Lưu Danh Muôn Thuở – 26/1/2019

2737

 

I Sử Ký 2:1-17

1 Con trai của Y-sơ-ra-ên là Ru-bên, Si-mê-ôn, Lê-vi, Giu-đa, Y-sa-ca, Sa-bu-lôn, 2 Đan, Giô-sép, Bên-gia-min, Nép-ta-li, Gát, và A-se.
3 Con trai của Giu-đa là Ê-rơ, Ô-nan, và Sê-la. Ba người nầy Giu-đa sanh ra bởi con gái Su-a, người Ca-na-an. Ê-rơ, con cả của Giu-đa, làm sự dữ trước mặt Đức Giê-hô-va, nên Ngài giết nó đi. 4 Ta-ma, là dâu của Giu-đa, sanh cho người Phê-rết và Xê-rách. Tổng cộng các con của Giu-đa được năm người.
5 Con trai của Phê-rết là Hết-rôn và Ha-mun.
6 Con trai của Xê-rách là Xim-ri, Ê-than Hê-man, Canh-côn, và Đa-ra, cộng là năm người. 7 Con trai của Cạt-mi là A-ca, tức kẻ làm rối loạn trong Y-sơ-ra-ên, phạm đến vật nghiêm cấm. 8 Con trai của Ê-than là A-xa-ria.
9 Con trai Hết-rôn sanh ra là Giê-rác-mê-ên, Ram, và Kê-lu-bai.
10 Ram sanh ra A-mi-na-đáp, A-mi-na-đáp sanh Na-ha-sôn, làm quan trưởng của người Giu-đa. 11 Na-ha-sôn sanh Sanh-ma, 12 Sanh-ma sanh Bô-ô, Bô-ô sanh Ô-bết, Ô-bết sanh Y-sai. 13 Y-sai sanh con đầu lòng là Ê-li-áp, con thứ nhì là A-bi-na-đáp, thứ ba là Si-mê-a, 14 thứ tư là Na-tha-na-ên, thứ năm là Ra-đai, 15 thứ sáu là Ô-xem, thứ bảy là Đa-vít. 16 Còn Xê-ru-gia và A-bi-ga-in là chị em của những người ấy. Xê-ru-gia có ba con là A-bi-sai, Giô-áp, và A-xa-ên. 17 A-bi-ga-in sanh A-ma-sa; cha của A-ma-sa là Giê-the người Ích-ma-ên. 

Câu gốc: “Con trai của Cạt-mi là A-ca, tức kẻ làm rối loạn trong Y-sơ-ra-ên, phạm đến vật nghiêm cấm” (I Sử Ký 2:7).

Câu hỏi suy ngẫm: Bản gia phả trong 9 chương đầu sách I Sử Ký có những đặc điểm gì? Phần Kinh Thánh hôm nay cho biết gì về đời sống đức tin của ông Ê-rơ và ông A-ca? Bài học này nhắc nhở con dân Chúa những điều quan trọng nào?

Sách I Sử Ký từ chương 1 đến chương 9 ghi lại gia phả của dân Y-sơ-ra-ên từ tổ phụ A-đam trở đi. Trong bảng danh sách đó, một số tên nhân vật hoặc dòng dõi có ghi kèm tình trạng tin kính hoặc tội lỗi của họ (I Sử Ký 5:25; 9:1…). Phần gia phả chúng ta chọn để đọc hôm nay cũng vậy, không chỉ ghi chép tên các thế hệ nhưng còn ghi lại sự phán xét hoặc ban ơn của Đức Chúa Trời tùy theo lòng tin kính hoặc bất trung của người có tên trong gia phả. Ví dụ như gia phả cho biết “Ê-rơ là con cả của Giu-đa làm sự dữ trước mặt Đức Giê-hô-va, nên Ngài giết nó đi” (câu 3b). Cũng giống ông Ê-rơ, ông A-ca (câu 7) là người được lưu danh muôn thuở không phải vì những việc tốt lành nhưng vì sự gian ác đã phạm. Ông A-ca cũng chính là A-can được nói đến trong Giô-suê 7:1, là người đã cất giấu vật phải phú dâng cho Đức Giê-hô-va để hủy diệt đi (Giô-suê 6:17). Trong gia phả này, tên ông A-can được ghi là “A-ca” với hàm ý chê trách, vì “A-ca” có nghĩa là “rối loạn” hay “phiền nhiễu.” Bên cạnh tên “A-ca, bản gia phả còn ghi thêm lời giải thích về tội ông đã phạm “tức kẻ làm rối loạn trong Y-sơ-ra-ên, phạm đến vật nghiêm cấm” (câu 7).

Lịch sử Hội Thánh luôn thấy có hai thành phần đáng cho hậu thế ghi nhớ, thành phần trung kiên theo Chúa, để lại những di sản thuộc linh đáng trân trọng; và thành phần bất trung, để lại những vết hằn khó phai trong Hội Thánh Chúa. Điều này nhắc chúng ta rằng, đời sống đức tin của chúng ta cũng sẽ được con cháu, những người trong Hội Thánh ghi nhớ. Những gì tốt đẹp lẫn xấu xa mà chúng ta thực hiện, và những điều Đức Chúa Trời đã làm cho chúng ta, có thể sẽ được những Cơ Đốc nhân đời sau lưu truyền rất lâu, cả trong những câu chuyện truyền miệng của họ hoặc những ghi chép trong sử sách của giáo hội.

Lịch sử của cá nhân và Hội Thánh sẽ do hậu thế ghi lại, nhưng chính chúng ta bởi đời sống và đức tin của mình trong những ngày còn trên đất này mới thật sự quyết định nội dung những dòng chữ đó ghi lại những gì. Một đời sống tin kính sẽ khích lệ con cháu đời sau, ngược lại một đời sống bất trung sẽ bị hậu thế chê cười. Bài học nhắc nhở mỗi chúng ta phải luôn cẩn trọng trong đời sống theo Chúa, cứ trung tín theo Chúa và hết lòng phục vụ Ngài để có thể nêu gương tốt cho hậu thế, đặc biệt là cho con cháu chúng ta.

Nếu viết ra vài dòng ngắn gọn về tiểu sử đời sống tin kính của mình, bạn sẽ viết những gì?

Lạy Chúa, xin giúp con sống một đời sống đem lại sự khích lệ cho người đời sau chứ không là một gương xấu để họ cười chê hay sợ hãi.

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: II Sa-mu-ên 21.

Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.

Mọi ý kiến đóng góp xây dựng, xin quí vị vui lòng gởi về địa chỉ: radio@httlvn.org

Bài trướcTại sao chọn con đường vào thần học viện?
Bài tiếp theoĐức Chúa Trời Ở Cùng Chúng Ta (Em-ma-nu-en)