Đồng Lòng Hay Đồng Lõa – 21/2/2018

3182

 

Giê-rê-mi 7:16-19

16 Cho nên ngươi chớ vì dân nầy mà cầu thay; đừng vì nó mà cất tiếng khấn vái cầu nguyện, cũng đừng cầu thay cùng ta, vì ta sẽ chẳng nghe ngươi. 17 Ngươi há chẳng thấy điều họ làm trong các thành của Giu-đa và trong các đường phố Giê-ru-sa-lem sao? 18 Con lượm củi, cha nhen lửa, đàn bà nhồi bột, đặng làm bánh dâng cho nữ vương trên trời, và làm lễ quán cho các thần khác, để chọc giận ta. 19 Đức Giê-hô-va phán: Có phải chúng nó chọc giận ta chăng? Há chẳng phải chúng nó tự chọc mình, chuốc lấy điều hổ mặt cho mình sao? 

Câu gốc: “…nhưng ta và nhà ta sẽ phục sự Đức Giê-hô-va” (Giô-suê 24:15b).

Câu hỏi suy ngẫm: Trong câu 18, Tiên tri Giê-rê-mi đã liệt kê bao nhiêu thành viên trong gia đình góp phần trong việc thờ thần tượng? “Nữ vương trên trời” là ai? Tầm quan trọng của sự giáo dục và nêu gương của cha mẹ đối với con cái như thế nào?

Cổ nhân có câu: “Đồng vợ đồng chồng, tát biển đông cũng cạn”. Câu nói gợi lên một hình ảnh đẹp của một gia đình luôn có sự nhất trí, đồng tâm tình với nhau giữa các thành viên. Có được tinh thần đó thì cho dù công việc có khó khăn, lớn lao đến đâu cũng có thể hoàn thành tốt đẹp. Kinh Thánh ghi lại cho chúng ta lời tuyên xưng niềm tin, cũng như thể hiện quyết tâm của lãnh tụ Giô-suê thật đáng để chúng ta khâm phục và noi theo: ta và nhà ta sẽ phục sự Đức Giê-hô-va.” Trái ngược hoàn toàn với những hình ảnh đẹp ấy, là hình ảnh một gia đình bao gồm đầy đủ các thành viên đang cùng nhau làm một việc trái nghịch với thánh ý Đức Chúa Trời: Con lượm củi, cha nhen lửa, đàn bà nhồi bột, đặng làm bánh dâng cho nữ vương trên trời, và làm lễ quán cho các thần khác (câu 18). “Nữ vương trên trời” là một nữ thần của người Mê-sô-bô-ta-mi, đây là nữ thần của sự sinh sản và chiến tranh. Đó cũng là một danh hiệu của nữ thần Át-tạt-tê, tiếng A-sy-ri là Ishtar. Ngoài ra, nó còn có thể chỉ về thần Ashtaroth hoặc Anat của người Ca-na-an. Trong nghi thức thờ phượng nữ thần này có việc dâng bánh hình người hoặc hình mặt trăng, và cả việc đốt hương. Vì thế câu 18 là hình ảnh những người dân thành Giê-ru-sa-lem sốt sắng chuẩn bị tế lễ để thực hiện nghi thức thờ phượng cho thần tượng này và các thần khác.

Thay vì đồng tâm nhất trí để thờ phượng Đức Chúa Trời giống như gia đình của ông Giô-suê, thì những gia đình của tuyển dân được Tiên tri Giê-rê-mi miêu tả lại đồng lõa với nhau để cùng thực hiện việc làm sai trái với ý chỉ Chúa. Có thể có những người con còn nhỏ trong gia đình chưa ý thức và chủ động thờ thần tượng, mà chính người cha người mẹ trong gia đình đã chỉ dẫn và giao cho con những nhiệm vụ để góp phần. Và như thế, không những chỉ đời cha nhưng đã có sự “kế thừa” của thế hệ kế tiếp đi theo con đường sai, làm những điều trái với mệnh lệnh của Đức Chúa Trời. Con cái đang nhìn theo những điều cha mẹ đã làm để noi theo, nếu cha mẹ trung tín thờ phượng Chúa, luôn cẩn thận làm theo điều Chúa truyền dạy thì chắc chắn con cái của họ cũng sẽ theo gương ấy mà kế thừa những di sản thuộc linh quý giá. Ngược lại, như hình ảnh mà phân đoạn Kinh Thánh đã nói đến thì chắc chắn sẽ có những hậu tự tiếp tục thờ thần tượng, trái với thánh ý Đức Giê-hô-va.

Con cái của bạn hay thế hệ sau bạn đang học được gì từ đời sống của bạn?

Cầu nguyện: Kính lạy Đức Chúa Trời! Xin giúp con thấy được trách nhiệm nêu gương của chính mình để hướng dẫn các thành viên gia đình đồng tâm, nhất trí thờ phượng và phục sự một mình Ngài mà thôi.

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Châm Ngôn 1.

Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.

 

Bài trướcHọc Cách Thuận Phục Khi Đức Chúa Trời Khước Từ
Bài tiếp theoGieo và Gặt – 22/2/2018