Người “Thịnh Vượng Mọi Bề”

4455

“Thưa anh quý mến, tôi cầu nguyện cho anh được thịnh vượng mọi mặt, được khỏe mạnh phần xác, cũng như được thịnh vượng về phần hồn”
(III Giăng 2 – BTTHD)

“Mọi bề, mọi mặt” là cách nói dân gian còn các chuyên ngành khoa học dùng từ “toàn diện”.  Khi xem xét bất kỳ một vật hay một việc gì cần xem xét toàn diện. Con người là một sinh vật toàn diện nghĩa là gì?

I. Câu chuyện sáng tạo con người “mọi bề”

Đức Chúa Trời tạo dựng thế giới mà chúng ta đang ở và mọi thứ trong đó gắn bó rất chặt chẽ với nhau. Nói cách khác, mọi thứ, mọi việc trong vũ trụ (kể cả xã hội con người) đều có liên quan chặt chẽ với nhau không thể tách rời.

Chúa tạo dựng con người theo hình ảnh của Đức Chúa Trời (Sáng. 1:26,27) với bốn mối quan hệ nền tảng: mối quan hệ với Chúa, với những tạo vật khác, với người khác và với chính mình. Cả bốn mối quan hệ đó đều tốt lành và có mối liên quan chặt chẽ với nhau, không thể tách rời nhau:

  • Giữa Đấng Tạo hóacon người: mối quan hệ tương giao, vâng phục. Đây là mối quan hệ căn bản nhất, là nền tảng cho các mối quan hệ khác. Mục đích đầu tiên nhất mà Đấng Tạo hóa dựng nên con người là thay mặt Ngài quản trị mọi tạo vật “tốt lành” mà Ngài đã tạo dựng (Sáng. 1:26,28), là hầu việc và bày tỏ Ngài trên đất. Con người ban đầu có mối tương giao trực tiếp, không “tránh mặt” Đấng Tạo dựng mình mỗi khi Ngài “đi ngang qua vườn” (Sáng. 3:8) để trao đổi với Ngài về mọi thứ trong đó có công việc quản trị. Con người là quản gia của Đấng Tạo hóa.
  • Giữa con người với thế giới mà Chúa tạo dựng: mối quan hệ quản trị. Chúa thiết lập vườn Ê-đen, đặt con người vào đó để “ở” (Sáng. 2:8; Thi. 115:15-16), ban cho cái ăn từ cây cỏ mà Ngài đã dựng nên (Sáng. 1:29) để làm nhiệm vụ quản trị. Công việc cụ thể của quản gia của Đấng Tạo hóa là “trồng” (hay canh tác), “giữ” (hay bảo vệ, chăm sóc) (Sáng 2:15), và “đặt tên” (một cách nói về công việc nghiên cứu, tìm hiểu, khám phá, học hỏi) cho mọi loài do Ngài tạo dựng và làm chủ mọi thứ mà mình đặt tên (Sáng. 2:19,20).
  • Giữa người với người: mối quan hệ giúp đỡ nhau một cách thích hợp, tương xứng để làm công việc quản trị. Bởi vì một mình A-đam không thể làm xuể công việc quản trị thế giới vô cùng rộng lớn mà Chúa đã tạo dựng, nên Ngài tạo dựng Ê-va làm người “giúp đỡ thích hợp” A-đam (nguyên nghĩa của từ “giống như”thích hợp, tương xứng, xứng hợp) và cả hai thân thiết với nhau đến mức “trần truồng mà chẳng có gì phải ngượng ngùng” (nguyên nghĩa của từ “hổ thẹn”) (Sáng. 2:18,20,25). Trong thế giới mà Chúa tạo dựng, không chỉ có một mà là nhiều quản gia. Người quản gia giỏi là người biết làm việc theo nhóm, biết phối hợp, giúp đỡ người quản gia khác một cách thân thiết. Giúp đỡ nhau sinh sản để có thể “làm cho đầy dẫy đất”, “làm cho đất phục tùng” (Sáng. 1:28). Sinh sản không để thỏa mãn chính mình mà để tạo dựng thế hệ tiếp nối công việc quản trị “khắp cả đất” (Sáng. 1:26), nhất là khi vì tội lỗi mà con người phải chết. Nhiệm vụ sinh sản chỉ gọi là trọn vẹn khi con người biết giúp đỡ nhau để nuôi, dạy thế hệ tiếp nối trở thành quản gia toàn diện. Như vậy, sinh sản không phải là quan trọng hàng đầu mà chính là nuôi dưỡng và dạy dỗ thế hệ sau.
  • Giữa con người với chính mình: tự chủ, tiết độ: “Giê-hô-va Đức Chúa Trời phán dạy rằng: Ngươi được tự do ăn hoa quả các thứ cây trong vườn; nhưng về cây biết điều thiện và điều ác thì chớ hề ăn đến; vì một mai ngươi ăn, chắc sẽ chết” (Sáng. 2:16,17). Con người mang “sinh khí” của Đấng Tạo hóa (Sáng. 2:7), có nghĩa là có đặc điểm của Đấng Tạo hóa là sáng tạo, yêu thương, công bình. Con người không phải là Tạo hóa mà là quản gia có giá trị, có nhân phẩm, có quyền tự do và đại diện cho Đấng Tạo hóa trên đất. Dù có quyền tự do trong việc quản trị nhưng con người phải có tinh thần trách nhiệm và minh bạch phúc trình lại những gì mình làm cho chủ của mình. Con người được tự do nhưng phải có kỷ luật bản thân, có giới hạn, có “được”“chớ hề”.

