Sự Kỳ Diệu Của Đấng Sáng Tạo – 27/10/2019

2971


Gióp
39:12-21

“Ôi! sâu nhiệm thay là sự giàu có, khôn ngoan và thông biết của Đức Chúa Trời! Sự phán xét của Ngài nào ai thấu được, đường nẻo của Ngài nào ai hiểu được” (Rô-ma 11:33).

Câu hỏi suy ngẫm: Những đặc tính của bò tót và đà điểu ra sao? Bạn thấy kiến thức của mình về sự tạo dựng muôn thú của Chúa ra sao? Bạn học được điều gì và có những thay đổi gì qua bài học này?

Trong phân đoạn Kinh Thánh hôm nay, Đức Chúa Trời tiếp tục bày tỏ cho ông Gióp thấy quyền năng của Ngài qua sự sáng tạo vũ trụ. Chúa nêu những đặc tính của con bò tót và chim lạc đà (đà điểu) để cho thấy sự khôn ngoan của ông Gióp nói riêng và của con người nói chung rất giới hạn. Chúa chỉ cho ông Gióp thấy ngay cả việc thuần phục bò tót, con người còn chưa làm được, thì làm sao hiểu được sự tạo dựng con bò tót. Bò tót (aurochs) là loại bò hoang to lớn, rất bướng bỉnh, không theo sự hướng dẫn hay ràng buộc của con người. Con người không thể giữ nó trong chuồng, dùng nó để cày bừa, chuyên chở hay buộc nó phải đập lúa. Dù bò tót không xa lạ với con người, nhưng con người vẫn chưa có đủ sự khôn ngoan để thuần phục nó. Tiếp theo, Chúa cho ông Gióp suy nghĩ về chim lạc đà hay còn gọi là đà điểu. Dù là loài chim với hai cánh dày, nhưng đà điểu không thể bay. Dù đẻ trứng, nhưng đà điểu không làm tổ bằng cây cỏ mà lại vùi trứng dưới cát. Trứng đà điểu rất lớn, nhưng hố vùi trứng lại cạn, nên thường bị “chân người bước nát nó, hay con thú đồng giày đạp nó” (câu 18). Điểm yếu của loài chim này là kém khôn lanh, nên các con của chúng thường không được bảo vệ tốt khi mới sinh. Nhưng dù vậy, Chúa cho đà điểu có khả năng chạy rất nhanh. Nó có thể chạy tới tốc độ 60 km/giờ, ngay cả ngựa cũng không theo kịp (câu 21).

Khi nghiên cứu về con bò tót và đà điểu, chúng ta đều thấy sự kỳ diệu trong sự sáng tạo của Chúa. Mỗi loài vật Chúa ban cho chúng những đặc tính riêng, có điểm yếu, có điểm mạnh, hầu cho nó có thể tồn tại và phát triển trong mỗi môi trường khác nhau. Càng nghiên cứu sâu hơn về mỗi loài thú, chúng ta càng thấy nhiều sự lạ lùng, và càng thấy sự kỳ diệu của Đấng sáng tạo ra chúng.

Chúng ta cũng như ông Gióp không thể trả lời những câu hỏi của Đức Chúa Trời về sự sáng tạo của Ngài, mà chỉ chấp nhận sự kém khôn ngoan của mình. Thật như Sứ đồ Phao-lô đã nói: “Ôi! sâu nhiệm thay là sự giàu có, khôn ngoan và thông biết của Đức Chúa Trời! Sự phán xét của Ngài nào ai thấu được, đường nẻo của Ngài nào ai hiểu được” (Rô-ma 11:33). Trước sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời, chúng ta chỉ biết cúi đầu dâng lên Ngài lời chúc tụng, ngợi ca.

Khi suy nghĩ về những tạo vật, bạn đã tin cậy và ca ngợi Chúa như thế nào?

Kính lạy Chúa Toàn Năng, con tạ ơn Chúa vì Ngài đã dạy con biết sự khôn ngoan giới hạn của con khi tìm hiểu những tạo vật của Chúa. Xin Chúa cho con nhận biết Chúa Toàn Năng và hết lòng tin cậy, thờ phượng Ngài.

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Giê-rê-mi 15.

Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.

Mọi ý kiến đóng góp xây dựng, xin quí vị vui lòng gởi về địa chỉ: radio@httlvn.org

Bài trướcGia Lai: Hội Đồng Thành Lập Chi Hội Plei Kǒ
Bài tiếp theoĐồn Công Việc Ngài Ra – 28/10/2019