của Ngài Thi Thiên 150: 6 “Phàm vật chi thở, hãy ngợi khen Đức Giê-hô-va! Ha-lê-lu-gia!”.

Chúng ta, những người đang ra mắt Chúa hôm nay hẳn nhiên là khác với nhiều người đang sống chung quanh, vì chúng ta đã biết Chúa và biết vị trí của mình hiện nay trong trời đất, trong xã hội và cả trong nơi thiêng liêng của Đức Chúa Trời.

Trong cái nhìn của Chúa, mỗi chúng ta là: – Người được Chúa chọn lựa. – Được biệt riêng ra giữa chốn trần gian để thuộc riêng về Chúa. – Những con người nhận biết sự kêu gọi đã trở nên người phục vụ Đức Chúa Trời trong các công việc của nhà Chúa. – Người đang mặt đối mặt với Chúa, đang thành tâm thờ phượng Ngài trong giờ nầy.

Nói cách khác, chúng ta là những con người đang ở trong nhà, trong hành lang của nhà Chúa, đang sống nếp sống thờ phượng Chúa, cùng đang chiêm nghiệm được sự oai nghi, cao cả của Chúa đều phải dâng lên cho Chúa những ngôn từ lẫn hành động để tạ ơn đối với Đức Chúa Trời.

II/ LÝ CỚ NÀO KHIẾN CƠ ĐỐC NHÂN PHẢI DÂNG LỜI TẠ ƠN CHÚA? (câu 3-5)

Hãy ngợi khen Đức Giê-hô-va, vì Đức Giê-hô-va là thiện;
Khá hát ngợi khen danh Ngài, vì ấy là vui.
Vì Đức Giê-hô-va đã chọn Gia-cốp cho mình, Lấy Y-sơ-ra-ên làm cơ nghiệp riêng của Ngài.
Tôi biết rằng Đức Giê-hô-va là lớn, Chúa chúng tôi trổi cao hơn hết các thần.”

Phần này có đề cập đến hai danh xưng của đức Chúa Trời. Danh xưng “Đức Giê-hô-va” trong nguyên ngữ là YHWH (‏יהוה‎) có nghĩa là Đấng tự hữu và hằng hữu, Đấng bày tỏ chính ngài trong mối liên hệ riêng tư với dân sự. Danh xưng “Chúa” trong nguyên ngữ là ‘adōnāy (אֲדֹנָי‎), nghĩa là Chủ, Chúa chí cao.

Chính danh xưng thể hiện bản tính của Đức Chúa Trời và công việc của Ngài đã là những lý cớ khiến tác giả phải kêu gọi những người thuộc về Đức Chúa Trời phải dâng lời tạ ơn đối với Ngài vì:

  1. Chúa là nguồn của sự tốt lành (câu 3)

“Đức Giê-hô-va là thiện” hay Chúa là Đấng toàn hảo, thiện lành. Sáng Thế Ký 1:31 đã khẳng định mọi việc của Chúa đã làm cho thế giới và muôn vật: “Đức Chúa Trời thấy các việc Ngài đã làm thật rất tốt lành”. Chúa là Đấng Toàn hảo, là cội nguồn của sự tốt lành và luôn luôn làm điều đúng để đem lại ích lợi cho những vật thọ tạo của Ngài đến đời đời – Thi Thiên 118.29 “Hãy ngợi khen Đức Giê-hô-va, vì Ngài là thiện; sự nhân từ Ngài còn đến đời đời”.

Có những giây phút khi sống trong cảnh đau buồn, khó khăn, chúng ta đã vội vàng nghĩ rằng: Chúa đã không còn nhớ đến tôi! Hay Chúa không làm điều tốt lành để đem đến ích lợi cho tôi, cho cộng đồng của tôi.v.v. Khi tư tưởng đó xuất hiện và được nuôi dưỡng trong lòng, ắt chúng ta sẽ sống buồn khổ càng hơn và mất đi tầm nhìn sáng suốt, để nhận biết sự tốt lành Đức Chúa Trời đối đãi cho chính mình hay cho Hội Thánh, đồng thời không thể có được tiếng tạ ơn Chúa về những gì Chúa đã làm cho đời sống chúng ta.