Tóm lại, Đấng Tạo hóa tạo dựng các quản gia của Ngài “rất tốt lành” (Sáng. 1:31) trong cả 4 mối quan hệ. Ngài tạo dựng con người toàn diện rất tốt lành“tốt lành mọi bề”.

II. Câu chuyện con người thất bại “mọi bề”

Con người “mọi bề” đã thất bại trong nhiệm vụ quản gia bắt đầu từ việc sử dụng sai quyền tự do của mình (Sáng. 3:1-24):

  • Con người tự do đến mức không tự chủ, tiết độ (đổ vỡ trong mối quan hệ với chính mình): dùng sự tự do của mắt (“thấy trái của cây đó… đẹp mắt”), của tai (nghe dụ dỗ), của trí phán đoán riêng mình (“bộ ăn ngon,… lại quí vì để mở trí khôn”) mà bỏ qua lời dặn, bỏ qua qui luật của Đấng Tạo hóa và hái ăn trái cấm (Sáng. 3:6).

Kết quả là hổ thẹn về tinh thần (“nhận biết mình trần truồng”– Sáng. 3:7), “nhọc nhằn” về đời sống, “đau đớn” về thân thể (Sáng. 3:17-19). Đau ốm, bệnh tật, nghiện ngập,… hầu hết đều là do lối sống, cách làm việc, ăn uống, học hành,… không đúng đắn và theo ý riêng mình, “lấy bụng mình làm Chúa mình” (Phi-líp 3:19). Để rồi khi mắt “mở ra” bèn tìm mọi cách để khắc phục: sửa sang thân thể, chạy thầy chạy thuốc,… một kiểu “kết lá cây vả làm khố che thân” (Sáng. 3:7)!

  • Con người tự do đến mức không vâng phục (đổ vỡ trong mối quan hệ với Đấng Tạo hóa), để rồi “sợ”“ẩn mình giữa bụi cây, để tránh mặt Giê-hô-va Đức Chúa Trời” (Sáng. 3:8).

Kết quả là con người mất đi quyền được trực tiếp thấy, nghe và trò chuyện với Đấng tạo dựng ra mình mặt đối mặt và dần không còn nhận biết đâu là Chân thần. Vì vậy mà nảy sinh việc lập bàn thờ, đền thờ, cúng bái, tu luyện, làm việc thiện tích đức,… tìm cách để nối lại mối quan hệ với các thần linh mà mình “không biết” (Công Vụ 17:23).

  • Con người tự do đến mức rủ nhau làm bậy (“hái ăn, rồi trao cho chồng đứng gần mình, chồng cũng ăn nữa”; “nghe theo lời vợ, ăn trái cây mà Ta đã ra lệnh cấm ăn…” – Sáng. 3:6,17) rồi đổ thừa nhau, gây tổn hại nhau, (“mầy và người nữ, dòng dõi mầy và dòng dõi người nữ thù nghịch nhau…”) nhưng lại vẫn ước muốn sống bên nhau và vẫn cai trị nhau (“vẫn ước muốn sống bên chồng, và chồng sẽ cai trị con” – Sáng. 3:15,16 – BTTHĐ) (đổ vỡ trong mối quan hệ với người khác).

Cũng từ đó mà có bạo lực gia đình, rối loạn xã hội, chiến tranh,…

  • Con người tự do đến mức quản trị sai (đổ vỡ trong mối quan hệ với tạo vật khác). Thay vì quản trị tạo vật của Chúa (trong đó có “bụi cây”) lại để cho bụi cây “quản trị” lại mình (“đi ẩn mình giữa bụi cây” – Sáng. 3:8). Để rồi “Giê-hô-va Đức Chúa Trời bèn đuổi loài người ra khỏi vườn Ê-đen” (Sáng. 3:23).

Chúng ta nghĩ gì về đứa con nhỏ không ăn lại còn nghịch phá, bóp nát chiếc bánh ngon mẹ làm cho mình; hay là về đứa con lớn ăn nhậu chơi bời, tiêu xài hoang phí khoản tiền mà cha mình làm việc cực nhọc, tiện tặn tích cóp gửi cho khi đi học nơi xa? Tạo vật của Chúa (trong đó có thân thể mình) là biểu hiện chính Ngài (Thi Thiên 19:1; Sáng. 1:26-27; 9:6; Gia-cơ 3:9). Làm tổn hại, làm ô uế tạo vật của Chúa (trong đó có thân thể, trí óc của mình) cũng chính là làm tổn hại chính Ngài, làm ô uế danh Ngài (Giê-rê-mi 2:7). Đất đai bị “nguyền rủa”. Con người “phải khổ nhọc suốt đời mới có miếng ăn từ đất sinh ra. Đất sẽ sinh gai góc và cây tật lê”, “vì con là cát bụi, con sẽ trở về với cát bụi” (Sáng. 3:17-19 – BTTHĐ). Con người sợ nắng mưa (“nắng không ưa, mưa không chịu, ghét gió, kỵ mù sương,…”) và tìm mọi cách để cách ly khỏi môi trường thiên nhiên mà Chúa đã đặt để mình sống. Suy cho cùng tất cả những điều đó đều là do khả năng quản trị sai mà ra (Xem thêm Giê-rê-mi 2:7).

Con người bắt đầu từ sự đổ vỡ mối quan hệ với chính mình dẫn đến sự đổ vỡ trong tất cả các mối quan hệ, mà căn bản nhất là mối quan hệ với Đấng Tạo hóa. Con người đổ vỡ toàn diệnthất bại “mọi bề”!

III. Câu chuyện cứu rỗi con người “mọi bề”

  1. Chúa Giê-xu – Con người “mọi bề”

Tân Ước cũng vậy, Lu-ca cũng mô tả con người của Chúa Giê-xu một cách toàn diện: “Đức Chúa Jêsus khôn ngoan càng thêm (tinh thần), thân hình càng lớn (thân thể), càng được đẹp lòng Đức Chúa Trời (mối quan hệ với Chúa) và người ta (mối quan hệ xã hội) (Lu-ca 2:52). Điều đó có nghĩa là giữa trí óc, thân thể, mối quan hệ với Chúa và với người xung quanh không tách rời nhau.

Sách Nhã Ca mô tả vua Sa-lô-môn và người yêu Su-la-mít. Vua Sa-lô-môn được xem là hình ảnh thân vị của Chúa Giê-xu, Su-la-mít được xem là hình ảnh của Hội Thánh. Cả hai“xinh đẹp mọi bề” không chỉ về vẻ ngoài mà cả trong tâm hồn, trong mối quan hệ giữa tín hữu với nhau, với cộng đồng xung quanh và với Chúa (Nhã Ca 2; 4:7).

Chúa Giê-xu là con người toàn diện – “tốt lành mọi bề”.