Khác với những suy nghĩ nông cạn đó, Đức Chúa Trời vẫn là Đấng toàn hảo, là cội nguồn của sự tốt lành ngay cả trong những hoàn cảnh đau thương chúng ta đối mặt. Đấng ấy sẽ luôn luôn làm mọi điều đúng cho mọi người, mọi vật trong cái nhìn toàn diện của Chúa. Nhà giải kinh Matthew Henry có một kinh nghiệm cảm tạ Chúa: Khi đi đường bị cướp đánh, gây cho thân thể những thương tích, rồi lấy hết tiền bạc chỉ còn lại một cuốn Kinh Thánh. Matthew đã viết lại trong nhật ký của mình rằng: Tôi có bốn điều để tạ ơn Chúa trong vụ cướp nầy:

(1) Tạ ơn Chúa vì đây là lần đầu tiên tôi bị cướp;

(2) Tạ ơn Chúa vì tôi chỉ bị mất của chứ không mất mạng;

(3) Tạ ơn Chúa vì tôi mất của tạm đời nầy nhưng của cải đời đời là Kinh Thánh thì không mất;

(4) Tôi tạ ơn Chúa vì tôi bị cướp chứ tôi không phải là kẻ cướp.

Giữa cảnh hoạn nạn đầy tớ của Chúa vẫn thấy được Chúa Toàn hảo để tạ ơn Ngài. Giữa những cảnh sống đầy đổi thay, thăng trầm, tôi và quý vị có nhìn thấy Chúa là Đấng Toàn hảo đang lo liệu mọi điều tốt lành nhất cho chúng ta không? Nếu có, hãy dâng lên cho Chúa những lời tạ ơn vì Chúa thật tốt lành đối với chính đời sống cá nhân và Hội Thánh trong suốt 100 năm qua trên đất Việt.

  1. Chúa là Đấng chủ tể (câu 4-5)

Chúa đã chọn Gia-cốp…, lấy Y-sơ-ra-ên: Cho thấy rằng Chúa đã có một kế hoạch, Chúa chọn lựa một dòng dõi, một dân tộc để thuộc riêng của Ngài. Khi Chúa hành động như vậy, cũng có nghĩa là Chúa có:

– Thẩm quyền trên mọi dân, mọi nước;

– Đầy sự khôn ngoan để sắp đặt và điều khiển giòng lịch sử.

“Đức Giê-hô-va là lớn, Chúa chúng tôi” hàm ý rằng Chúa là Đấng chủ tể tối cao, không có một quyền lực nào, ngay cả quyền lực của thần linh nào có thể ví sánh với Ngài hay ngăn trở mưu định của Ngài. Giô-sa-phát đã dâng lời cầu nguyện với Đức Chúa Trời: “Lạy Giê-hô-va Đức Chúa Trời của tổ phụ chúng tôi! Ngài há chẳng phải là Chúa ở trên các từng trời sao? Há chẳng phải Đấng quản trị muôn dân muôn nước sao? Ở nơi tay Chúa có quyền thế năng lực, chẳng ai chống trả Chúa cho nổi?” ( II Sử Ký 20:6). Gióp là người từng trải nhiều cảnh ngộ trong cuộc sống cũng đã viết: “Con biết Chúa là Đấng Toàn Năng, ý định Ngài không ai cản trở được” (Gióp 42:2 – BDM).

Đức Chúa Trời vốn rất khôn ngoan thông sáng đã có nhiều kế hoạch trù liệu cho con dân của Ngài. Chúa đã chọn lựa chúng ta trở nên người được cứu, trở nên Hội Thánh tại Việt Nam. Quả thật, Chúa có thẩm quyền tuyệt đối trên từng đời sống con người lẫn cả thế giới. Ngài đã, đang và sẽ điều khiển mọi sự để mọi tôi con Chúa, Hội Thánh sống trong quyền chủ tể Toàn hảo của Ngài. Điều kỳ diệu đó khiến chúng ta phải dâng lời tạ ơn Đức Chúa Trời.

Ước gì mỗi tôi con Chúa đều đếm được các ơn lành Chúa ban và hòa cùng với các thánh trên trời mà ca ngợi Chúa Hằng Hữu, Vì Ngài toàn thiện; cùng nhau hát tôn vinh Danh Chúa, vì Danh Ngài đáng phải được tôn cao!

MS Nguyễn.

(theo BTMV 23- Tháng 5/2011)

Bài trướcChúa Phục Sinh Trao Sứ Mệnh – 17/2/2020
Bài tiếp theoThư Phân Ưu Cùng Tang Quyến Của MsNc Y LHIANG B.YĂ