2. Chúa Giê-xu đến để cứu rỗi con người “mọi bề”

Tiên tri Ê-sai đã nói trước về công việc của Chúa Giê-xu là đem sự giải cứu đến không chỉ “kẻ buồn rầu, tang chế, lòng nặng nề, yếu đuối, run en, sợ hãi” (về mặt tinh thần) mà còn “kẻ mù, kẻ điếc, kẻ què, kẻ câm” (về mặt thân thể) mà còn “đồng vắng, đất khô hạn, sa mạc, các nóng, ruộng khô, hang chó đồng” (mối quan hệ với môi trường sống – Ê-sai 35:1-10; 61:1-3).

Chính Chúa Giê-xu trong bài giảng đầu tiên tại nhà hội cũng đã dùng lời tiên tri của Ê-sai để công bố công việc của Ngài là: “truyền tin lành, đồn ra năm lành của Chúa, rao năm ban ơn” (về mặt xã hội), đem sự cứu rỗi, sự chữa lành cho “kẻ nghèo, bị cầm, bị mù, bị hà hiếp (Lu-ca 4:18-19) và sau đó nhắc lại qua lời nhắn cho Giăng Báp-tít đang bị tù: “kẻ mù, què, phung, điếc, chết, nghèo, khó khăn” (về mặt thân thể và quan hệ xã hội – Lu-ca 7:22; Ma-thi-ơ 11:5).

Phao-lô mô tả công việc của Chúa Giê-xu là tạo dựng, gìn giữ hòa giải muôn vật (Cô-lô-se 1:15-20). Nói cách khác, Ngài là Đấng Sáng tạo, Đấng Bảo tồn và Đấng Hòa giải muôn vật, trong đó có con người. Vì con người sa ngã, bất lực, không thể tự cứu mình, nên Chúa Giê-xu đã đến trần gian để phục hòa tất cả các mối quan hệ bị đổ vỡ của con người: không chỉ phục hòa con người với Chúa (về mặt linh hồn – mối quan hệ với Chúa) mà còn phục hòa con người với chính mình (xác lẫn hồn), với người xung quanh (mối quan hệ xã hội) và với môi trường mình sống (mối quan hệ với thiên nhiên).

Chúa Giê-xu đến để phục hòa “mọi bề” của con người, bắt đầu bằng việc quan trọng nhất là phục hòa mối quan hệ với chính Ngài, Đấng tạo dựng nên con người “mọi bề”.

3. Các Sứ đồ và môn đồ luôn hướng đến con người “mọi bề”

Sứ đồ Phao-lô đặc biệt quan tâm đến mối quan hệ mật thiết, không tách rời giữa con người với Chúa, với người sống quanh mình và mô tả điều đó qua hình ảnh thân thể là “đền thờ của Đức Thánh Linh” (I Cô-rinh-tô 6:19); “hết thảy chúng ta đều là các phần chi thể của nhau” (Rô-ma 12:5); “thân thể của anh em là chi thể của Đấng Christ” (I Cô-rinh-tô. 6:15); “Đấng Christ là đầu Hội Thánh, Hội Thánh là thân thể Ngài” (Ê-phê-sô 1:22-23; 5:23; Cô-lô-se 1:18). Mối liên hệ chặt chẽ giữa các tất cả các cơ quan bộ phận trong thân thể chính là sự hiệp một của Hội Thánh (mối quan hệ con người với con người) và sự hiệp một với Chúa (mối quan hệ con người với Đấng Tạo hóa). Mọi người là chi thể của nhau và là chi thể của thân Chúa (I Cô-rinh-tô 12:12-30; Ê-phê-sô 4:25; 5:29-30; Rô-ma 12; 11:16).

Tóm tắt lại, Chúa Giê-xu đã đến để đưa nhà quản trị của Ngài trở lại tình trạng ban đầu theo ý định của Ngài khi tạo dựng, nghĩa là “rất tốt lành” về mọi bề, mọi mặt, toàn diện: phần xác (thân thể, tinh thần trí óc – mối quan hệ với chính mình), phần hồn (mối quan hệ với Chúa), phần quan hệ với người khác (Hội Thánh địa phương, cộng đồng, đất nước) và phần quan hệ môi trường sống (mối quan hệ với thiên nhiên).

Kết quả của khái niệm toàn diện, mọi bề đó có thể gói gọn trong hai từ nằm rải rác khắp Kinh Thánh Tân ước: “hiệp một”.

IV.    Con người “thịnh vượng mọi bề”

  1. Theo Y Học
  • Y học cổ truyền (Đông y) luôn xem xét con người một cách toàn diện

Bằng cách nói của mình, khoa học phương đông, trong đó có Y học cổ truyền, từ ngàn xưa vẫn luôn xem con người là một tổng thể (qua khái niệm Thái cực và học thuyết Thiên Nhân hợp nhất). Người xưa không bàn về nguồn gốc mà chỉ bàn về quá trình hình thành vạn vật trong vũ trụ. Vũ trụ bắt đầu hình thành bằng sự kiện “Thiên khí giáng, Địa khí thăng” tạo thành “khí giao”, từ khí giao sinh ra vạn vật trong đó có con người (Nhân). Con người là một tiểu vũ trụ sống giữa và không tách rời đại vũ trụ. Vì có cùng một nguồn gốc nên con người và thế giới xung quanh có mối liên quan chặt chẽ với nhau, không tách rời nhau được. Thiên Địa biến đổi, Nhân cũng biến đổi theo tương ứng. Nếu Nhân tách rời khỏi Thiên Địa thì sẽ không sống còn. Đó là cốt lõi của học thuyết Thiên Nhân hợp nhất mà Y học cổ truyền lấy làm nền tảng cho mọi hoạt động của mình.

Vì vậy, thầy thuốc Y học cổ truyền luôn nhìn con người (Nhân) trong môi trường mà họ sống (Thiên Địa – bao gồm môi trường tự nhiên lẫn môi trường xã hội), không tách rời Nhân với Thiên Địa. Ông luôn xem xét mọi mặt khi dùng chữ “Nhân” (con người bình thường lẫn đau bệnh): nhân thân, nhân thể, nhân trí, nhân tính, nhân tình, nhân tâm, nhân sinh (bao gồm các yếu tố thừa hưởng từ bẩm sinh, di truyền – gọi là tiên thiên – và những gì nhận được từ sau khi chào đời – gọi là hậu thiên trong đó có nhân đạo, nhân đức). Tình hình sức khỏe của con người có liên quan trực tiếp với môi trường sống xung quanh (thời tiết, khí hậu, địa lý lẫn cộng đồng xã hội). Vì vậy, thầy thuốc cổ truyền luôn hỏi bệnh và thăm khám rất lâu và rất kỹ. Sức khỏe không chỉ có thân thể.

Người khỏe là người có hoạt động thân thể, tinh thần trí óc và lối sống thuận theo qui luật của trời đất, vì vậy mà “thịnh vượng mọi bề”. “Thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong” (thuận theo trời đất thì còn, nghịch với trời đất thì mất).

  • Y học hiện đại (Tây y) luôn xem xét con người một cách toàn diện

Y học ngày nay cũng nhìn con người một cách toàn diện và định nghĩa sức khỏe là “tình trạng hoàn toàn thoải mái về thể chất, tinh thầnxã hội chứ không phải chỉ là không có bệnh tật hay yếu đuối” (WHO, 1948). Nói cách khác, khi xem xét con người dù khỏe mạnh, yếu ớt hay đau bệnh, thầy thuốc hiện đại ngày nay đều phải xem xét mọi mặt không tách rời: cơ thể, tinh thần và mối quan hệ với môi trường sống (xã hội và thiên nhiên xung quanh).

Định nghĩa sức khỏe nêu trên bao gồm hai điều: sự thoải máisự toàn diện (hay mọi bề). Tạm bỏ qua sự thoải mái, sự toàn diện trong định nghĩa sức khỏe thể hiện qua sự thống nhất, gắn bó chặt chẽ không thể tách rời nhau:

  • Trong thân thể con người: Giữa cơ quan bộ phận này với cơ quan bộ phận khác, giữa thân xác và tinh thần (trí não và tình cảm, cảm xúc) không tách biệt nhau, mà luôn gắn bó chặt chẽ với nhau. Nếu tách rời nhau sẽ tiêu vong. Khi một ngón tay bị đau, cả cánh tay đó rụt lại, mắt nhìn xuống, miệng kêu lên, tay kia vươn qua giúp, tim đập nhanh, phổi thở gấp, v.v… tùy tình hình nặng nhẹ mà còn có hàng loạt phản ứng khác nữa xảy ra gần như tức thì. Không phải là không có lý do khi dân gian có câu nói “lo bạc râu sầu bạc tóc, rầu thúi ruột, giận cành hông, giận ói máu,…” “Lòng vui mừng vốn một phương thuốc hay; Còn trí nao sờn làm xương cốt khô héo” (Châm. 17:22).
  • Trong cộng đồng xã hội: Giữa con người và cộng đồng xã hội mà người đó sống luôn có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Nếu tách biệt sẽ không sống được. Một người bị tai nạn, người khác cảm thương vội đến giúp đỡ dù không có họ hàng bà con gì với nhau. Nhiều câu tục ngữ nói lên điều đó: “Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ”; “con sâu làm rầu nồi canh”; “máu chảy ruột mềm”; “cha ăn trái nho chua, mà con ghê răng” (Êx. 18:2; Giê. 31:29);…
  • Giữa con người và môi trường tự nhiên (vị trí địa lý, thời tiết, khí hậu mà con người đó sống): Toàn bộ thế giới tự nhiên đều vận hành theo những qui luật do Tạo hóa thiết lập. Sống trái qui luật của Tạo hóa sẽ mắc bệnh và tiêu vong. Rất nhiều thí dụ: Nằm ngủ nơi nhiều gió lùa rất dễ bị “trúng gió” do mất nhiệt đột ngột. Ăn vội dễ gây bệnh dạ dày, ruột và dinh dưỡng vì bỏ qua miệng nhai. Vùng đất nhiều nắng có nhiều cây thuốc trị cảm nắng, v.v… Nguyên nhân sâu xa của thiên tai, hạn hán, bão lũ, nước biển dâng, bệnh tật,… đa phần là do con người tham lam, thiếu hiểu biết, tầm nhìn hạn hẹp,… không hiểu sự hài hòa “tốt lành” của tự nhiên. Phao-lô có lý do khi khuyên“Chớ căm giận cho đến khi mặt trời lặn” (Ê-phê-sô 4:26).

Như vậy, y học xưa lẫn nay đều nhìn con người một cách toàn diện. Sức khỏe là vấn đề toàn diện. Nếu tách rời các cơ quan bộ phận trong cùng một cơ thể, tách rời một con người ra khỏi xã hội, tách rời con người ra khỏi thiên nhiên, thì con người sẽ tiêu vong. Đau dạ dày không phải là vấn đề của chỉ dạ dày (thân thể), mà còn là vấn đề của tinh thần trí óc (sự hiểu biết, ý chí, tình cảm), lối sống (không điều độ), cách ăn uống (không đúng), mối quan hệ với thế giới tự nhiên và với người xung quanh (stress). Theo y học, có 3 yếu tố chính quyết định đến sức khỏe của một người: Hàng đầu là lối sống, kế đến là môi trường (môi trường xã hội lẫn môi trường thiên nhiên) và cuối cùng là cơ địa (bẩm sinh, di truyền).

Người khỏe là người luôn biết cách giữ thoải mái về mọi mặt và trong mọi mối quan hệ: tinh thần, thân thể, quan hệ xã hội, quan hệ với môi trường, có như vậy mới “thịnh vượng mọi bề”.

2. Theo Kinh Thánh

Đấng Tạo hóa không tạo dựng một thế giới hỗn độn gồm những vật thể hay con người riêng rẽ, mà Ngài tạo dựng một thế giới “tốt lành” có mối liên quan với nhau một cách chặt chẽ, trong đó có con người “mọi bề”. Con người cao quý hơn mọi sinh vật khác, mang hình ảnh và sinh khí của Tạo hóa, mang đặc tính “công bình, thánh sạch” (Ê-phê-sô 4:24) và “hiểu biết” của Ngài (Cô-lô-se 3:10) để “quản trị… khắp cả đất”. Vì vậy mà con người là “tốt lành toàn diện”, “tốt lành mọi bề” hay “thinh vượng mọi bề”. Chỉ trong một đoạn đầu tiên của sách Sáng Thế Ký hai chữ “tốt lành” được chép đến 7 lần. Riêng lần thứ 7 là “rất tốt lành” sau khi tạo dựng con người (Sáng. 1:26,28).

Toàn diện là qui luật nền tảng mà Chúa đặt để khi tạo dựng nên thế giới này. Cần xem xét mọi người, mọi vật, mọi việc, mọi hiện tượng một cách toàn diện, mọi bề để có một phán đoán hay quyết định đúng đắn. Xét riêng về vấn đề sức khỏe hay bệnh tật cũng vậy, không phải là vấn đề của chỉ thân thể mà là của con người toàn diện: thân thể, tinh thần trí óc, mối quan hệ xã hội, mối quan hệ với môi trường tự nhiên và trên hết là mối quan hệ với Chúa. Dưới con mắt của Đấng Tạo Hóa, không có việc tách rời con người với Ngài, không có việc tách rời thân thể ra khỏi tinh thần, không có việc tách rời con người ra khỏi cộng đồng xung quanh hay thiên nhiên xung quanh.

Trong Cựu Ước, Đứa Chúa Trời luôn phán dạy dân Y-sơ-ra-ên rằng việc có vâng giữ điều răn, luật lệ và mạng lịnh của Ngài hay không luôn ảnh hưởng mật thiết đến dân tộc, dòng họ, gia đình, đất đai của họ.

Chúa Giê-xu là một hình mẫu của con người “thịnh vượng mọi bề”: “khôn ngoan, thân hình, đẹp lòng Đức Chúa Trời, đẹp lòng người ta” (Lu-ca 2:52).

Với Phao-lô, người “thịnh vượng mọi bề” là người có thân thể và tinh thần sạch theo nghĩa đem lẫn nghĩa bóng, kính sợ Chúa và sống đúng theo ý muốn của Chúa (nên thánh): “Hỡi những kẻ rất yêu dấu của tôi, chúng ta đã có lời hứa dường ấy, thì hãy làm cho mình sạch khỏi mọi sự dơ bẩn phần xác thịt và phần thần linh, lại lấy sự kính sợ Đức Chúa Trời mà làm cho trọn việc nên thánh của chúng ta” (II Cô-rinh-tô 7:1).

Với Gia-cơ, người “thịnh vượng mọi bề” là người có đức tin nơi Chúa thể hiện qua việc làm, có mối quan hệ tương trợ tốt lành với “anh em hay chị em”; có mối quan hệ mật thiết giữa thân thể và linh hồn: “Hỡi anh em, nếu ai nói mình có đức tin, song không có việc làm, thì ích chi chăng? Đức tin đó cứu người ấy được chăng? Ví thử có anh em hoặc chị em nào không quần áo mặc, thiếu của ăn uống hằng ngày, mà một kẻ trong anh em nói với họ rằng: Hãy đi cho bình an, hãy sưởi cho ấm và ăn cho no, nhưng không cho họ đồ cần dùng về phần xác, thì có ích gì chăng? Về đức tin, cũng một lẽ ấy; nếu đức tin không sanh ra việc làm, thì tự mình nó chết”, “Vả, xác chẳng có hồn thì chết, đức tin không có việc làm cũng chết như vậy” (Gia-cơ 2:14-17, 26).

Sứ đồ Giăng cũng vậy, ông chúc người bạn Gai-út của mình khỏe mạnh về thể xác cũng như thịnh vượng về linh hồn: “Thưa anh quý mến, tôi cầu nguyện cho anh được thịnh vượng mọi mặt, được khỏe mạnh phần xác, cũng như được thịnh vượng về phần hồn” (III Giăng 2 – BTTHĐ). Các câu tiếp theo là những điều Giăng mô tả về Gai-út trong mối quan hệ với Chúa, với chính mình và với người khác.

Như vậy, người “thịnh vượng mọi bề” là người “rất tốt lành” trong cả 4 mối quan hệ: với Chúa (tương giao, vâng phục), với chính mình (kỷ luật bản thân), với người xung quanh (giúp đỡ thích hợp) và với tạo vật khác của Chúa (quản trị). Con người đó sẽ kinh nghiệm được sự tốt lành, đầy trọn của cuộc sống mà Đấng Tạo hóa đã chủ ý khi dựng nên con người. Mối quan hệ với Chúa là nền tảng cho ba mối quan hệ còn lại. Chỉ có người thực sự “hòa thuận” trong mối quan hệ với Đấng tạo ra mình mới thực sự khỏe mạnh phần xác, phong phú phần hồn, tươi vui hài hòa trong mối quan hệ với con người và thế giới xung quanh (Rô-ma 5:1,10; 12:18; Ê-phê-sô 2:16; 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:13; Châm Ngôn 16:7). Sự đau ốm phần xác hay buồn bực phần hồn (mối quan hệ với chính mình), rắc rối về mặt xã hội (mối quan hệ với người khác), làm ăn thất bát, thiếu tôn trọng môi trường thiên nhiên (mối quan hệ với thế giới tự nhiên) là hậu quả của sự “bất hòa” với Chúa, không vâng phục Chúa (mối quan hệ với Đấng Tạo ra mình).

Người “thịnh vượng mọi bề” không chỉ lo cho chính mình thịnh vượng, mà mình còn biết giúp người khác thịnh vượng. Vì Chúa Giê-xu là Đấng Sáng tạo, Bảo tồn, Hòa giải (hay Phục hòa) (Cô-lô-se 1:15-20), nên bất kỳ ai tin nhận và theo Ngài cũng phải giống Chúa (I Giăng 3:2), trở thành Người Sáng tạo, Bảo tồnHòa giải (hay Phục hòa). Công việc của người tin Chúa là phải vâng theo mạng lịnh của Ngài trong việc tạo dựng, gìn giữ,phục hòa (hay hòa giải); không chỉ với mọi người mà còn tạo dựng, gìn giữ,phục hòa muôn vật (II Cô-rinh-tô 5:20). Nghĩa là giúp mọi người xung quanh phục hòa tất cả các mối quan hệ; trước tiên giúp họ phục hòa với Chúa, không chỉ truyền rao tin lành cứu rỗi mà còn “dạy họ giữ hết cả mọi điều mà Ta đã truyền” (Xuất. 18:20; Ma-thi-ơ 28:20), kế đến là phục hoà chính họ (thân thể lẫn tinh thần, xác lẫn hồn), phục hòa với người khác (xã hội, cộng đồng) và phục hòa với môi trường tự nhiên xung quanh (tạo vật khác).

Về mặt y học, trong tinh thần Cơ Đốc, quan tâm toàn diện là nguyên tắc đầu tiên để có sức khỏe: giữ cho hoàn toàn thoải mái với chính mình (thân thể, tinh thần của mình), với Chúa, với tạo vật của Ngài với người khác. Việc phòng ngừa bệnh tật, điều trị bệnh tật, phục hồi sức khỏe thể chất cần quan tâm không chỉ cơ thể mà trước tiên là mối quan hệ với Chúa, Đấng tạo dựng nên mình (đức tin), với chính mình (thân thể và tinh thần), với người khác (lối sống giữa gia đình và cộng đồng) và với môi trường (lối sống giữa thiên nhiên).

Chúa đã đặt để mỗi một con cái Ngài ở giữa gia đình, dòng họ, làng xã, cộng đồng, đất nước hay Hội Thánh mà mình đang sống. “Vì Đức Chúa Trời chẳng ban cho chúng ta tâm thần nhút nhát, bèn là tâm thần mạnh mẽ, có tình thương yêu và dè giữ” (2 Ti-mô-thê 1:7). Con cái Chúa phải là con người “thịnh vượng mọi bề”. Hiểu như vậy mới biết cách sống và ứng xử đúng đắn (1) đối với Đấng Tạo dựng và Cứu rỗi mình; (2) đối với chính mình (thân thể, tinh thần, trí óc, tình cảm,…); (3) đối với người khác trong cộng đồng (gia đình, Hội thánh, cộng đồng, quê hương đất nước); và (4) đối với môi trường xung quanh mà mình đang sống./.

Ding Bual

Bài trướcMùa Gặt Giáng Sinh 2019 Tại Tỉnh Cà Mau
Bài tiếp theoThơ: CON ĐƯỜNG PHÍA TRƯỚC